Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp Nhật mới đầu tư vào ĐBSCL khoảng 516 triệu USD

Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp Nhật Bản chỉ mới đầu tư vào ĐBSCL 91 dự án với tổng vốn khoảng 516 triệu USD; trong đó, lĩnh vực nông nghiệp chỉ có 6 dự án, vốn 35 triệu USD, một con số còn rất khiêm tốn.

Tôm nuôi vùng ĐBSCL dẫn dầu cả nước. Ảnh Trường Ca

Chiều 21/4, tại Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp cùng các ngành liên quan tổ chức hội thảo “Môi trường đầu tư và tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Nhật Bản và ĐBSCL”. 

Tham dự  hội thảo về phía Nhật Bản có ông Kohei Watanabe, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Mekong  - Nhật Bản (thuộc Phòng TM&CN Nhật Bản)  cùng 30 doanh nghiệp. Vùng ĐBSCL có đại diện lãnh đạo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng lãnh đạo 13 tỉnh vùng ĐBSCL.

Ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban Thường trực BCĐ Tây Nam bộ cho biết thế mạnh của ĐBSCL là lúa gạo, cây ăn trái, thủy hải sản… lớn nhất của Việt Nam. 

Trong năm 2013, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 6 tỉ USD; kim ngạch xuất khẩu của 3 mặt hàng nói trên đạt 7,5 tỉ USD. Đảng, Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển ĐBSCL thành trung tâm lớn về sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến…

Ông Quang hy vọng sắp tới , đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản  tại vùng ĐBSCL sẽ ngày càng tăng , đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp.

Phát biểu hội thảo, ông Kohei Watanabe cho biết, với tiềm năng to lớn trong phát triển nông nghiệp của Việt Nam, kết hợp với công nghệ tiên tiến, trình độ quản lý cao của Nhật Bản, sự hợp tác giữa hai nước sẽ nâng cao trình độ công nghệ nuôi trồng, chế biến các nông phẩm; góp phần nâng cao giá trị sản phẩm của ngành nông nghiệp của Việt Nam.  

Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp Nhật Bản chỉ mới đầu tư vào ĐBSCL 91 dự án với tổng vốn khoảng 516 triệu USD; trong đó, lĩnh vực nông nghiệp chỉ có 6 dự án, vốn 35 triệu USD, một con số còn rất khiêm tốn.  

Để đón các doanh nghiệp Nhật Bản,  các tỉnh ĐBSCL giới thiệu 124 dự án kêu gọi doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư.

Tuy nhiên, để việc thu hút đầu tư nước ngoài vào ĐBSCL có hiệu quả, nhất là lĩnh vực nông nghiệp thì các địa phương cần thay đổi cách làm mới, năng động với những chính sách hấp dẫn. 

Các tỉnh vùng ĐBSCL cũng cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đào tạo những công nhân lành nghề, tác phong công nghiệp, ứng xử văn hóa… để làm việc với các doanh nghiệp Nhật Bản. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ở ĐBSCL cần nâng cao năng lực để hợp tác dài hạn với doanh nghiệp Nhật Bản trên nhiều mặt khi họ đầu tư vào vùng này…

Dự kiến, sau khi hội thảo kết thúc,  vào ngày 22 và 23/4, đoàn doanh nghiệp Nhật Bản sẽ đi tìm hiểu thực tế tại Công ty nông nghiệp Sông Hậu (Cần Thơ); Khu công nghiệp Sông Hậu và Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hậu Giang, các nhà máy chế biến nông sản Đồng Tháp và các doanh nghiệp ở Vĩnh Long…

Theo Bizlive
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo