Doanh nghiệp muốn được việc phải "đi đêm, bôi trơn"
Sáng 17/5, Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp lần thứ hai, năm 2017, với chủ đề "Đồng hành cùng doanh nghiệp" đã chính thức được diễn ra. Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã bày tỏ thẳng thắn quan điểm của mình về việc thủ tục hành chính đang ngày đêm gây khó cho doanh nghiệp.
Phát biểu tham luận tại Hội nghị về chủ đề "các chi phí của doanh nghiệp", Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân cho biết, dù đã có nhiều cải cách nhưng doanh nghiệp vẫn chịu nhiều gánh nặng cả về chi phí chính thức và không chính thức.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Thân, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ Tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các Bộ, Ngành, địa phương đã tháo gỡ nhiều rào cản về thể chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Mặc dù vậy, cũng phải nói thật, cộng đồng doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, gian khổ trên bước đường làm ăn chân chính của mình, trong đó bức xúc nhất là gánh nặng chi phí, bao gồm cả chi phí chính thức và chi phí không chính thức.
Cụ thể, chi phí tuân thủ pháp luật, chi phí làm các thủ tục hành chính, thuế, phí, lệ phí thì vẫn còn cao trong cơ cấu chi phí chung của doanh nghiệp. Một số một quy định về thủ hành chính chồng chéo, phức tạp, thậm chí không thực sự cần thiết làm gia tăng thời gian và chi phí chính thức của doanh nghiệp.
Theo lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc tiếp cận các dịch vụ công, như: dăng ký kinh doanh, đăng ký thương hiệu, khai báo thuế, hải quan... những chi phí này đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, đối với các khoản chi cho việc tiếp cận dịch vụ công như: xin cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép trong lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng, đấu thầu, đánh giá tác động môi trường, tiếp cận vốn ngân hàng, chưa thấy có sự cải thiện.
Ngoài ra, trong các lĩnh vực doanh nghiệp thường xuyên bị kiểm tra, thanh tra như: chấp hành pháp luật thuế, lao động, môi trường, an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy..., doanh nghiệp phải tiếp tục chi các khoản chi không chính thức. Tình hình này cũng chưa thấy có sự cải thiện.
"Chi phí chính thức và không chính thức còn cao dẫn đến giá thành sản phẩm cao, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng", đồng chí Nguyễn Văn Thân nhấn mạnh.
Nói về nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc doanh nghiệp phải chi nhiều khoản không chính thức, đồng chí Nguyễn Văn Thân cho rằng cũng có lỗi từ phía các cơ quan, công chức, viên chức nhà nước.
Cụ thể, mặc dù Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, tuy nhiên khâu thực thi vẫn là khâu yếu nhất, thể hiện ở sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, quan liêu, nhũng nhiễu của một bộ phận không nhỏ người thừa hành công vụ, không hướng dẫn hoặc hướng dẫn chậm, hướng dẫn không đầy đủ cho doanh nghiệp, tìm cách bắt lỗi doanh nghiệp, chưa coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Điều này đã dẫn đến nếu doanh nghiệp muốn được việc thì phải “ đi đêm, bôi trơn, chung chi” theo kiểu “ của công chia ba, của nhà chia đôi”.
"Hiện tượng này tương đối phổ biến. Mặt khác, cộng đồng doanh nghiệp cũng hiểu một phần của nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu cực trên là do chế độ tiền lương của công chức, viên chức còn rất thấp, cùng với đạo đức công vụ thấp, nên họ đã tìm kiếm thu nhập thêm từ các khoản chi không chính thức của doanh nghiệp", đồng chí Nguyễn Văn Thân chia sẻ.
Về phía doanh nghiệp, theo lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, do một bộ phận doanh nghiệp do nhận thức không đúng nền kinh tế thị trường, thiếu năng lực cạnh tranh, thiếu đạo đức kinh doanh nên đã chạy theo kiểu kinh doanh bằng “quan hệ” để thay thế cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh lành mạnh, nên đã chủ động “ đi đêm” “chi ngầm” để có được lợi thế trong kinh doanh.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp do bị sức ép “đòi hỏi” từ phía, công chức, viên chức nên buộc phải chi để được việc. Mặc dù doanh nghiệp cũng nhận thức được việc làm đó là không chính đáng, thậm chí còn vi phạm pháp luật nhưng vì sự tồn tại, vì để có công ăn việc làm nên họ phải miễn cưỡng thực hiện.
Chính vì thế, theo lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, để khắc phục vấn đề này, rất cần sự nỗ lực chung tay và thực tâm từ cả hai phía cơ quan, công chức, viên chức nhà nước và doanh nhân, doanh nghiệp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo