Rà soát quy định không tính giá trị đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, thoái vốn
Đất đai vẫn là 'nút thắt' làm chậm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước / Tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp còn rất chậm
Kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn chưa đạt mục tiêu đề ra
Ngày 17/5, tại Hà Nội, Tạp chí Tài chính phối hợp với Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy quá trình CPH DN, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại DN”.
Tại Hội thảo, các cơ quan đại diện chủ sở hữu; đại diện lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã trình bày các tham luận, phát biểu đóng góp ý kiến và kiến nghị đến Chính phủ, các bộ, ban, ngành nhằm thúc đẩy quá trình CPH DN, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại DN trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) là một trong ba nhiệm vụ quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế.
Trong những năm qua, việc cơ cấu lại DNNN đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Lũy kế giai đoạn 2016 đến hết tháng 4/2022, đã có 185 DN CPH với tổng giá trị DN là 490.332 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 234.266 tỷ đồng; lũy kế tổng số thoái vốn đạt 29.300 tỷ đồng, thu về 183.766 tỷ đồng.
Đến nay, công tác CPH, thoái vốn đã góp phần nâng cao năng lực tài chính, đổi mới phương thức quản trị DN và hoạt động hiệu quả hơn so với trước, tạo nguồn thu cho ngân sách; cơ bản đạt được mục tiêu bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, DN, nhà đầu tư và người lao động... Tuy nhiên, kết quả CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN không đạt được kế hoạch đề ra.
Chia sẻ cụ thể bất cập này, ông Phạm Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN cho biết, lũy kế giai đoạn 2016 - 2020, đã có 180 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN là 489.690 tỷ đồng; trong đó giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỷ đồng.
“Trong 180 DN đã CPH chỉ có 39/128 DN CPH thuộc danh mục CPH theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đạt 30% kế hoạch’, ông Đức cho biết.
Theo ông Đức, có nhiều nguyên nhân dẫn đến kế hoạch CPH, thoái vốn chưa đạt mục tiêu đề ra. Trong số đó có nguyên nhân chủ quan từ tư duy, nhận thức về vai trò, vị trí của DN nhà nước chưa thống nhất dẫn tới lúng túng trong hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện.
Đa số các tập đoàn, tổng công ty chưa chủ động triển khai các chính sách pháp luật về đất đai, đến khi phải thực hiện CPH mới bắt đầu thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ CPH...
Không nên dùng khái niệm giá thị trường
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, việc xác định giá trị DN có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, việc xác định giá trị của DN thời gian qua còn chưa chính xác, thường thấp hơn giá trị thực tế, gây thất thoát, lãng phí. Sau khi kiểm toán thì giá trị tăng lên nhiều lần, bình quân tăng 2,8 lần. Điều này cho thấy xác định giá trị DN chưa chính xác mà rủi ro lớn nhất là vấn đề xác định giá trị quyền sử dụng đất.
"Việc tính giá trị một lần không sát giá thị trường; ngoài ra, dù có sát thị trường thì sau 10 năm, 20 năm, giá trị lại khác. Đây là lỗ hổng gây thất thoát, chưa nói đến việc nộp tiền thuê đất một lần thì DN CPH có thể chuyển quyền sử dụng đất để làm nhà đô thị, hay công trình khác. Chuyển mục đích sử dụng đất dẫn đến xác định giá trị sử dụng đất không chính xác, dẫn tới thất thoát", Bộ trưởng nói.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh “nói thẳng”: Từ trước đến nay có “cảm giác” chúng ta đang “không bán DN” mà chúng ta đang bán đất thì đúng hơn. Rất nhiều sai phạm hiện nay liên quan đến người bán đất “đội lốt” bán DN.
“Tôi kiến nghị, quan hệ đất đai sau CPH chỉ nên cho thuê đất một thời gian ngắn 1-3 năm, không có thời hạn tới 70 năm. Chúng ta đã cho thuê quá lâu và cho trả một lần. Nếu bên thuê sai phạm, ngừng cho thuê luôn. Tôi phản đối khái niệm giá thị trường. Tất cả sai lầm về đất đai hiện nay là do giá thị trường”, ông Ánh nói.
Rà soát quy định không tính giá trị đất vào giá trị DN
Nhằm thúc đẩy quá trình CPH, thoái vốn giai đoạn tới, Cục trưởng Cục Tài chính DN Đặng Quyết Tiến đề xuất cần sắp xếp lại khối DNNN, chủ yếu tập trung trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh; lĩnh vực mà DN thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.
Cơ cấu lại có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các DN yếu kém, thua lỗ; xử lý cơ bản dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN.
CPH DNNN và thoái vốn nhà nước tại DN bảo đảm thực chất, hiệu quả, khả thi, công khai, minh bạch, đúng pháp luật, không làm mất thương hiệu, bản sắc DN; đánh giá, xác định đầy đủ các nguồn lực vốn, đất đai, thương hiệu.
“Cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền chủ động hơn cho DN gắn với giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm soát quyền lực, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch trong cơ cấu lại DNNN, CPH, thoái vốn nhà nước tại DN. Rà soát, nghiên cứu quy định việc không tính giá trị đất vào giá trị DN khi thực hiện CPH, thoái vốn”, ông Tiến đề xuất.
Đặc biệt, theo Cục trưởng Cục Tài chính DN, cần tiếp tục hoàn thiện Luật Đất đai và các luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai.
DN sau CPH phải thực hiện đúng phương án sử dụng đất đã được phê duyệt trong phương án CPH DN; bổ sung quy định về xử lý đất đai đối với các DN quản lý nhiều đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao theo hướng yêu cầu DNNN thực hiện hình thức thuê đất, trả tiền hàng năm, DN sau CPH cam kết sử dụng đất đúng mục đích sản xuất kinh doanh, thuê trả tiền hàng năm.
Trường hợp thay đổi mục đích sử dụng đất theo quy hoạch của UBND địa phương thì thực hiện trả lại đất cho địa phương để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai; DN CPH có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
“Cần bổ sung những chế định đấu giá quyền sử dụng đất và quyền thuê đất vào Luật Đấu thầu, đảm bảo tính công khai, minh bạch và thông tin đầy đủ về đất như thông tin về diện tích, vị trí, giá thuê, phương thức trả tiền”, ông Tiến khuyến nghị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo