Doanh nghiệp - Doanh nhân

Tiếp sức doanh nghiệp Việt trên hành trình kinh doanh bền vững

DNVN - Việc vinh danh các doanh nghiệp phát triển bền vững năm 2024 được coi là đôi cánh tiếp thêm sức mạnh, động lực để doanh nghiệp tiếp tục “bền sức, bền lòng” theo đuổi hành trình phát triển bền vững, một hành trình đầy thách thức nhưng cũng thật vinh quang.

Hành trình tiếp lửa cho doanh nghiệp Việt trên đất Canada / Điều chưa từng thấy trong 4 năm vừa xảy ra với Toyota, 1/5 lợi nhuận 'bốc hơi'

9 năm qua, chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp (DN) bền vững tại Việt Nam (chương trình CSI) đã được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bền bỉ triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực.

Năm 2024, chương trình CSI thu hút gần 500 DN trên cả nước với các loại hình và quy mô khác nhau nộp hồ sơ. Qua đó Ban tổ chức đã sơ loại và lựa chọn được 142 hồ sơ để chấm chính thức. Tham gia chương trình năm nay, tỷ lệ DN trong nước và DN mới tham gia lần đầu cũng ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội so với 3 năm gần đây, lần lượt ở mức 62% và 35%.

Theo Ban tổ chức, con số này cho thấy mức độ quan tâm đến phát triển bền vững (PTBV) của các DN trong nước đã có sự cải thiện đáng kể. Đây là tín hiệu đáng mừng phản ánh sự chuyển đổi trong nhận thức và hành động của DN Việt Nam hướng tới việc chuyển đổi và thực hành kinh doanh bền vững.


Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trưởng Ban chỉ đạo CSI 2024.

Tại lễ công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2024 tối 29/11 tại Hà Nội, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI, Trưởng Ban chỉ đạo CSI 2024 cho biết, năm 2024 tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với các mục tiêu PTBV của Việt Nam nói chung và sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN nói riêng. Ảnh hưởng của những “cơn bão thiên nhiên” dị thường do biến đổi khí hậu và cả những “cơn bão bất ổn khủng hoảng tài chính, kinh tế, chiến tranh, xung đột khu vực…” đã và đang gây ra những tác động, thiệt hại to lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của DN.

Nhưng những “cơn bão tố” đó đã làm bộc lộ một thực tế mới, đó là những DN kiên trì thực hiện mô hình sản xuất kinh doanh, bền vững có thể tăng sức chống chịu, thích ứng trước các thách thức và nắm bắt các cơ hội đang được mở ra từ quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số của DN. Điều này đã được minh chứng khi VCCI tiến hành khảo sát những DN đạt danh hiệu DN bền vững trong gần một thập kỷ qua.

“Để có thể nắm bắt những vận hội mới, bên cạnh việc đột phá mạnh mẽ về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản thì từ phía cộng đồng DN, lực lượng sản xuất chính, cũng cần có sự đột phá trong chuyển đổi tư duy chiến lược kinh doanh, phát huy nội lực, chủ động đổi mới để chuyển đổi thực hành mô hình kinh doanh nhân văn, sáng tạo, bền vững đóng góp vào tiến bộ, thịnh vượng của xã hội và hạnh phúc của người dân”, ông Công nói.

Lễ công bố CSI 2024 đã biểu dương 100 DN bền vững tiêu biểu ở cả lĩnh vực sản xuất và thương mại – dịch vụ. Trong đó, Top 10 DN bền vững ở hai lĩnh vực này ghi nhận tỷ lệ 50% DN trong nước và 50% DN có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài việc biểu dương hạng mục chính DN bền vững, chương trình cũng đánh giá, lựa chọn ra các DN tiên phong, thực hiện tốt trong hai hạng mục chuyên đề: thực hiện kinh tế tuần hoàn và cắt giảm phát thải khí nhà kính, và xây dựng, thực hiện giá trị đa dạng, công bằng và bao trùm.


Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng và Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chúc mừng top 10 DN bền vững trong lĩnh vực sản xuất.

Chúc mừng các DN được vinh danh, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), Phó Trưởng ban chỉ đạo Chương trình CSI 2024 nhấn mạnh, danh hiệu này sẽ là đôi cánh tiếp thêm sức mạnh, động lực để các doanh nghiệp tiếp tục “bền sức, bền lòng” theo đuổi PTBV, một hành trình đầy thách thức nhưng cũng thật vinh quang.

Theo ông Vinh, những DN đi theo xu hướng PTBV đã cho thấy sự thích ứng và chống chịu cao trước các biến đổi tiêu cực từ bên ngoài, cũng như khả năng linh hoạt, nắm bắt hiệu quả các cơ hội mà nền kinh tế mang lại. Những DN đầu tàu như: Vinamilk, PNJ, Traphaco, Bảo Việt, SASCO, Nestle, Coca-Cola, Tập đoàn PAN, SABECO, C.P, SCG, Greenfeed… đang triển khai rất tốt các mô hình sản xuất xanh, đưa yếu tố tuần hoàn vào sâu trong chuỗi sản xuất, nỗ lực cắt giảm phát thải khí nhà kính, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng yếu thế qua mô hình kinh doanh bao trùm, hay thực hành khung đánh giá môi trường-xã hội-quản trị (ESG) tại DN...

Ông Vinh tin tưởng rằng, cộng đồng DN bền vững tại Việt Nam sẽ ngày càng phát triển lớn mạnh, đồng lòng, chung sức cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ vượt qua các thách thức, nắm bắt các cơ hội, để đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên xanh, thịnh vượng và bao trùm.

Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm