Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp nhà nước được thỏa thuận giá bán nợ xấu

Từ ngày 1/2/2014, doanh nghiệp nhà nước được quyền bán nợ phải thu đã quá hạn thanh toán, nợ phải thu khó đòi, nợ phải thu không đòi được cho các tổ chức kinh doanh mua bán nợ. Nợ phải trả của các DNNN năm 2012 theo báo cáo Chính phủ trình lên Quốc hội vừa qua là gần 1,35 triệu tỷ đồng.

Tự thỏa thuận giá bán

Chính phủ vừa ban hành nghị định 206 về quản lý nợ do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, thay thế cho nghị định 69 năm 2002 về quản lý và xử lý nợ tồn đọng của các doanh nghiệp nhà nước.
 
Theo đó, từ ngày 1/2/2014, doanh nghiệp nhà nước được quyền bán nợ phải thu đã quá hạn thanh toán, nợ phải thu khó đòi, nợ phải thu không đòi được trên nguyên tắc đã trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ được bán nợ cho các tổ chức kinh tế có chức năng kinh doanh mua bán nợ, không được bán trực tiếp cho khách nợ.
 
Giá bán khoản nợ do các bên tự thỏa thuận. Trường hợp bán nợ mà dẫn tới doanh nghiệp bị thua lỗ, mất vốn hoặc mất khả năng thanh toán, phải phá sản, giải thể thì hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc, giám đốc và những người có liên quan trực tiếp đến việc phát sinh khoản nợ khó đòi phải bồi thường và chịu trách nhiệm theo pháp luật.
 
Doanh nghiệp nhà nước sẽ được quyền bán nợ xấu cho các tổ chức kinh doanh mua bán nợ
 
Mặt khác, nghị định cũng quy định doanh nghiệp phải đảm bảo hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp không quá 3 lần.
 
Khi có nhu cầu huy động vốn vượt quy định để đầu tư cho các dự án quan trọng, doanh nghiệp phải xây dựng phương án cụ thể, xác định rõ kế hoạch trả nợ, cân đối dòng tiền trả nợ và báo cáo chủ sở hữu xem xét quyết định trên cơ sở các dự án huy động vốn phải đảm bảo khả năng trả nợ và hiệu quả.
 
Đặc biệt, để đảm bảo khả năng trả nợ, nghị định cũng nêu rõ doanh nghiệp chỉ được chi các quỹ khen thưởng, phúc lợi... sau khi thanh toán đủ khoản nợ.
 
Báo cáo tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2012 của các doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ gửi đến Quốc hội đã chỉ ra 127 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - công ty con có tổng số nợ phải trả là 1.348.752 tỷ đồng, tăng 6% so với 2011, chiếm 56% tổng nguồn vốn.
 
Khối này có tổng số nợ phải thu năm 2012 là 275.975 tỷ đồng, trong đó nợ phải thu khó đòi là 13.490 tỷ đồng, tăng 24,5% so với năm trước và chiếm 4,89% tổng số nợ phải thu.
 
Với nợ phải trả, con số luôn được coi là nhạy cảm của khối tập đoàn, tổng công ty, báo cáo cho hay hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2012 là 1,46 lần.
 
Riêng số này báo cáo không đưa ra so sánh. Song, theo văn bản trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính vào kỳ họp cuối năm 2012 thì tính đến thời điểm 31/12/2011, tổng số nợ phải trả của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước là 1.292.400 tỷ đồng, tăng 18,9% so với 2010. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2011 là 1,77 lần.
 
Tăng nhẹ 2% so với năm trước là nợ vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng với 402.955 tỷ đồng. 
 
Các tập đoàn, tổng công ty cũng đang nợ nước ngoài 315.851 tỷ đồng, vay ngắn hạn là 70.659 tỷ, dài  hạn là 245.192 tỷ. Trong đó, vay lại vốn ODA của Chính phủ là 54,574 tỷ đồng, vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh là 150.681 tỷ, còn lại các doanh nghiệp tự vay, tự trả.
 
Tái cơ cấu Vinashin, giảm nợ 13.152 tỷ đồng
 
Ngày 31/10/2013 vừa qua Bộ Giao thông Vận tải chính thức thông báo việc chuyển Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) thành Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), trên cơ sở tổ chức lại công ty mẹ và một số đơn vị thành viên. 
 
Từ một doanh nghiệp thua lỗ chồng chất, nợ trên 80.000 tỷ đồng, Vinashin lột xác thành một doanh nghiệp hoàn toàn mới, không có lỗ lũy kế, có vốn điều lệ 9.520 tỷ đồng. 
 
Trong báo cáo vừa gửi tới các đại biểu Quốc hội về kết quả thực hiện nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn tại 3 kỳ họp, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết, khoản nợ các tổ chức tín dụng trong nước của Vinashin đã được các tổ chức tín dụng giảm 13.152 tỷ đồng, khoản nợ các tổ chức tín dụng nước ngoài 13.163 tỷ đồng cũng đã được Chính phủ bảo lãnh trên thị trường Singapore, khoản nợ bắt buộc với các chủ tàu cũng đã giảm 1.704 tỉ đồng. 
 
Tái cơ cấu Vinashin, giảm nợ 13.152 tỷ đồng thông qua các tổ chức tín dụng trong nước và nước ngoài
 
Cụ thể, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, đối với các khoản nợ các tổ chức tín dụng trong nước, đến nay Vinashin, Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) và các tổ chức tín dụng đã hoàn thành việc tái cơ cấu đợt 1.
 
Theo đó, Vinashin đã giảm nợ gốc và lãi được 13.152 tỷ đồng. Khoản nợ sau tái cơ cấu còn 3.462 tỷ đồng, sẽ trả một lần sau 10 năm.
 
Với khoản nợ 600 triệu USD vay các tổ chức tín dụng nước ngoài, SBIC và DATC đã hoàn thành việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh của Chính phủ trên thị trường Singapore.
 
Theo đó, tổng mệnh giá phát hành tính đến ngày 10/10 vừa qua là là 626,8 triệu USD (gồm cả gốc và lãi), tương đương 13.163 tỷ đồng, lãi suất đơn là 1% mỗi năm. Với thời hạn 12 năm, lãi và gốc được thanh toán toàn bộ một lần vào ngày đáo hạn năm 2025.
 
Bộ trưởng Thăng cho rằng, với phương án này quy về giá trị hiện tại thuần tương đương 48% nợ gốc, giảm 25% so với việc phải thanh toán ngay toàn bộ nợ nếu không thực hiện tái cơ cấu. 
 
Với khoản nợ bắt buộc 135,1 triệu USD với các chủ tàu do hủy hợp đồng và các khoản vay khác đến nay, Vinashin đã hoàn thành cơ cấu nợ tương đương 112 triệu USD với điều kiện mua lại nợ bình quân khoảng 30% khoản nợ gốc. Theo Bộ trưởng, như vậy đã giảm được khoảng 85 triệu USD, tương đương 1.704 tỷ đồng.
 
VAMC đã mua 18.000 tỷ đồng nợ xấu của các ngân hàng
 
Hiện, nợ xấu của các Ngân hàng thương mại và các Tổ chức tín dụng đang được mua bởi Công ty Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
 
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết, tính đến chiều 26/11, VAMC đã mua trên 18.000 tỷ đồng nợ gốc, tương đương 14.700 tỷ đồng giá trị trái phiếu đặc biệt mà VAMC sẽ phát hành của 21 ngân hàng.
 
Như vậy, đã có 24 tổ chức tín dụng gửi hồ sơ đề nghị bán nợ xấu cho VAMC với tổng giá trị nợ xấu trên 40.000 tỷ đồng.
 
Về cách thức mua, xử lý nợ xấu của VAMC, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên chương trình Fullbright cho rằng việc VAMC đang mua nợ xấu theo giá trị sổ sách không phải xử lý nợ về chất mà chỉ về danh nghĩa.
 
Hay nói cách khác sau khi tạm chuyển nợ cho VAMC, bảng tài sản của ngân hàng không còn nợ xấu, ngân hàng trở nên lành mạnh hơn về bề ngoài nhưng nợ xấu trong nền kinh tế không hề mất đi.

 

Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo