Doanh nghiệp FDI tại Hà Nội: Mòn mỏi chờ gỡ vướng
37 dự án FDI của Hà Nội với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 6,6 tỷ USD đang triển khai chậm trễ, làm giảm sút hiệu quả đầu tư và gây ảnh hưởng tới phát triển đô thị.
Được cấp giấy phép đầu tư từ năm 1998, song phải đến 10 năm sau, dự án của Bệnh viện quốc tế Hoa Kỳ - Hà Nội mới được cấp giấy phép xây dựng. Nguyên nhân là do hoạt động giải phóng mặt bằng mất tới chục năm. Theo bà Nguyễn Thị Giáng Hương - Phó Tổng Giám đốc Bệnh viện quốc tế Hoa Kỳ - Hà Nội, hiện DN đang triển khai việc xin thêm khu đất bên cạnh bệnh viện, được thành phố cho phép triển khai và UBND Quận Cầu giấy thành lập hội đồng giải phóng mặt bằng trong suốt 5 năm nay. Song do có những hộ dân phản đối, lại nằm dưới hành lang lưới điện, việc giải phóng mặt bằng của chính quyền địa phương không mạnh mẽ, nên dự án mở rộng “dậm chân tại chỗ”, khiến cho hiệu quả hoạt động của DN bị hạn chế do chỉ hoạt động trong diện tích 8.500m2 với 500 giường bệnh, dự án đầu tư bệnh viên 11 tầng cũng có nguy cơ chậm tiến độ, phải lùi lại đến năm 2016.
Một số nhà đầu tư khác có các dự án bất động sản cũng bị chậm tiến độ vì vấn đề giải phóng mặt bằng và quy hoạch. Khu đô thị chức năng Noble Vân Trì (Đông Anh- Hà Nội) hiện đang khai thác khu đô thị chức năng ngay cạnh sân golf Vân Trì đã đi vào vận hành từ năm 2007, song do phải chờ quy hoạch tổng thể được phê duyệt nên dự án đã bị chậm tiến độ. Kéo theo đó, hàng loạt các dự án án đi theo cũng nằm trong khu độ thị cũng bị “ách” lại như dự án nhà ở xã hội, trường học quốc tế… dù đã được phê duyệt từ năm 2014 song do những vướng mắc về sử dụng đất, nên xin giấy phép xây dựng chưa được phê duyệt.
Hoặc với dự án Tây Hồ Tây của Cty Trách nhiệm hữu hạn Tây Hồ Tây, tiến độ kinh doanh của dự án đã bị trì hoãn trong suốt 4 năm nay, chủ yếu là do những vấn đề giải phóng mặt bằng, khiến chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc thực hiện tiến độ kinh doanh...
Hà Nội đứng thứ ba cả nước về thu hút vốn FDI, sau TP HCM và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Đầu tư của khối Doanh nghiệp FDI hiện đóng góp khoảng 15% trong tổng vốn đầu tư trên địa bàn. Các dự án FDI hiện nay chủ yếu là các dự án sử dụng đất trên địa bàn TP (khoảng 1.600 ha). Tuy nhiên, việc triển khai chậm các dự án gây ra những thất thoát, lãng phí không nhỏ, đồng thời làm cho công tác quản lý đất đai gặp nhiều khó khăn.
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã khẳng định, thời hạn từ nay đến ngày 30/5, các Sở Tài nguyên và Môi trường, các Ban Giải phóng mặt bằng, các quận, huyện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, rà soát quy hoạch, đưa ra các điều chỉnh, phải có phương án báo cáo UBND TP về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, với những tồn tại về quy hoạch và giải phóng mặt bằng - những vấn đề được xem là không dễ giải quyết, liệu Hà Nội có đưa ra được phương án đủ khả thi để gỡ vướng cho DN FDI, nhất là trong khoảng thời gian không nhiều từ nay đến 30/5?
Theo DĐDN
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo