Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp phải nâng sức cạnh tranh mới hưởng lợi từ FTA

Theo ông Mikola István, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Kinh tế đối ngoại Hungary, nếu không nâng được sức cạnh tranh thì doanh nghiệp nhỏ sẽ thua khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU được ký kết.

Khóa họp lần thứ 6, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hungary tại Hà Nội (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)



Tại buổi họp báo về Cuộc hội đàm Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Hungary tổ chức sáng 13/3, tại Hà Nội, ông Mikola István cho biết, khi ký kết FTA với EU, Việt Nam không chỉ được hưởng lợi to lớn về thị trường mà còn đứng trước nhiều thách thức do các đối thủ cạnh tranh sẽ nhiều hơn. Đơn cử, giữa EU hiện nay cũng có nhiều FTA với nhiều nước khác, nhất là với Hoa Kỳ nơi mà các đối thủ cạnh tranh rất lớn.

"Doanh nghiệp của cả hai nước cùng phải cố gắng và nâng cao sức cạnh tranh thì mới hưởng lợi từ các hiệp định này," ông Mikola István nhấn mạnh.

Thông tin thêm tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, tại kỳ họp lần thứ 6 của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế Việt Nam-Hungary từ ngày12-13/3, doanh nghiệp hai nước đã tìm hiểu và ký kết được nhiều vấn đề quan trọng.

Đáng chú ý, trong bản thỏa thuận, hai bên đã đưa ra 13 điểm về hợp tác trên các lĩnh vực như: khoa học, y tế, công nghiệp chế biến, nông nghiệp... trong đó nhấn mạnh đến việc việc thực hiện các thỏa thuận đã ký.

"Cả hai bên đã thống nhất tiếp tục tạo ra khung pháp lý tốt cho doanh nghiệp hai nước nhằm thúc đẩy việc hợp tác kinh doanh và đầu tư trong thời gian qua," Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nói.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 03/02/1950, trong 65 năm qua, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Hungary không ngừng được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hungary tăng trưởng bình quân mỗi năm 10%, tính trong năm 2014 đạt 175 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 55 triệu USD và nhập từ Hungary là 120 triệu USD.

Các lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam khi xuất sang Hungary là thực phẩm, đồ ăn, viễn thông trong khi Hungary có tiềm năng rất lớn có thể hỗ trợ Việt Nam như: nông sản, thực phẩm, dược phẩm, thiết bị y tế, công nghiệp chế biến, chế tạo và kho vận (logistic).

Về hoạt động đầu tư, Hungary đứng thứ 53 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam với các lĩnh vực chế biến chế tạo, khoa học công nghệ, vận tải kho bãi. Về địa bàn đầu tư, các dự án của Hungary triển khai tại 5 tỉnh và thành phố, trong đó dự án lớn nhất thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại tỉnh Bình Dương.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc hợp tác với Hungary có thể là “cửa ngõ” để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập tốt hơn vào thị trường các nước châu Âu.

Dự kiến, Khóa họp lần thứ 7 tiếp theo của Ủy ban hỗn hợp kinh tế Việt Nam-Hungary sẽ được tổ chức tại Thủ đô Budapest của Hungary vào năm 2016./.
 

VietnamPlus
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo