Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp thủy sản tìm thị trường xuất khẩu mới

Các doanh nghiệp ngành thủy sản đang tăng tốc tìm kiếm mọi cơ hội mở rộng thị trường để vượt qua những khó khăn, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xuất khẩu trên 10 tỷ USD/2018.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, Mỹ đã quyết định áp thuế 10% đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Trung Quốc. Kể từ đó, doanh số một số sản phẩm chủ lực của Trung Quốc như cá rô phi tại hệ thống siêu thị lớn của Mỹ đã giảm 20%-30% so với trước.

Nhân cơ hội này, nhiều nguồn cung cá thịt trắng ở châu Á như Indonesia, Đài Loan, Mexico hay Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm này sang Mỹ để tăng thị phần. Riêng Việt Nam đang tăng cường đưa cá tra, basa vào Mỹ để giành thị phần từ cá rô phi Trung Quốc, góp phần giảm bớt khó khăn trong bối cảnh thuế chống bán phá giá và rào cản kỹ thuật từ Chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ áp lên cá tra xuất khẩu của Việt Nam, khiến thời gian qua doanh nghiệp và người nuôi cá tra Việt gặp khó.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Vasep cho hay, theo Cục Nghề cá biển Quốc gia Hoa Kỳ, 6 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị nhập khẩu cá rô phi của Mỹ đạt 264,6 triệu USD, trong khi đó, tổng giá trị nhập khẩu cá tra, basa từ Việt Nam đạt 196,8 triệu USD. Nếu mức thuế nhập khẩu áp cao hơn cho hàng cá rô phi Trung Quốc, 6 tháng cuối năm nay nhiều khả năng cá tra, basa Việt Nam sẽ giành thêm thị phần từ nguồn cung này.

Và giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường Mỹ tăng 11,6% so với cùng kỳ 2017, nhưng doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vẫn đang theo dõi sát tình hình từ thị trường, để có thể tận dụng tốt nhất cơ hội tăng kim ngạch trong những tháng cuối năm.

Các doanh nghiệp ngành thủy sản đang tăng tốc tìm kiếm mọi cơ hội mở rộng thị trường để vượt qua những khó khăn, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xuất khẩu trên 10 tỷ USD/2018. Tính đến hết tháng 7/2018 xuất khẩu thủy sản đạt kim ngạch 4,66 tỷ USD, chỉ tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2017. Nhóm các mặt hàng tôm, cá tra, cá ngừ đóng góp lớn nhất cho doanh thu xuất khẩu của ngành. Tuy nhiên đã có sự sụt giảm số lượng và giá trị cùa một trong ba mặt hàng này.

Cụ thể, mặt hàng tôm trên thế giới đang thừa cung, làm giảm sự tăng trưởng xuất khẩu của tôm Việt Nam (6 tháng/2018 xuất khẩu tôm chỉ tăng 5,1%, đạt khoảng 1,6 tỷ USD). Mặt hàng cá tra, dù chịu áp lực về rào cản kỹ thuật từ thị trường Mỹ song vẫn tăng 20% so với cùng kỳ 2017, lên hơn 1 tỷ USD trong 6 tháng 2018. Thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Việt Nam vẫn là Trung Quốc, Mỹ, châu Âu (EU)…Tuy nhiên, khi xuất khẩu sang Mỹ, thủy sản sẽ phải đối mặt với những thách thức do cạnh tranh khốc liệt và nhu cầu giảm.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam cho biết, đối với hải sản đánh bắt, khai thác (như cá ngừ), 6 tháng/2018 cũng đã tăng giá trị xuất khẩu 12%, đạt trên 300 triệu USD. Ngoài thị trường lớn là Nhật Bản, EU thì cá ngừ Việt Nam còn được tiêu thụ mạnh tại một số quốc gia như Úc, Israel... Điều này động viên doanh nghiệp xuất khẩu tăng mở rộng tìm kiếm thêm nhiều thị trường tiêu thụ tốt hơn, ngoài các thị trường truyền thống cũ.

Ví dụ như thị trường Brazil đang có nhiều tiềm năng cho các sản phẩm thủy sản của Việt Nam trong tương lai, nên Vasep đang khuyến khích doanh nghiệp tăng xuất khẩu vào quốc gia này. Hiện Việt Nam là một trong ba nhà cung cấp cá thịt trắng lớn nhất cho Brazil, với giá trị xuất khẩu cá tra đạt khoảng trên 100 triệu USD/năm (tính từ năm 2017), và đây cũng là một trong những thị trường lớn nhất tiêu thụ cá tra Việt Nam tại châu Mỹ.

Nên đọc
Theo Thời báo Ngân hàng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo