Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp Việt tự tin tiến vào thị trường Myanmar

Nhiều công ty Việt Nam đang hướng về thị trường Myanmar, nhưng đâu là chiếc chìa khóa vàng để mở được cánh cửa này? Trong cuộc trao đổi với PV, ông Robert Trần, CEO Công ty tư vấn Robenny đưa ra những nhận định đáng lưu ý.


Không phải đến tận bây giờ mà ở góc độ nhà tư vấn, Công ty Robenny đã tiến hành nghiên cứu thị trường Myanmar rất kỹ từ năm 2007 đến nay. Ông Robert Trần (ảnh dưới) không ngần ngại khẳng định, doanh nghiệp Việt Nam đang có những cơ hội rất tốt ở thị trường này, đặc biệt là ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm (snack, bánh kẹo, mì ăn liền), dược phẩm, thuốc thú y, thủy sản…

- So với các nước khác trong khu vực, hình ảnh của doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt, doanh nhân Việt có tạo được ấn tượng với các doanh nghiệp, người tiêu dùng Myanmar không, thưa ông?

Hiện tại người tiêu dùng Myanmar có vẻ không thích và tẩy chay hàng Trung Quốc. Hàng của Thái Lan và Ấn Độ được đánh giá là hàng rẻ tiền, chất lượng thấp. Hàng Việt Nam được đánh giá cao hơn 3 quốc gia này. Doanh nghiệp Việt Nam có được lợi thế ban đầu như vậy. Tuy nhiên, không biết các doanh nghiệp Việt sẽ giữ được hình ảnh này trong bao lâu? Nếu chọn cách làm ăn chụp giựt, đánh một "quả" rồi bỏ chạy thì hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

 

 

 

"Nếu chọn cách làm ăn chụp giựt, đánh một "quả" rồi bỏ chạy thì

hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng"



Tôi cũng muốn nói thêm, trước khi qua Myanmar, đã có 11 công ty tìm đến Robenny để kết nối với thị trường này, nhưng sau khi phân tích, đánh giá, Robenny chỉ chọn 3 công ty vì chúng tôi không thấy rõ ở các công ty còn lại ý định làm ăn lâu dài. Về phía doanh nhân Việt, một trở ngại dễ thấy nhất là vấn đề ngôn ngữ. Nếu chủ doanh nghiệp có thể trực tiếp giao dịch bằng tiếng Anh, sẽ có thể chia sẻ kỹ càng hơn về sản phẩm cũng như tạo được sự tin cậy, niềm tin với đối tác.

Sau cùng, nếu đã quyết định làm ăn ở Myanmar hay thị trường quốc tế nói chung thì doanh nghiệp phải suy nghĩ kinh doanh là không có biên giới. Khi bước vào thị trường nào, điều quan trọng là doanh nghiệp có tự tin cạnh tranh với những công ty nước ngoài khác và công ty địa phương hay không? Nếu câu trả lời còn là 50:50 thì tôi cho rằng, doanh nghiệp đó chưa nên bước ra thị trường nước ngoài.

- Ông có thể chia sẻ cách làm của mình khi triển khai kinh doanh ở một thị trường mới? Lần hội chợ vừa rồi, doanh nghiệp của ông đã gặt hái được những kết quả ra sao?

Trong 3 công ty mà chúng tôi đại diện, có hai công ty thành công. Công ty dược thú y, thủy sản tìm được 4 nhà phân phối trong số 13 nhà phân phối tiếp cận. Mỗi nhà phân phối sẽ chịu trách nhiệm một phần, không ai cạnh tranh ai. Công ty du lịch thì đã tìm được hai đối tác. Mỗi ngành nghề có cách làm khác nhau. Trước khi tham gia hội chợ, công ty của tôi đã phải nghiên cứu thị trường rất kỹ, liên lạc với các đối tác, tìm hiểu thông tin qua các lãnh sự quán của hai bên. Nhưng tôi nghĩ có một số điểm chung cần lưu ý:

* Mục tiêu phải rõ ràng: Doanh nghiệp phải xác định mình muốn gì qua hội chợ và làm thế nào để làm được điều đó? Chẳng hạn, khi xác định phải tìm được nhà phân phối thì câu hỏi là làm sao đánh giá được nhà phân phối. Do đó bắt buộc phải đi khảo sát thị trường, tìm hiểu trình độ người tiêu dùng, cách buôn bán của nhà phân phối, thu nhập thông tin về nhà phân phối. Tất cả đều phải được viết thành hướng dẫn cụ thể trước khi tham gia hội chợ.

* Nắm bắt mọi cơ hội: Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải có đủ tự tin, mạnh dạn giới thiệu mình với các đối tác đến từ châu Âu, Canada, Mỹ…

Sau khi đánh giá các đối tác xong, phải làm việc cùng đối tác về nghiên cứu thị trường. Tóm lại, trong thời gian ngắn nhất, doanh nghiệp phải chủ động làm được nhiều điều để hiểu được thị trường tốt nhất.

- Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp những trở ngại nào ở thị trường này? Cách khắc phục?

Tôi nghĩ, nhiều doanh nghiệp không có người chuyên về kinh doanh và phát triển thị trường. Thông thường thì chính chủ doanh nghiệp hoặc giám đốc bán hàng đi khảo sát.

Doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa biết tận dụng nguồn lực của lãnh sự quán. Tôi có một lợi thế là có thể hỏi được thông tin của cả lãnh sự Canada, Việt Nam, Myanmar. Đồng thời khi mình tham dự nhiều net working khác nhau, mình có thể được các thành viên hay các tổ chức chia sẻ thông tin. Tôi luôn quan niệm: "Hỏi thì chẳng mất gì cả". Ngoài ra, tôi cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam còn tự ti về sản phẩm. Đừng bao giờ cho rằng, các sản phẩm xuất xứ từ châu Âu, Canada, Mỹ mới là tốt. Thật ra các công ty nước ngoài vào Việt Nam đều thuê người Việt Nam làm cho họ. Khác biệt ở đây chỉ là cái tên. Còn một điều quan trọng không kém, doanh nghiệp đừng nên tự làm hết mọi thứ. Mỗi doanh nghiệp chỉ nên làm những gì thật chắc chắn và là thế mạnh của mình.

- Trong vai trò của nhà tư vấn kinh doanh, theo ông, doanh nghiệp nên chọn cách thâm nhập nào để hiệu quả?

Doanh nghiệp Việt Nam có thừa kiến thức, kinh nghiệm để làm ra những sản phẩm tốt, nhưng đang thiếu người xây dựng hình ảnh cho công ty một cách hiệu quả; làm sao để tạo được hình ảnh tốt, bán được sản phẩm với giá cao. Chiến lược của mỗi doanh nghiệp có thể rất hay, nhưng phải thực thi được và mang lại hiệu quả. Không ai ăn cắp được bí quyết của bạn nếu bạn thực sự muốn làm kinh doanh lâu dài và bỏ tâm huyết vào doanh nghiệp của mình. Thương hiệu là do mình tạo ra. Cho dù công nghệ, quy trình đơn giản thì điều quan trọng là mình phải biết làm cho nó… phức tạp lên và giá trị hơn. Điều này gọi là gia tăng giá trị cho thương hiệu.

-  Gần đây, Citi Group và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao có ký một thỏa thuận hợp tác đưa hàng Việt Nam vào thị trường Myanmar. Để "tiến công" vào thị trường Myanmar trong giai đoạn sơ khởi như vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần nhất sự hỗ trợ nào từ phía nhà nước?

Chính phủ và doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau để định hướng cho từng ngành, ưu tiên cái gì, vì muốn làm kinh doanh ở Myanmar không dễ chút nào, phải có kế hoạch thật tốt, đi từng bước một và tạo sự khác biệt, không nên copy hoặc làm theo phong trào.


- Xin cảm ơn ông!
 

 

Việt Nguyên (Theo DĐDN)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo