Doanh nghiệp "gia đình" cần chuyên nghiệp hóa HĐQT để phát triển
Mối quan hệ gia đình khiến các thành viên gắn kết hơn là lợi thế, nhưng đồng thời cũng chính là điểm yếu của mô hình doanh nghiệp gia đình, vì có thể dẫn đến tình trạng thiếu các nguyên tắc quản trị công ty minh bạch, mà nếu không sớm thay đổi, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn.
Điều này đã nhận được sự đồng thuận ngay từ chính các khán giả theo dõi Chương trình CEO - Chìa khóa thành công, với chủ đề: “Doanh nghiệp gia đình - Chuyên nghiệp hóa HĐQT”.
Chương trình đề cập đến câu chuyện của một doanh nghiệp gia đình, chuyên sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm chế biến. Sau 25 năm phát triển ổn định, đến nay, doanh nghiệp đang chuẩn bị các bước để phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Cùng thời điểm đó, doanh nghiệp cũng bắt tay hợp tác chiến lược với một với đối tác đến từ châu Âu. Họ chấp thuận kế hoạch IPO của doanh nghiệp, nhưng yêu cầu HĐQT cần bổ sung thành viên độc lập vào. Thành viên đó phải là người có trình độ, có năng lực để giúp doanh nghiệp tăng tính minh bạch và sự chuyên nghiệp, đồng thời hỗ trợ tốt hơn cho Ban Điều hành.
Bản thân CEO cũng nhận thấy, để doanh nghiệp có thể chuyển sang một giai đoạn phát triển mạnh mẽ hơn, thì đó là việc làm cần thiết. Bởi thực tế, các thành viên HĐQT hiện nay chỉ thuần túy sở hữu vốn, chứ không phải là những nhà quản trị chuyên nghiệp.
Bởi vậy, CEO đề xuất cần chuyên nghiệp hóa HĐQT. Theo đó, một mặt, doanh nghiệp cần bổ sung nhân sự cấp cao vào HĐQT; mặt khác, HĐQT cũng phải tự nâng cao năng lực của mình.
Tuy nhiên, HĐQT lại không đồng tình với đề xuất này. Theo họ, khi nắm vốn, họ phải kiểm soát được vốn của mình, nếu để người ngoài vào kiểm soát thì không thể tin tưởng được. HĐQT cho rằng, an toàn là trên hết; giỏi mà không đáng tin thì dễ mất “cả chì lẫn chài”.
Một “cuộc chiến” đã diễn ra giữa CEO và các thành viên HĐQT. Những ý kiến đồng tình với quan điểm của các thành viên HĐQT cho rằng, thực tế, có rất nhiều thành viên HĐQT từ bên ngoài sẽ không quan tâm tới việc thực thi nhiệm vụ, mà chỉ chú ý củng cố vị trí nhằm được hưởng thù lao hậu hĩnh. Bên cạnh đó, thành viên HĐQT từ bên ngoài, dù có kinh nghiệm và kiến thức, nhưng sẽ không thực sự tâm huyết với doanh nghiệp như các thành viên trong gia đình…
Điều này không phải là không có lý. Mặc dù vậy, đa phần khán giả xem Chương trình đều bày tỏ sự đồng tình với phương án của CEO và cho rằng, chuyên nghiệp hóa HĐQT là phương cách tốt nhất để các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp gia đình phát triển mạnh mẽ hơn trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay.
Thậm chí, bạn Nguyễn An Ninh, một khán giả xem Chương trình, còn cho rằng, HĐQT chuyên nghiệp thì sẽ hỗ trợ được nhiều cho bộ máy điều hành, cả trong việc hoạch định chiến lược lẫn phát triển công ty.
“Muốn thu hút đối tác, không chỉ cần phải bổ sung nhân sự cấp cao bên ngoài vào HĐQT, mà còn phải đồng thời nâng cao năng lực các thành viên khác trong HĐQT”, khán giả Thu Hoài phát biểu.
Trong khi đó, một khán giả khác tên Hoàng Khải nhấn mạnh, nếu chưa có sự tách biệt rõ giữa chủ sở hữu và người quản lý, sẽ tiềm ẩn những nguy cơ rất lớn về mặt quản trị, khi quyền lực công ty tập trung vào tay một hoặc một số cổ đông.
“Các thành viên HĐQT là người trong gia đình còn thiếu kinh nghiệm, dễ dẫn tới việc thiếu các nguyên tắc quản trị công ty. Nếu không sớm thay đổi, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn”, khán giả Nguyễn Hoàng Linh khẳng định.
Dù vậy, đây vẫn chỉ là ý kiến của các khán giả xem truyền hình. Điều mà các CEO cần, đó là các chuyên gia sẽ nói như thế nào về câu chuyện chuyên nghiệp hóa HĐQT.
Trong chương trình lần này, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP.HCM, Tổng giám đốc Công ty Công nghiệp Sài Gòn và ông Johnathan Ooi, Phó tổng giám đốc PwC Việt Nam sẽ ngồi vào vị trí chuyên gia để tư vấn cho CEO - ông Tạ Quốc Đạt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần TAKUDA. Đây sẽ là một câu chuyện thú vị, để các doanh nghiệp gia đình Việt Nam có thêm cơ hội học hỏi kinh nghiệm trong xử lý tình huống của chính doanh nghiệp mình.
Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của Novaland, PwC Việt Nam, Hội đồng doanh nhân và gia đình Việt Nam (VEFC).
End of content
Không có tin nào tiếp theo