Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp kỳ vọng tiến trình cải cách

Năm qua đánh dấu nỗ lực của các bộ ngành trong việc cắt giảm thủ tục hành chính, bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp.

"Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phát triển mạnh doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ cao và các tập đoàn đa quốc gia gắn với phát triển doanh nghiệp trong nước và công nghiệp hỗ trợ.

Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách về đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường" là một trong số những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng đầu tiên mà Chính phủ chỉ đạo theo tinh thần của Nghị quyết 01/2018/NQ-CP ban hành ngày đầu tiên của năm 2018. Đây cũng là kỳ vọng, là mong mỏi rất lớn và từ rất nhiều năm qua của cộng đồng doanh nghiệp.

Doanh nghiệp kỳ vọng tiến trình cải cách. Ảnh: Trần Việt – TTXVN.

Năm qua đã đánh dấu sự nỗ lực của các bộ ngành trong việc cắt giảm thủ tục hành chính, bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết và bất hợp lý, nhằm gỡ khó cho hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh, chiếm tới 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh. Bộ Xây dựng đã cắt giảm từ 93 thủ tục hành chính xuống còn 46 thủ tục (đạt 51%) trong lĩnh vực xây dựng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố chuẩn hóa với 453 thủ tục hành chính, tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của ngành. 

Về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã tiến hành dự thảo 17 Thông tư điều chỉnh mức thu phí, lệ phí do các Bộ, ngành.

Tuy nhiên, việc cải cách thủ tục hành chính vẫn chưa đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp.

 

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định, khoảng cách về chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh của Việt Nam so với 3 nền kinh tế dẫn đầu ASEAN vẫn còn xa.

Nhiều loại chi phí kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn cao và đang có xu hướng gia tăng. Điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều cản trở.

Thủ tục kiểm tra chuyên ngành, thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu vẫn còn phức tạp, chưa được cắt giảm như mong muốn....

Do đó, tốc độ cải cách cần phải được đẩy nhanh và mạnh mẽ hơn nữa. Hệ thống các văn bản pháp luật và thủ tục hành chính cần được cắt giảm mạnh hơn và minh bạch hơn.

Những nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và phát triển kinh tế tư nhân cũng cần được Chính phủ cụ thể hoá thông qua các chỉ tiêu định lượng và  có ràng buộc trách nhiệm đối với các cấp chính quyền và người đứng đầu trong khâu thực hiện, ông Lộc nhấn mạnh.

 

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam và là Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty cổ phần bất động sản toàn cầu cho biết, hiện nay vẫn còn rất nhiều thủ tục hành chính phức tạp, chồng chéo và gây khó cho doanh nghiệp; việc trả lời, trả kết quả thủ tục hành chính không đúng quy định.

Đơn cử như, thời gian giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định là 15 ngày kể từ ngày sở kế hoạch và đầu tư nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Tuy nhiên trong thực tế, do tình trạng quản lý chồng chéo, chờ ý kiến của các sở ngành liên quan đã khiến mất nhiều thời gian, có khi kéo dài mấy tháng, ảnh hưởng tới cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

"Hay như quy định của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp không quá một lần trong năm. Nhưng ai sẽ là người bảo đảm việc thực hiện nghiêm túc quy định này theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ? Bởi trên thực tế, mỗi năm, như doanh nghiệp hay thuộc hiệp hội chúng tôi phải tiếp hàng chục đoàn thanh tra khác nhau, mất rất nhiều thời gian và bị áp lực quá lớn", ông Hiệp chia sẻ.

Tổng hợp ý kiến từ nhiều doanh nghiệp cho thấy, sau khi thống kê, tổng lượng chi phí không chính thức mà các doanh nghiệp đang phải "gánh trên vai" tương đương với quỹ lương của người lao động tại doanh nghiệp trong một năm.

 

Thực tế, chi phí không chính thức đang tồn tại ở tất cả mọi nơi, với đủ mọi loại phí từ thủ tục hành chính, thủ tục nộp thuế và hoàn thuế, hải quan, logicstics đến các ban ngành địa phương, công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống cháy nổ, môi trường…

Kiến nghị về việc giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải Saco cho rằng, hiện nay, hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam đang phải “cõng” thêm chi phí từ 10 tỷ đến 15 tỷ USD/năm, khiến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam bị giảm đáng kể.

Nguyên nhân khiến dịch vụ logistics ở Việt Nam có chi phí lớn như vậy chủ yếu là do chịu quá nhiều chi phí không tên. Thêm nữa, hạ tầng vận tải đường bộ còn thiếu sự liên kết, chưa cung cấp được các dịch vụ đủ tiêu chuẩn cho chủ sở hữu hàng hóa, chưa khai thác hết tiềm năng của các cảng nước sâu...

Để giảm chi phí logistics, ông Hoàng Văn Dũng đề nghị, Việt Nam cần giảm thiểu thủ tục giấy tờ trong quy trình thông quan, nghiệp vụ xuất nhập khẩu; đồng thời, xác định các tuyến hành lang kho vận chiến lược tại các cửa ngõ ở miền Bắc và miền Nam có chất lượng hạ tầng, môi trường luật định và có chính sách công cho ngành vận tải, kho vận.

Cùng với đó, cần nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân về cán cân lợi ích, chi phí của từng phương án để lựa chọn phương tiện và chuỗi cung ứng trong hoạt động kinh doanh vận tải cho hợp lý và hiệu quả...

 

Năm 2018, được kỳ vọng là năm mà ý kiến từ cơ sở, ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp sẽ tiếp tục được lắng nghe.

Điều đó sẽ quyết định sự cải thiện về chất lượng thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân; trong đó, đặc biệt quan trọng là cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đó cũng chính là yếu tố then chốt, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững như mục tiêu mà Nghị quyết 01/2018/NQ-CP đã nêu.

Nên đọc
Theo BNEWS/TTXVN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo