Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp FDI muốn liên kết cũng khó

Những tên tuổi lớn trong danh sách doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Chương trình trao đổi nhà cung cấp và lập quan hệ đối tác (SPX) đang báo hiệu những động thái tích cực trong hoạt động FDI tại Việt Nam.

Có thể kể tới GE, Ford, Piaggio Việt Nam hay hàng loạt các doanh nghiệp Nhật Bản quen thuộc. Họ kỳ vọng tìm được nhà cung cấp trong nước để ký hợp đồng cung ứng; hay cùng thành lập liên doanh sản xuất phụ kiện cung cấp cho công ty mẹ.

 

Có thể thấy, cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam trong mục tiêu len chân vào chuỗi giá trị toàn cầu đang được doanh nghiệp FDI dẫn hướng.

 

Không những thế, theo ông Đinh Mạnh Hùng, Chuyên gia SPX Việt Nam, với cách kết nối này, mục tiêu thu hút doanh nghiệp FDI gắn kết với phát triển công nghiệp phụ trợ của Việt Nam sẽ được thực hiện chủ động, nhất là khi SPX đang có trong tay bộ dữ liệu tin cậy về 675 nhà cung ứng Việt Nam.

 

Tuy nhiên, câu chuyện trên vẫn đang là kế hoạch, bởi tính từ Lễ khai trương SPX Việt Nam vào 5/2011 đến nay, mặc dù có tới 30 cơ hội kinh doanh đã được kết nối, nhưng chỉ mới có 6 cơ hội tiến đến giai đoạn chào thầu, 3 doanh nghiệp tiến hành thử mẫu và chỉ có 1 doanh nghiệp FDI được thành lập.

 

Tất nhiên, khó đặt kỳ vọng cho sự đột phá nhanh chóng của các kế hoạch kinh doanh vào thời điểm hiện tại, khi doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều bất ổn, song nhìn dài hạn, không phải mọi yêu cầu kết nối đều như mong muốn, nhất là khi mà các điều kiện đầu vào trong mối liên kết giữa các doanh nghiệp ngoại và nội vẫn rất thiếu.

 

Cũng phải nói thêm là, SPX là một phần của Dự án Hệ thống theo dõi đầu tư và phát triển nhà cung cấp tại Việt Nam giai đoạn I do Bộ Kế hoạch và Đầu tư hợp tác với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) thực hiện.

 

Trong Báo cáo Đầu tư công nghiệp Việt Nam 2011 được thực hiện trong khuôn khổ Dự án này (vừa được công bố trong tuần), câu chuyện về mối liên kết này cũng được phát hiện  là phát triển ở mức thấp, đáng quan ngại hơn, là sự xuất hiện của hiệu ứng chèn lấn trong cùng một ngành công nghiệp khi có sự xuất hiện của doanh nghiệp FDI trên cùng địa bàn.

 

Nếu cộng thêm cả những số liệu khảo sát thực tế tiếp tục chứng thực hoạt động chủ yếu trong các ngành có lao động tay nghề thấp, lương thấp, chủ yếu nhằm khai thác lợi thế về lao động rẻ của Việt Nam và cả xu hướng thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, thay vì liên doanh, được nhìn thấy ở cả nhà đầu tư là các doanh nhân nước ngoài hay các tập đoàn đa quốc gia, thì sự chèn lấn này trở nên đáng lo ngại hơn.

 

Đúng như ông Patrick Gilabert, đại diện UNIDO Hà Nội, thì việc nhận biết chính xác thực tế hoạt động các doanh nghiệp FDI trong các ngành công nghiệp tại Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong điều chỉnh chính sách thu hút FDI của Việt Nam để thu hút được dòng vốn FDI đúng mục tiêu.

 

“Không phải lúc nào mục tiêu của các nhà đầu tư và của Chính phủ cũng trùng khớp, trong khi các nỗ lực gần đây trong thu hút FDI của các quốc gia trong khu vực cũng đang tạo nên những thách thức lớn cho chính sách nâng cấp dòng vốn FDI của Việt Nam”, ông Gilabert khuyến nghị và nhấn mạnh, tác động để tăng mối liên kết và tác động lan toả của khu vực FDI tới nền kinh tế từ các chính sách của Chính phủ là vô cùng quan trọng.

 

Cụ thể hơn, trong khuyến nghị chính sách của Báo cáo Đầu tư công nghiệp Việt Nam 2011, các chuyên gia cho rằng, hình thức liên doanh có thể giữ vai trò truyền dẫn trong mục tiêu mong muốn khai thác thị trường đang tăng trưởng của Việt Nam từ phía các nhà đầu tư nước ngoài cũng như kỳ vọng nhận chuyển giao công nghệ và bí quyết kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.

 

“Tuy nhiên, để làm được việc này, cần xây dựng chính sách cụ thể và ưu đãi hướng đến mục tiêu phát triển công nghiệp phụ trợ làm đối trọng với các lĩnh vực hoạt động vốn là lãnh địa của các doanh nghiệp FDI”, ông Stefan Kratzch, chuyên gia nghiên cứu của UNIDO phân tích.

 

Đề nghị về xây dựng danh mục dự án đầu tư liên doanh để kêu gọi nhà đầu tư theo đúng mục tiêu được đặt ra. Bởi, trong bức tranh có tới 500 biến số về động cơ đầu tư, hiệu quả, tác động và cảm nhận của các nhà đầu tư nước ngoài, lần đầu tiên, các chuyên gia UNIDO đã vẽ khá rõ xu hướng đầu tư công nghệ của các doanh nghiệp FDI đến từ các quốc gia khác nhau.

 

Trong số này, đứng đầu tốp đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao vẫn là các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản với 29,5%, tiếp sau là các nhà đầu tư từ Đài Loan. Các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc đứng đầu trong nhóm đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thấp (18,2%) và không áp dụng công nghệ (18,2%). Trong đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất da giày, dệt may.

 

Trở lại những khó khăn trong nỗ lực biến các cơ hội kinh doanh mà SPX đã kết nối thành hiện thực, không thể không nhắc tới tỷ lệ gần 60% doanh nghiệp FDI vẫn phàn nàn về tình trạng thiếu lao động kỹ năng.

 

Tỷ lệ này, được đánh giá là “cao tuyệt đối”, khi so với những khó khăn mà họ gặp tại Việt Nam như không ổn định trong cung cấp điện, các nguyên liệu đầu vào hay vốn kinh doanh…

 

“Mọi kế hoạch nâng chất FDI, cũng như mong muốn các doanh nghiệp FDI hiện hữu gia tăng giá trị sẽ không đạt được nếu nguồn lao động không được cải thiện”, ông Stefan Kratzch thẳng thắn đưa ra khuyến nghị.

 

 

 

Theo Đầu tư

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo