Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp nhà nước bị kỳ thị như 'vi trùng'?

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, ông cảm thấy buồn vì "chỉ có một vài tập đoàn hư hỏng mà trước Quốc hội và dư luận chúng em bị đánh tràn lan, khiến đi đâu chúng em cũng bị nhìn như những con vi trùng".

Dẫn lời ông Trần Bắc Hà phát biểu tại Hội nghị về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, Chủ tịch BIDV đề nghị phải có cách đánh giá công bằng, khách quan hơn với khối doanh nghiệp Nhà nước.

Ông Hà cho rằng công lao của khối doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế là “không thể phủ nhận” và phải có cách đánh giá công bằng, khách quan hơn, đồng thời dẫn ra nhận định của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp: “Doanh nghiệp Nhà nước cơ bản thực hiện được vai trò là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước điều tiết kinh tế, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...”.
 
“Nhiều nơi cứ nói doanh nghiệp Nhà nước thế nọ thế kia, vì vậy cần tạo ra nhiều diễn đàn để nói về doanh nghiệp Nhà nước cho xã hội hiểu doanh nghiệp Nhà nước là những chiến sỹ trên mặt trận kinh tế, chứ cứ để điều tiếng thế này thì rất bức xúc.
 
Doanh nghiệp nhà nước đang bị nhìn như những con vi trùng
 
Chúng ta cũng biết là doanh nghiệp Nhà nước đã dành hơn 10 nghìn tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội, như năm vừa qua đóng góp 37% ngân sách nhà nước, ổn định việc làm cho 1,3 triệu lao động...”, ông Huỳnh Văn Cường, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương nói.
 
Tuy nhiên, như theo báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước, thì bức tranh vẫn là không mấy sáng.
 
Báo cáo có đưa ra một loạt những cái tên như Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam có doanh thu chỉ bằng 86% và lợi nhuận bằng 40% so với năm 2011; Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1 lợi nhuận giảm 30% so với năm 2011, Tổng công ty Viglacera lợi nhuận giảm 90% so với năm 2011...
 
Nợ đầu bảng, thua lỗ liên miên vẫn xin ưu đãi
 
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng công ty Thép Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Viêt Nam, có hầu hết các chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra...
 
Báo cáo tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2012 của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có cổ phẩn, vốn góp của nhà nước được công bố hồi cuối năm 2013 cũng chỉ ra, 127 tập đoàn, tổng công ty nợ gần 1,35 triệu tỷ đồng.
 
Trong đó, có số nợ vay tương đối lớn là Tập đoàn Dầu khí 124.499 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực 103.194 tỷ, Tổng công ty Hàng hải 31.681 tỷ...
 
EVN đã vay vốn vượt giới hạn mức tín dụng đối với một khách hàng hoặc nhóm khách hàng
 
Các tập đoàn, tổng công ty cũng đang nợ nước ngoài 315.851 tỷ đồng, vay ngắn hạn là 70.659 tỷ, dài  hạn là 245.192 tỷ. Trong đó, vay lại vốn ODA của Chính phủ là 54,574 tỷ đồng, vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh là 150.681 tỷ, còn lại các doanh nghiệp tự vay, tự trả.
 
Các doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu âm được điểm tên là Tổng công ty Xăng dầu Quân đội – 205 tỷ, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – 2.177 tỷ, Tổng công ty Cơ khí xây dựng – 316 tỷ…
 
Riêng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, thống kê đến hết năm 2013, hầu hết các ngân hàng thương mại đều đã cho EVN vay vốn vượt giới hạn mức tín dụng đối với một khách hàng hoặc nhóm khách hàng, mỗi khi các ngân hàng muốn cho EVN vay thêm đều phải trình Thủ tướng Chính phủ cho phép. Dư nợ của các tổ chức tín dụng đối với EVN đã là 144.000 tỷ đồng.
 
Mặc dù được ưu đãi lớn, làm ăn vẫn thua lỗ, phía EVN cũng tiếp tục kiến nghị Chính phủ ưu tiên nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA cho các dự án điện và thực hiện bảo lãnh cho các hợp đồng vay vốn nước ngoài của EVN và các đơn vị thành viên; cũng như tiếp tục cho phép các Ngân hàng thương mại cho EVN vay vốn mà không bị giới hạn tỷ lệ 15% vốn tự có đối với một khách hàng và 25% vốn tự có đối với nhóm khách hàng.
 
Ngoài ra, EVN còn đưa ra một loạt đề xuất, muốn Chính phủ cho phép các dự án điện được vay vốn tín dụng ưu đãi trong nước phục vụ di dân tái định cư và chế tạo thiết bị trong nước; có cơ chế đặc biệt đối với Tập đoàn trong việc phát hành trái phiếu đầu tư trong nước và trái phiếu quốc tế; đồng thời nghiên cứu rút gọn quy trình và thủ tục đàm phán các dự án nguồn điện thực hiện theo hình thức BOT đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
 
EVN cũng đặt chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trong năm 2014 là 1%, con số theo như Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói thì "coi như chưa làm được gì".
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo