Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp thưởng Tết bằng... thuốc trừ sâu, phân bón

Có trường hợp doanh nghiệp thưởng Tết cho người lao động bằng sản phẩm "cây nhà lá vườn" như... phân bón, thuốc trừ sâu.

Với quan niệm "đói quanh năm, no ba ngày Tết", sau một năm làm việc vất vả, người lao động luôn mong ngóng một khoản tiền thưởng Tết kha khá để có thể tích lũy hoặc mua sắm những vật dụng có giá trị cho gia đình, người thân, hay chỉ đơn giản là có một cái tết ấm no hơn.

Có những người dịp này toại nguyện khi nhận được số tiền thưởng khá lớn, nhưng cũng có những người ngậm ngùi với số tiền thưởng Tết chỉ mang tính tượng trưng, có khi lại chỉ được nhận quà Tết là vài gói bánh kẹo vì công ty làm ăn thua lỗ.

Cuối năm vấn đề thưởng Tết luôn được người lao động quan tâm, mong ngóng. Ảnh: KT.

Chị Nguyễn Thị Hoa, quê Thanh Hóa, hiện đang làm cho một công ty sản xuất bánh kẹo tại Thanh Hóa chia sẻ, Tết này cũng như bao Tết khác, chị chỉ được thưởng một thùng bia và 1 ít bánh kẹo. Còn chồng chị, làm lái xe cho một công ty vận tải, cuối năm cũng chỉ được thưởng vài trăm ngàn. “Chắc tiền thưởng Tết của chồng em năm nay cũng chẳng có gì khá khẩm hơn. Hai vợ chồng phải lo sắm tết bên nội, bên ngoại nên cũng tốn kém lắm”, chị Hoa tâm sự.

Chị Hoa chia sẻ thêm, với những công nhân như chị, bình thường để lo cho 2 con ăn học, vợ chồng chị phải khéo tiêu lắm mới đủ ăn, đến Tết, nỗi lo cơm áo gạo tiền lại lớn hơn nhiều lần.

Còn chị Nguyễn Thị Thúy, công nhân may tại một xưởng may tại Hải Dương cho biết, công ty quy mô nhỏ, chỉ có hơn 20 người, bình thường lương hàng tháng cũng thấp.

Chị Thúy cho biết, như năm ngoái, tiền thưởng Tết của chị được 300.000 đồng, kèm theo quà là mấy chiếc mũ do công ty sản xuất được. Đến thời điểm này, dù chưa biết chính xác mức thưởng Tết năm nay, nhưng chị Thúy hy vọng khi giá cả thị trường tăng, tiền thưởng Tết của công ty chị cũng sẽ tăng thêm chút đỉnh.

Theo báo cáo của các địa phương, tiền thưởng Tết năm nay, mức cao nhất có nơi lên đến hàng trăm triệu đồng, nhưng đâu đó, vẫn có nhiều người lao động không dám mơ đến tiền thưởng Tết. Với họ, đó vẫn là khoản tiền mà may ra thì có, mà không, thì cũng đành chịu.

 

PGS.TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho hay: “Theo khảo sát, mức thưởng Tết năm nay không quá cao, không gây ra những cơn sốc, không có mức thưởng khủng. Các doanh nghiệp đều nói là thưởng Tết ở mức bình thường. Theo tôi, mức thưởng Tết năm nay vẫn bình bình như các năm trước”.

Về bức tranh thưởng tết chung hàng năm, ông Thọ cho rằng vẫn có những mảng sáng và tối đan xen. “Mảng tối vẫn là chính, mảng sáng đã có, nhưng không nhiều. Nên có thể kết luận là đời sống công nhân lao động hiện nay vẫn rất khó khăn. Đặc biệt dịp Tết đến xuân về, vẫn trông chờ vào tiền thưởng Tết”, ông Thọ chia sẻ.

Cũng theo ông Thọ, cá biệt có những trường hợp doanh nghiệp thưởng thuốc trừ sâu, phân bón... sản phẩm của doanh nghiệp cho người lao động.

Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn cho rằng, việc chênh lệch tiền thưởng giữa các doanh nghiệp cũng là chuyện tất yếu. Doanh nghiệp làm ăn thăng tiến thì lương, thưởng sẽ đều đặn và cao hơn. Ngược lại, cũng có những doanh nghiệp làm ăn kém, thậm chí thua lỗ, nên người lao động cũng phải chấp nhận mức thưởng Tết thấp, thậm chí là không có.

Luật Lao động hiện hành không quy định doanh nghiệp phải có tiền thưởng Tết cho người lao động. Việc thưởng Tết ra sao hoàn toàn phụ thuộc vào lòng hảo tâm của chủ doanh nghiệp, tình hình sản xuất của đơn vị và thỏa thuận giữa 2 bên. Do đó mới xảy ra tình trạng nơi thưởng Tết cao ngất ngưởng, lại có chỗ thưởng Tết âm thành âm tiền thưởng Tết.

 

Có ý kiến cho rằng, nên luật hóa việc thưởng Tết để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Song ông Vũ Quang Thọ cho rằng, nếu đưa yêu cầu các doanh nghiệp phải có thưởng Tết cho người lao động vào luật sẽ quá cứng nhắc, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người sản xuất.
“Với người sản xuất, muốn thưởng Tết, phải bán được nhiều sản phẩm, cung ứng nhiều dịch vụ. Trong khi đó, hàng hóa sản xuất ra dịp cuối năm vẫn chưa thể tiêu thụ được ngay, chưa biết doanh thu tháng cuối là bao nhiêu.

Mặt khác, có doanh nghiệp làm ăn được, có doanh nghiệp thua lỗ, nếu đưa vào luật sẽ rất khó buộc doanh nghiệp thực hiện luật này”, ông Thọ phân tích.

Giữ quan điểm bảo vệ quyền lợi của người lao động, tuy nhiên, ông Thọ cho rằng cần chia sẻ với những doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Việc thưởng Tết chỉ nên đưa vào dự toán đầu năm, thông báo cho người lao động biết để cố gắng thực hiện.

“Theo tôi chỉ nên đưa nội dung này vào dự toán đầu năm, thông báo cho người lao động, để người lao động biết được để cố gắng. Họ cố gắng, doanh nghiệp đạt được mục tiêu thì người lao động có lương, có thưởng”, ông Thọ nói.

Theo quan điểm của ông Vũ Quang Thọ, các doanh nghiệp nên công khai việc thưởng Tết. “Các khoản tài chính thì vẫn nên có những cách để công khai, để người lao động biết rằng đích của mình cần đạt được là gì và phấn đấu ra sao. Với các doanh nghiệp đang khó khăn, thì đây là cách để người lao động có thể chia sẻ cùng doanh nghiệp. Với những doanh nghiệp làm ăn tốt, đường đường chính chính thì lại không có gì phải ngại”, ông Thọ cho biết.

 

Nên đọc
Theo VOV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo