Doanh nghiệp - Doanh nhân

Tỷ phú Trần Bá Dương: Từ đế chế ô tô Thaco rẽ sang bất động sản, nông nghiệp

Là một trong những số ít tỷ phú USD của Việt Nam, ông Trần Bá Dương được biết đến là 'linh hồn' của Thaco rồi bất ngờ rẽ ngang bất động sản và lấn sang đế chế nông nghiệp. Ở mỗi lĩnh vực đều có những đóng góp, cống hiến lớn và để có ngày hôm nay, vị tỷ phú đã đi qua không chỉ toàn thảm đỏ mà phía sau là những câu chuyện đầy thú vị.

4 bài học thành công được các tỷ phú chia sẻ năm 2019 / 5 tỷ phú kiếm “đậm” nhất năm 2019

“Vua” ô tô Thaco

Xuất thân từ kỹ sư cơ khí và bắt đầu sự nghiệp của mình với những xưởng sửa chữa ô tô, ông Trần Bá Dương sinh năm Canh Tý 1960 hiện được coi là ông vua của nền công nghiệp ô tô Việt Nam. Tên tuổi của ông cũng đã gắn liền với sự thành công của thương hiệu Thaco Trường Hải.

Thành lập năm 1997, Công ty ô tô Trường Hải ban đầu chỉ nhập khẩu xe đã qua sử dụng và tân trang, với doanh số vỏn vẹn 137 xe các loại. Năm 2016 đánh dấu cột mốc đáng ghi nhận của Thaco khi vượt mặt hàng loạt ông lớn, trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam trong danh sách VNR500, đứng đầu thị trường Việt Nam với tổng số xe bán ra lên đến trên 110 nghìn chiếc.

Năm 2017, doanh số bán xe của Thaco có sụt giảm do khó khăn chung của cả ngành, nhưng cũng đạt con số ấn tượng gần 90 nghìn xe. Tuy nhiên doanh số của Thaco đã bắt đầu có sự cải thiện đáng kể vào cuối năm 2017 và những tháng đầu năm 2018.

Đáng chú ý, sản xuất ô tô cũng đạt được dấu mốc quan trọng trong những ngày cuối năm 2019 khi xuất khẩu 120 xe hơi thương hiệu Kia được lắp ráp tại nhà máy của công ty ở Chu Lai (Quảng Nam) sang Myanmar. Đây là lần đầu tiên công ty của Trần Bá Dương có một lô hàng xuất khẩu xe du lịch dưới 9 chỗ với số lượng lớn. Một tuần sau đó, xe buýt thương hiệu Việt cũng được Thaco xuất khẩu sang Philippines.

Cả năm 2019, Thaco xuất khẩu 186 xe các loại. Năm 2020, doanh nghiệp này đặt mục tiêu xuất khẩu hơn 1.000 chiếc ô tô các loại trong chiến lược trở thành trung tâm sản xuất của Kia Motors tại ASEAN và xuất khẩu xe nguyên chiếc, linh kiện sang các nước trong khu vực.

Nhà máy sản xuất ô tô tải Chu Lai – Trường Hải

Từ những ngày đầu, trăn trở với công nghiệp ô tô nước nhà, ông Dương lại có cái nhìn khác với những tham vọng tương tự của Vinaxuki hay VinFast. Thay vì lập tức tạo ra một thương hiệu ô tô “made in Vietnam”, Thaco đi theo con đường tham gia chuỗi giá trị của nền công nghiệp ô tô thế giới, lựa chọn sản xuất xe CKD (xe lắp ráp trong nước với 100% linh kiện nhập khẩu), và tiến đến SKD (xe có tỷ lệ nội địa hóa nhất định).

Nói về một doanh nghiệp sản xuất hàng đầu đất nước như Thaco, nếu không nhắc về khu phức hợp đồ sộ Chu Lai Trường Hải (Quảng Nam) có lẽ là một thiếu sót. Đó cũng là câu chuyện đáng nhớ khi tham vọng của ông Trần Bá Dương gặp được sự nhiệt thành của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (lúc ấy là chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam), với quyết tâm đưa công nghiệp về tỉnh nhà.

Ông Trần Bá Dương nhớ lại, 15 năm trước, vào năm 2003, cũng tại chính Khu kinh tế mở Chu Lai, đã tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai và Thaco khởi công xây dựng nhà máy xe tải, xe buýt có công suất 25.000 xe/năm, diện tích 38ha, tổng vốn đầu tư 2.800 tỷ đồng, là nhà máy đầu tiên tại Khu kinh tế mở Chu Lai.

15 năm sau, cũng tại Chu Lai, Thaco mở rộng đầu tư 32 công ty, nhà máy, 1 tổ hợp cơ khí, trường cao đẳng nghề, hệ thống logictics với tổng vốn đầu tư trên 80.500 tỷ đồng và được chia thành 2 khu: khu phức hợp cơ khí và ô tô Chu Lai - Trường Hải và khu cảng và hậu cần cảng Chu Lai.

“Làm công nghiệp đòi hỏi có khát vọng lớn ngay từ đầu, có ý chí để vạch ra chiến lược dài hơi. Nếu cứ vừa làm vừa nghĩ mở đến đâu thì tôi đâu có ra Chu Lai, ở Biên Hòa là quá đủ”, ông Dương chia sẻ.

 

Theo vị tỷ phú, để tạo nên thành công, chỉ có 1% là may mắn, còn lại 99% là lao động mồ hôi và nước mắt.

Cú rẽ ngang

Sau khi đã lên đỉnh cao của ngành sản xuất ô tô trong nước, doanh nhân Trần Bá Dương quyết thử sức với bất động sản khi từ nhiệm Tổng giám đốc Thaco, vẫn tiếp tục nhiệm vụ Chủ tịch HĐQT, đồng thời làm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Đại Quang Minh.

Đại Quang Minh được thành lập năm 2011 với sự bắt tay của 4 cổ đông là Thaco nắm 45% vốn, Công ty Cổ phần Đầu tư Mai Linh nắm 37,5%, ông Trần Đăng Khoa và Công ty Cổ phần Thương mại quốc tế và Tư vấn đầu tư Invecon nắm 17,5%.

Hiện nay, Thaco đang nắm giữ 90% cổ phần của Đại Quang Minh, ông Trần Đăng Khoa giữ 5%, còn lại là các cổ đông khác. Với ông chủ hiện nay là ông Trần Bá Dương, Thaco sẽ không cần phải “bàn bạc” với ai trong việc điều hành các dự án, không chỉ là Sala - khu đô thị có giá trị bậc nhất Việt Nam - mà còn một loạt dự án khác của công ty này tại Thủ Thiêm.

Cuối 2014, Đại Quang Minh “nổi như cồn” với việc bỏ ra 8.265 tỷ đồng để đầu tư 4 tuyến đường tuyến đường tại Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm 2 theo hình thức BT.

 

Trong dự án Cầu Thủ Thiêm 2 và 9 lô đất đối ứng, BIDV tài trợ tín dụng cho công ty tới 4.200 tỷ đồng. BIDV cũng là đơn vị tài trợ vốn cho dự án Khu đô thị Sala.

Phối cảnh dự án Khu đô thị Sala tại Thủ Thiêm, quận 2, TP. HCM.

Đại gia bất động sản mới nổi này còn đề xuất kế hoạch tham vọng: xây quảng trường lớn nhất Việt Nam tại Thủ Thiêm. Dự án sẽ được Đại Quang Minh thực hiện theo hình thức hợp đồng BT và được cấn trừ vào số tiền chênh lệch mà nhà đầu tư còn phải nộp (khoảng 1.800 tỷ đồng) theo hợp đồng BT dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đáng chú ý, vào tháng 10/2019, ông Trần Bá Dương thông qua Đại Quang Minh sở hữu 100% vốn tại dự án khu phức hợp Hoàng Anh Myanmar - dự án bất động sản cuối cùng của Hoàng Anh Gia Lai, đánh dấu sự chia tay của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đối với lĩnh vực bất động sản.

Đại Quang Minh sẽ chịu trách nhiệm chính đầu tư phát triển giai đoạn 2 của dự án HAGL Myanmar với tổng vốn đầu tư ước tính hơn 7.400 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào năm 2020.

Có thể thấy, cú ngược dòng của Vingroup và Thaco khi tỷ phú Trần Bá Dương sản xuất ô tô rồi mới rẽ ngang sang bất động sản còn chiến lược của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lại “đi ngược” khi thành tập đoàn bất động sản số 1 Việt Nam mới bước vào ngành công nghiệp 4 bánh.

 

Ba mối nhân duyên trong nông nghiệp

Sau ô tô, bất động sản, vị tỷ phú lấn sang đế chế nông nghiệp khiến nhiều người nghi ngại. Chia sẻ trong bài phát biểu hôm 9/1/2020, ông Trần Bá Dương nói “đến với nông nghiệp là nhờ nhân duyên”.

Nhân duyên đầu đầu tiên, theo ông Dương là từ Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Chủ tịch Thaco kể lại từ đầu nhiệm kỳ, Bộ trưởng Cường đã kêu gọi ông tham gia lĩnh vực nông nghiệp mà trước hết là máy móc nông nghiệp.

“Nhân duyên thứ 2 là vào đầu năm 2018, anh Đức chủ động gặp tôi mời tham gia đầu tư vào HAGL Agrico”, ông Dương nói.

Ông Trần Bá Dương (bên phải) cùng ông Đoàn Nguyên Đức chia sẻ tại buổi kỷ niệm một năm Thaco đầu tư vào HAGL.

Ông Dương cho biết vào đầu năm 2018, ông Đức bất ngờ gọi điện mời mua cổ phiếu nhưng khi đó ông không quan tâm đến chứng khoán. Sau đó, ông Đức gửi tiếp một bức thư tay kể về khó khăn chồng chất, làm nông nghiệp thiếu tiền nhưng ngân hàng không cho vay và khẩn thiết nói chỉ có “đầu kéo tầm cỡ như Thaco” mới đủ sức vực dậy công ty mình.

Tâm thư của ông Đức bộc bạch rằng, nếu cứu được HAGL, không chừng còn gây dựng nên một đế chế nông nghiệp “vô tiền khoáng hậu” cho Việt Nam.

 

Đọc lá thư này, ông Dương thay đổi suy nghĩ khi nhớ tới bầu Đức được tiếng là người xưa nay tâm huyết làm ăn, nói thật làm thật. Từ lúc đó, ông chủ Thaco trực tiếp đi khảo sát thực tế và nảy nở nhiều cảm xúc khi thăm các nông trường bạt ngàn của HAGL.

“Tôi đồng ý hỗ trợ bầu Đức. Cái khó của anh Đức là gánh khoản nợ quá lớn. Tôi bàn với anh xử lý nợ, rồi cùng mở rộng sản xuất”, ông Dương nói.

Tận dụng quỹ đất vàng của Hoàng Anh Gia Lai, Thaco phát triển theo chiến lược chuỗi khép kín. Đến nay, không chỉ bắt tay với Tập đoàn Lộc Trời phát triển vùng nguyên liệu, rót hơn 22.000 tỷ đồng vào Hoàng Anh Gia Lai, Thaco còn thành lập Công ty cổ phần Sản xuất, chế biến và phân phối nông nghiệp (THADI) để kinh doanh nông sản, xây dựng nhà máy chế biến trái cây có công suất thiết kế 500.000 tấn/năm, xây dựng nhà máy sản xuất máy móc, thiết bị nông nghiệp, sắp sửa đầu tư vào lĩnh vực vật tư nông nghiệp, giống...

Ngoài ra, hạ tầng logistics, đường, cầu cảng của doanh nghiệp này cũng đã sẵn sàng phục vụ thương mại nông sản.

Nhìn lại một năm rót vốn vào HNG, ông Dương thừa nhận đây là cuộc “hôn phối” đầy thách thức. Ban đầu ông chỉ định rót một tỷ USD, nhưng thực tế không chỉ dừng lại ở đó, cuộc giải cứu sẽ kéo dài. Hiện giờ, tổng số vốn rót vào nhiều khả năng vượt qua con số tỷ USD.

 

“Ngày đó nhiều người từng hỏi tôi lỡ cứu HAGL mà chết chìm theo thì làm sao? Ngược lại tôi thấy hợp tác này là cơ duyên và có thể biến nó thành cơ hội”, ông Dương kể.

Nói về nhân duyên thứ ba, tỷ phú Dương cho biết: “Anh Dương Ngọc Minh (Chủ tịch Hùng Vương Group) đã chủ động tìm gặp tôi mời gọi hợp tác giải quyết những vấn đề doanh nghiệp này đang dang dở”.

Ông Dương Ngọc Minh và ông Trần Bá Dương.

Ông Dương cũng thú nhận tới giờ phút này chưa xuống chỗ ông Minh để coi ông làm cái gì dưới đó, nhưng có nhiều lý do khiến ông quyết định hợp tác.

“Đầu tiên, khi nghe về ông Minh, tất cả mọi người đều khen y như ngày trước với ông Đức. Nên tôi có được niềm tin và quyết định là mình phải làm cái gì đó cho doanh nghiệp này. Hơn nữa, đồng bằng sông Cửu Long là số 1 về nuôi cá tra, cá basa xuất khẩu, nên làm được gì để giúp vùng đất này có ý nghĩa rất lớn về mặt xã hội cũng là lý do thôi thúc tôi”, Chủ tịch Thaco chia sẻ.

Thứ hai, theo ông Dương, dù chưa trực tiếp xuống thăm nhưng anh em (trong Thaco) thì đã đi và có báo cáo đầy đủ. Từ đó ông nhìn thấy được yếu tố “thiên thời” của Hùng Vương.

 

Ông Trần Bá Dương cũng khẳng định: “Không giải cứu ai để làm anh hùng. Đây chỉ là chia sẻ hợp tác giữa doanh nghiệp, doanh nhân, để cùng nhau đóng góp, nâng tầm nông nghiệp Việt Nam”.

Đồng thời ông nhấn mạnh những nhân duyên này mang lại cơ hội lớn để Thaco thực hiện sứ mệnh nâng tầm nông nghiệp Việt Nam.

Nông nghiệp giờ hứng khởi nhất

Trong 3 lĩnh vực ô tô, bất động sản và nông nghiệp, tỷ phú USD nói mỗi lĩnh vực đều đóng góp, cống hiến và thể hiện mình.

“Đối với đất nước đang phát triển, việc phát triển đô thị đúng hướng, tạo điểm nhấn đô thị, chỉnh trang đô thị, gia tăng giá trị cho quỹ đất là hết sức quý giá. Muốn làm du lịch, thu hút khách nước ngoài đến thì cũng phải tạo ra các đô thị đáng sống, có kiến trúc, có không gian làm gia tăng giá trị.

“Trải qua thời gian vừa rồi, do quản lý chưa rõ ràng dẫn đến hơi tiêu cực. Tôi không đến mức chán nản nhưng tôi nghĩ nên để lĩnh vực này sang một bên”, ông Dương cho biết.

 

Còn về lĩnh vực ô tô, Chủ tịch Thaco cho rằng ông đã làm lâu, đã chuẩn bị và anh em trong công ty đã cơ bản có thể gánh vác cho ông 50 - 60% nên giờ này nông nghiệp là ông hứng khởi nhất.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm