Doanh nghiệp thủy sản “bắt tay” với nước ngoài
Để vượt qua khó khăn, có thêm nguồn vốn đầu tư và vực dậy thị trường xuất khẩu, 2 “đại gia” lớn nhất trong ngành tôm, cá xuất khẩu của Việt Nam vừa có quyết định “bắt tay” với nước ngoài.
Tuy cùng một hành động là bán cổ phiếu ra nhưng một bên thì thận trọng, còn một bên lại muốn đẩy mạnh thêm.
Mở rộng hợp tác với nước ngoài…
Ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG) cho biết, công ty đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng để tiến tới ký kết hợp đồng bán 30 triệu cổ phiếu vừa được phát hành thêm cho đối tác chiến lược Singapore trong vài ngày tới. Giá bán thấp nhất cho mỗi cổ phiếu sẽ là 30.000 đồng.
Với số lượng cổ phiếu được bán ra này, phía đối tác Singapore sẽ chiếm 20% cổ phần của HVG. Số cổ phiếu này sẽ được hạn chế chuyển nhượng và sau khi phát hành vốn điều lệ của HVG sẽ tăng lên thành 1.500 tỷ đồng và mang lại một khoản thặng dư khoảng 30 triệu USD cho công ty.
Ông Dương Ngọc Minh cũng chia sẻ quan điểm với phóng viên Báo NTNN rằng nếu các đối tác nước ngoài vào làm tốt thì HVG sẽ không ngại hợp tác với họ. “Chúng ta đang thiếu vốn và việc nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra đang gặp khó khăn. Nếu đối tác nước ngoài vào làm tốt thì tôi cho rằng chúng ta nên hợp tác với họ, còn hơn khư khư giữ cho mình mà làm không được thì rất dở” – ông Minh chia sẻ.
Với quan điểm đó, ông Minh cho biết, HVG có chính sách mở, có thể nâng mức bán cổ phần cho các đối tác nước ngoài lên tới 50% nếu họ có một chiến lược phát triển công ty, mở rộng thị trường phân phối và xây dựng thương hiệu tốt. Với việc thu hút được các nhà đầu tư bên ngoài, cũng như những người giỏi tham gia vào quản lý, lãnh đạo HVG đã chèo lái công ty vượt qua những khó khăn về nguyên liệu, thị trường xuất khẩu cá tra năm 2013. Hiện HVG đã ký hợp đồng xuất khẩu cá tra đến hết năm 2013, với giá trị xuất bình quân 30 triệu USD/tháng. Giá xuất khẩu cá tra hiện đang tăng 20% so với giá của quý II/2013. Và doanh số xuất khẩu của các công ty con, công ty liên kết của HVG trong quý III đã phục hồi nhẹ, nhiều công ty đã có lời như Agifish ước đạt lợi nhuận hơn 70 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2013.
Lo bảo vệ công ty gia đình?
Trái ngược lại với quan điểm của HVG, ông “vua tôm” Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) lại muốn giữ công ty cho gia đình nên đã từ chối việc xin hủy niêm yết trên sàn chứng khoán để ký hợp đồng béo bở hợp tác với đối tác Thái Lan là Công ty CP Foods, dù giá thỏa thuận lên đến 50.000 đồng/cổ phiếu. Việc hợp tác trong năm 2012 này bất thành vì lãnh đạo MPC cho rằng CP Foods có tham vọng thâu tóm MPC.
Năm nay do tình hình xuất khẩu khó khăn, mất đầu mối phân phối ở nước ngoài nên MPC đã chấp nhận bán gần 26,67 triệu cổ phiếu chỉ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu của công ty con Minh Phú – Hậu Giang (MPHG) cho Công ty TNHH Mitsui &Co (Asia Pacific). Sau khi hoàn tất các thủ tục, MPHG sẽ có vốn điều lệ 866,67 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ của riêng công ty mẹ MPC (700 tỷ đồng). Và với số cổ phiếu này, tỷ lệ sở hữu của Mitsui &Co trong MPHG là 30,77%.
Theo ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc MPC, quan điểm của MPC là muốn tìm đối tác ngoại để tăng vốn đầu tư và mở rộng thị trường nhưng không muốn mất công ty. Và Mitsui & Co “lọt vào mắt xanh” của vị lãnh đạo MPC khi họ chỉ mua cổ phần của MPHG với tư cách là nhà đầu tư và không tham gia sâu vào hoạt động của công ty mẹ. Bởi trong kinh doanh, người Nhật luôn tôn trọng người sáng lập công ty và thường không muốn mua lại 100% công ty của đối tác.
Việc bảo vệ công ty gia đình của ông Quang là cũng có lý do khi mà trước đó, trong các lĩnh vực kinh doanh khác, nhiều thương hiệu Việt nổi tiếng như P/S, Tribeco, Diana, Huda Huế... đã bị các doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm và biến mất chỉ trong một thời gian ngắn.
Dân Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo