Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp Việt Nam thua doanh nghiệp nước ngoài: Lợi trước mắt, hại lâu dài

Các chuyên gia cho rằng, cần phải có những giải pháp xử lý nghiêm minh xen lẫn với cách làm mềm mỏng, khuyến khích, để làm sao vừa tạo áp lực, vừa tăng động lực cho các DN Việt Nam phát triển…

Lợi trước mắt, hại lâu dài

Trong khi yếu tố con người, nguồn nhân lực luôn được các DN có yếu tố nước ngoài (DNNN) xem trọng, thì suốt một thời gian dài, các DN trong nước chỉ coi đó là “nguồn tài nguyên giá rẻ”.

Trong số hàng trăm, hàng nghìn DN nợ đọng BHXH mỗi năm, có nhiều DN cố tình chiếm dụng nguồn tiền này để bù lắp vào việc kinh doanh. Khi vụ việc lên tới đỉnh điểm, ngành chức năng vào cuộc, các DN mới tá hỏa vì bị khởi kiện ra tòa. Có những vụ việc, CNLĐ quá bức xúc với DN, nên đã kéo nhau ngừng việc tập thể vào đúng mùa cao điểm, làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN phải một phen điêu đứng. Chỉ vì lợi ích trước mắt, các DN chưa nghĩ kỹ đến những hậu quả nghiêm trọng về sau.

“CNLĐ vốn là lực lượng quyết định sự thành bại của các DN, nhưng đời sống và quyền lợi hợp pháp của họ lại thường bị bỏ mặc, xâm phạm. Lâu ngày, họ sẽ thấy bất mãn với chủ DN, không tích cực trong lao động, làm cho DN bị tụt giảm năng suất, việc kinh doanh nhiều lúc phải trì trệ”. Ông Ngô Minh Linh - Chánh Thanh tra Sở LĐTBXH TP.Cần Thơ cho hay.

Vừa khuyến khích vừa bắt buộc

Các chuyên gia cho rằng, để xảy ra “căn bệnh nan y lờn thuốc” là do các chế tài pháp luật chỉ “giơ cao đánh khẽ”, do vậy, tiên quyết cần phải có một hệ thống chế tài đủ mạnh trong luật, nghị định để thiết lập sự nghiêm minh, răn đe các DN.

Tại các cuộc hội thảo về vấn đề nợ BHXH, BHYT, BHTN… vừa diễn ra tại các địa phương trong cả nước, nhiều ý kiến đề xuất đưa vào khởi tố hình sự đối với những trường hợp trốn đóng, chiếm dụng, nợ BHXH kéo dài, vì hiện tại, việc khởi kiện các trường hợp vi phạm BHXH ra tòa án dân sự chưa đủ sức răn đe.

Ông Huỳnh Hữu Thông - Chủ tịch Công đoàn các KCX&KCN TP.Cần Thơ cho biết: Tại các quốc gia đang phát triển, nếu DN nào vi phạm các vấn đề liên quan đến PLLĐ lần đầu sẽ bị cảnh cáo, tái phạm có thể bị buộc tạm ngừng hoạt động cho đến khi vụ việc được giải quyết ổn thỏa mới thôi. Nếu chúng ta có những giải pháp nghiêm minh kiểu như vậy, các DN sẽ sợ và làm theo, dần dà, mọi thứ sẽ đi vào nền nếp.

Ông Ngô Minh Linh - Chánh Thanh tra Sở LĐTBXH TP.Cần Thơ nêu ý kiến: Cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đến mọi tầng lớp, việc làm này cần có sự chung tay của toàn xã hội, chứ không riêng một tổ chức, cá nhân nào. Bên cạnh đó, các giải pháp phải được triển khai đồng bộ, vừa khuyến khích, vừa bắt buộc các DN và cả CNLĐ thực hiện theo. “Khi có một Cty, DN làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, chúng ta phải kịp thời biểu dương, để động viên, tạo thêm động lực cho DN phấn đấu. Mặt khác, qua công tác thanh, kiểm tra của ngành chức năng, cần phải xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm để răn đe, làm gương cho những nơi khác” - ông Linh nói.

Lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo