Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp SME và độc chiêu vay vốn chỉ bằng hóa đơn VAT

Tình trạng nợ thanh toán đơn hàng giữa các doanh nghiệp hiện nay diễn ra khá phổ biến. Đây cũng là một trong những bất cập lớn nhất của doanh nghiệp: thiếu vốn sản xuất kinh doanh do nợ gối đầu mỗi khi có đơn hàng mới.

Thiếu vốn vì nợ gối đầu

Ông Nguyễn Xuân Trung, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hòa Trung cho hay, công ty ông vừa phải từ chối một đơn hàng xuất khẩu nông sản trị giá gần 10 tỷ đồng bởi thiếu vốn để mua nguyên liệu, thuê thêm nhân công.

“Nguồn tiền không phải chúng tôi không có, song đơn hàng cũ mới được đối tác trả 30% và hẹn 3 tháng nữa mới thanh toán hết. Trong khi đó, khách hàng mới ép thời hạn giao hàng khá gấp. Tôi đã liên hệ với mấy ngân hàng, trình hợp đồng mới, hợp đồng cũ để xin vay vốn, cam kết tiền về sẽ ngay lập tức trả nơi song phía ngân hàng không đồng ý do công ty không còn tài sản thế chấp”, ông Trung cho hay.


 

Cũng giống như Hòa Trung, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ bị bỏ lỡ cơ hội kinh doanh do thiếu vốn. Để giữ chân khách hàng, có doanh nghiệp thậm chí phải tìm cách xoay xở vốn ở thị trường tín dụng đen.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện rất nhiều doanh nghiệp còn đang loay hoay tìm vốn vì trên thị trường chưa thấy có phương thức chính thống nào hỗ trợ nguồn vốn ngắn hạn nhanh chóng, đặc biệt là cho Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Tổng Giám đốc một công ty sản xuất thức ăn gia súc chia sẻ, mỗi tháng, công ty ông nhập khẩu gần 10 triệu tấn nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, đặc thù sản phẩm thức ăn chăn nuôi là bán cho đại lý, sau cả quý đại lý mới trả tiền, nhiều đại lý còn nợ lâu hơn vì đặc thù vùng kinh doanh nên DN thường xuyên rơi vào cảnh thiếu vốn tạm thời.

“Chúng tôi tính toán, nếu vay ngắn hạn trong vòng 6 tháng để bù đắp nguồn vốn lưu động bị thiếu hụt, công ty có thể quay vòng vốn nhanh, lợi nhuận tăng ít nhất 20%. Thế nhưng, đa phần ngân hàng khi cho vay đều yêu cầu thủ tục thế chấp, cũng có ngân hàng có cho vay thế chấp bằng quyền đòi nợ nhưng yêu cầu rất khắt khe, khiến doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi càng khó có cơ hội vay”, lãnh đạo công ty này nói.

Vay vốn chỉ cần hóa đơn, hợp đồng

Thiếu vốn thì phải đi vay, không một doanh nghiệp nào muốn bỏ lỡ cơ hội kinh doanh. Nhưng vay ngân hàng thì cần tài sản thế chấp, nhiều giấy tờ thủ tục, trong khi không phải Doanh nghiệp nào cũng có tài sản thế chấp, còn vay tín dụng đen thì lãi suất cao có khi lại không còn lợi nhuận.

Hiện nay, các ngân hàng đã tung ra nhiều sản phẩm với điều kiện đơn giản hơn, phê duyệt nhanh hơn để tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp. Một số ngân hàng còn xây dựng những gói vay nhận tài sản đảm bảo là hàng hóa, quyền đòi nợ. Tuy nhiên, việc cho vay thế chấp bằng quyền đòi nợ vẫn còn rất e dè và hầu hết chỉ áp dụng cho doanh nghiệp lớn bởi ở Việt Nam sự cam kết và tính tuân thủ chưa cao. Nhiều doanh nghiệp thường xuyên bị chậm thanh toán, thậm chí đối mặt với nguy cơ xù nợ từ đối tác, làm ảnh hưởng đến lịch trình trả nợ ngân hàng.

Doanh nghiệp lớn đã khó, doanh nghiệp SME còn khó hơn. Việc vay vốn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm phần đông trên thị trường hiện nay, cần giải quyết như thế nào vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Không để việc “thiếu vốn” làm cản trở bước tiến kinh doanh của doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã đưa ra thị trường gói sản phẩm cho vay theo hình thức thế chấp hóa đơn VAT và hợp đồng kinh tế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ với tên gọi "Tài trợ hóa đơn".

Để vay vốn theo hình thức này, doanh nghiệp SME chỉ cần có hợp đồng kinh tế với đối tác uy tín và hóa đơn bán hàng VAT làm tài sản thế chấp. Sau khi thẩm định, doanh nghiệp sẽ được cấp hạn mức tín dụng lên tới 90% giá trị hóa đơn VAT và với thời hạn cho vay lên tới 06 tháng. Nguồn vốn vay sẽ được giải ngân tối đa trong vòng 24 giờ làm việc kể từ khi hồ sơ được phê duyệt.

Theo nhận xét của nhiều chuyên gia, cho vay dựa vào hợp đồng, hóa đơn đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng từ lâu. Giải pháp này giúp tỷ lệ quay vòng của đồng tiền tốt hơn, kích thích kinh tế xã hội phát triển. Tại Việt Nam, chưa nhiều ngân hàng dám cho vay theo hình thức này do lo ngại rủi ro.

Lãnh đạo VPBank khẳng định, việc phê duyệt khoản vay sẽ không chỉ dựa trên giấy tờ mà sẽ đánh giá dựa vào uy tín, tình hình kinh doanh thực tế, đối tác đầu ra của hóa đơn. Việc VPBank tiên phong triển khai áp dụng việc cho vay chỉ dựa vào hợp đồng và hóa đơn VAT sẽ giúp giải tỏa khó khăn về vốn cho rất nhiều doanh nghiệp hiện nay.

Nên đọc
Theo Nhịp sống kinh tế
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo