Doanh nghiệp nước ngoài phản đối giấy phép lập cơ sở bán lẻ
Bà Orsolya Grove, đại diện nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại, phản đối điều kiện về việc xin giấy phép đối với các nhà bán lẻ nước ngoài tại diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) ngày 4/7.
Nghị định 09 yêu cầu doanh nghiệp trong nước dù chỉ nhận 1% vốn góp từ nhà đầu tư nước ngoài phải xin giấy phép kinh doanh và giấy phép lập cơ sở bán lẻ cho từng cơ sở bán lẻ.
"Bộ Công Thương được quyền quyết định cho phép hoặc từ chối một cơ sở bán lẻ tiếp tục hoạt động hay không thông qua việc cấp giấy phép lập cơ sở bán lẻ. Như vậy, toàn bộ hoạt động kinh doanh và sự an toàn của người lao động làm việc tại các cửa hàng này đều bị đặt vào hoàn cảnh rủi ro", đại diện cộng đồng doanh nghiệp đặt vấn đề.
Thay vì doanh nghiệp chỉ có 1% vốn nước ngoài đều phải xin phép, bà Orsolya Grove kiến nghị có thể áp dụng quy định này với doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài góp ít nhất 51% vốn điều lệ. Cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài cũng kiến nghị bỏ yêu cầu cấp lại phép đối với những cửa hàng đã và đang tồn tại hoạt động.
Phía doanh nghiệp cho rằng Nghị định 09 tăng thêm gánh nặng hành chính lên các doanh nghiệp bằng việc quy định rằng giấy phép kinh doanh không còn là giấy phép lập cơ sở bán lẻ cho cơ sở bán lẻ thứ nhất. Bà Orsolya Grove cũng đặt nghi ngại quy trình của Bộ Công Thương vi phạm các các cam kết của WTO.
Cho biết rất hiểu sự thất vọng của nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại chia sẻ tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công ThươngTrần Quốc Khánh khẳng định sẽ không có chuyện thay đổi nội dung của Nghị định 09.
"Các nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu tự do tuyết đối trong việc mở rộng thị trường bán lẻ. Việt Nam cũng có nhu cầu bảo vệ các nhà bán lẻ còn đang rất nhỏ bé hiện nay. Điều này được WTO bảo vệ", đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Trước đó, Chính phủ ban hành Nghị định 09/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2018 quy định các vấn đề về đầu tư bán lẻ tại Việt Nam.
Theo Nhịp cầu đầu tư, hiện hơn 70% cửa hàng tiện lợi của Việt Nam thuộc về các công ty nước ngoài. Số liệu từ Slide Share cho thấy, mặc dù các thương hiệu địa phương có nhiều cửa hàng hơn các tên nước ngoài, thị phần của họ thấp hơn nhiều.
End of content
Không có tin nào tiếp theo