Doanh nghiệp - Doanh nhân

Sự nghiệp đáng ngưỡng mộ của những tỷ phú Việt cầm tinh con Hổ

DNVN - Nhiều doanh nhân Việt Nam cầm tinh con Hổ như Đỗ Quang Hiển, Đoàn Nguyên Đức, Lê Vĩnh Sơn, Nguyễn Duy Hưng… có sự nghiệp đáng ngưỡng mộ và khối tài sản khổng lồ lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Có bao nhiêu tỷ phú trong CLB 100 tỷ USD? / Top 10 tỷ phú USD trẻ nhất thế giới năm 2021

Ông Đỗ Quang Hiển - sinh năm Nhâm Dần 1962
Ông Đỗ Quang Hiển sinh ngày 29/10/1962 (Nhâm Dần) tại Hà Nội, là Kỹ sư Vật lý vô tuyến. Sau nhiều công việc liên quan đến kỹ sư, ông chuyển sang Viện nghiên cứu Công nghệ Quốc gia, làm ở đây đến năm 31 tuổi.
Năm 1993, ông Đỗ Quang Hiển bắt đầu sự nghiệp kinh doanh riêng bằng việc thành lập Công ty TNHH Công nghệ và thương mại T&T (tiền thân của Tập đoàn T&T Group ngày nay), chuyên kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị văn phòng, thiết bị viễn thông… Sau đó, ông gặt hái thành công trong lĩnh vực sản xuất xe gắn máy khi đầu tư bài bản với quy mô lớn vào lĩnh vực này.
Doanh nhân Đỗ Quang Hiển. Ảnh: T&T.
Doanh nhân Đỗ Quang Hiển. Ảnh: T&T.
Hiện tỷ phú tuổi Hổ Đỗ Quang Hiển là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn T&T; Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB); tham gia sáng lập nhiều tổ chức tài chính, kinh tế… Ông Hiển cũng đồng thời đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đỗ Quang Hiển là doanh nhân nổi tiếng với việc thành lập câu lạc bóng đá T&T Hà Nội (hiện là Hà Nội FC). Ngoài ra, ông còn sở hữu 5 câu lạc bộ bóng đá khác. Từ đó, biệt danh “Bầu Hiển” được ra đời và nhiều người biết đến.
Năm 2020, ông Đỗ Quang Hiển được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất - là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước dành cho doanh nhân này về những thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Trước đó, vào năm 2018, ông Đỗ Quang Hiển đã nhận được danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú.
Ông Đoàn Nguyên Đức - sinh năm Nhâm Dần 1962
Ông Đoàn Nguyên Đức sinh ngày 6/12/1962 (Nhâm Dần) tại xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Tỷ phú cầm tinh con Hổ này có biệt danh là “Bầu Đức” bởi tình yêu với bóng đá và là một trong những doanh nhân thành đạt, nổi tiếng nhất Việt Nam với thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai.
Ông Đức đang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai và Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai.
Tỷ phú Đoàn Nguyên Đức.
Tỷ phú Đoàn Nguyên Đức.
Ông Đoàn Nguyên Đức khởi nghiệp với một phân xưởng mộc. Ban đầu, phân xưởng chuyên đóng bàn ghế học sinh, sau dần mở rộng sang sản xuất mặt hàng nội thất cùng nhiều các lĩnh vực khác.
Năm 1993, ông Đức thành lập Xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku. Đến năm 2006, xí nghiệp được đổi tên thành Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: Khai thác khoáng sản, gỗ, cao su; kinh doanh bất động sản... Công ty của ông Đức bắt đầu niêm yết chứng khoán Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) vào năm 2008 với mã HAG. Tính đến thời điểm tháng 11/2010, tổng vốn hóa thị trường của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đạt hơn 22.524 tỷ đồng.
Năm 2008 và 2009, ông Đức liên tiếp xếp ở vị trí thứ nhất trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam. Năm 2012, ông xếp ở vị trí thứ hai sau ông Phạm Nhật Vượng với tổng tài sản 5.600 tỷ đồng.
Năm 2011, ông được Wall Street Journal đánh giá là một trong 30 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á.
Tỷ phú Đoàn Nguyên Đức nổi tiếng là người đam mê bóng đá. Từ năm 2001, ông bỏ ra mỗi năm hơn 10 tỷ đồng đầu tư cho bóng đá và là “ông bầu” của câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai. Năm 2007, Bầu Đức thành lập Học viện Bóng đá Hoàng Anh gia Lai - JMG. Đây là nơi đã sản sinh ra nhiều tài năng cho bóng đá Việt Nam như Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Tuấn Anh, Hồng Duy...
Ông Nguyễn Duy Hưng - sinh năm Nhâm Dần 1962
Ông Nguyễn Duy Hưng sinh ngày 10/9/1962 (Nhâm Dần) tại Thanh Hóa, là doanh nhân nổi tiếng trong giới đầu tư, tài chính.
Ông Hưng là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN. Ông cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư NDH và Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI.
“Ông trùm” chứng khoán Nguyễn Duy Hưng.
“Ông trùm” chứng khoán Nguyễn Duy Hưng.
Doanh nhân tuổi Dần Nguyễn Duy Hưng được gọi là “ông trùm” chứng khoán bởi ông giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán SSI – công ty chứng khoán lớn nhất, ra đời sớm nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam (30/12/1999).
SSI được thành lập năm 1999 với số vốn đăng ký 420.000 USD. Cho đến nay, SSI đã kiểm soát gần 1/5 ngành dịch vụ tài chính tại Việt Nam. SSI hiện là công ty chứng khoán có quy mô lớn nhất thị trường với vốn điều lệ trên 6.029 tỷ đồng. Trải qua hành trình dài 20 năm với nhiều thăng trầm, tính đến thời điểm ngày 31/12/2020, “đế chế” SSI được lãnh đạo bởi doanh nhân Nguyễn Duy Hưng có tổng giá trị tài sản gần 36.000 tỷ đồng.
Năm 2018, ông Hưng nắm giữ khối tài sản lên tới 2.531 tỷ đồng nhờ sở hữu nhiều triệu cổ phiếu từ các công ty, tập đoàn lớn do ông làm chủ. Hiện ông Hưng đang nắm giữ hơn 10 triệu cổ phiếu công ty SSI (chiếm tỷ lệ 1,7%) và hơn 5 triệu cổ phiếu công ty PAN (chiếm tỷ lệ 2,36%) với tổng giá trị tài sản lên tới 580 tỷ đồng.
Ông Lê Vĩnh Sơn - sinh năm Giáp Dần 1974
Ông Lê Vĩnh Sơn sinh ngày 21/9/1974 (Giáp Dần), tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Thạc sỹ kinh tế, chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân.
Ông Sơn là người sáng lập và là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quốc tế Sơn Hà (SHI). Cùng với đó, doanh nhân cầm tinh con Hổ này còn là Chủ tịch HĐQT của hàng loạt doanh nghiệp khác như: Công ty CP Phát triển năng lượng Sơn Hà, Công ty CP Điện mặt trời Sơn Hà FreeSolar, Công ty CP Cấp thoát nước Lạng Sơn...
Ông Lê Vĩnh Sơn. Ảnh: SHI.
Ông Lê Vĩnh Sơn. Ảnh: SHI.

Ngoài ra, ông Lê Vĩnh Sơn là đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội khóa XV nhiệm kỳ 2016-2021; Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam...
Theo báo cáo quản trị năm 2020, ông Lê Vĩnh Sơn đang sở hữu hơn 14,6 triệu cổ phiếu SHI - tương đương 15,98% vốn. Công ty này chính thức trở thành công ty đại chúng khi tham gia thị trường chứng khoán kể từ năm 2009.
Với hơn 14,6 triệu cổ phiếu SHI đang nắm giữ (tính đến cuối năm 2020), khối tài sản chứng khoán này của ông Sơn có giá trị trên 430 tỷ đồng. Cộng với việc nắm giữ và đầu tư vào hàng loạt doanh nghiệp khác, khối tài sản của ông Sơn ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Hoàng Cường (T/h)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm