Doanh nghiệp Việt "yêu" Cộng đồng kinh tế ASEAN nhất
Tổng cục Thống kê vừa tiến hành điều tra chuyên đề nhằm thu thập thông tin đánh giá mức độ sẵn sàng tham gia hội nhập quốc tế của các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong ngành chế biến, chế tạo - ngành có nhiều DN qui mô lớn, chịu tác động và ảnh hưởng nhiều từ hội nhập quốc tế.
Số lượng khảo sát gồm 3.500 doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo được chọn ngẫu nhiên, trong đó có 200 doanh nghiệp thuộc nhà nước, 100 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 2.200 doanh nghiệp ngoài nhà nước để tiến hành điều tra.
Các ngành thuộc công nghiệp chế biến, chế tạo có qui mô lớn, có nhiều doanh nghiệp được chọn mẫu điều tra gồm: sản xuất, chế biến thực phẩm (601 doanh nghiệp), sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại (476 doanh nghiệp), sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (329 doanh nghiệp), sản xuất trang phục (254 doanh nghiệp)…
Theo kết quả khảo sát, các hiệp định thương mại quốc tế Việt Nam đã ký kết được cộng đồng DN Việt Nam quan tâm, biết đến, với tỷ lệ lần lượt là: Cộng đồng kinh tế ASEAN đạt cao nhất với 83.8% (16.2% không biết); tiếp đến là Hiệp định đối tác xuyên Thái bình Dương (TPP) 82.2% (16.8% không biết); Hiệp định thương mại tự do FTA Việt Nam – Nhật Bản 66.8% (33.2% không biết); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Liên minh Châu Âu (AEC) 64.1% (35.9% không biết); Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam- Hàn Quốc 62.7% (37.3% không biết).
Cũng theo khảo sát, khi được hỏi trong số các hiệp định thương mại, Hiệp định nào có tác động nhiều đến tình hình SXKD của DN Việt Nam, kết quả điều tra cho biết, có tới 81.1% DN cho rằng Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ có ảnh hưởng đến SXKD của DN, tiếp đến là Hiệp định TPP với 77.1%, Hiệp định thương mại tự do FTA giữa Việt Nam – Nhật Bản 69.1%, Hiệp định thương mại tự do FTA giữa Việt Nam – Hàn Quốc 62.4%, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam–Liên Minh Châu Âu 61%, Việt Nam – Liên minh kinh tế Á Âu 57.6%, các hiệp định khác 5.6%.
Trong tổng số 79% DN nhà nước trả lời các hiệp định thương mại có ảnh hưởng tới SXKD thì Hiệp định AEC có tỷ lệ DN trả lời cao nhất với 90%, tiếp đến là Hiệp định TPP với 83.0%, Hiệp định Việt Nam–Nhật Bản 77%, Hiệp định Việt Nam–Hàn Quốc 70.9%, Hiệp định Việt Nam–Liên Minh Châu Âu 68.5%, Hiệp định Việt Nam – Liên minh kinh tế Á Âu 64.2%, các hiệp định khác 4.8%.
Trong tổng số 76.3% DN ngoài nhà nước trả lời các hiệp định thương mại có ảnh hưởng tới SXKD, Hiệp định AEC có tỷ lệ cao nhất với 83%, tiếp đến là Hiệp định TPP 77.5%, Hiệp định Việt Nam – Nhật Bản 69.8%, Hiệp định Việt Nam – Hàn Quốc 62.3%, Hiệp định Việt Nam – Liên Minh Châu Âu 62.3%, Hiệp định Việt Nam – Liên minh kinh tế Á Âu 58.6%, các hiệp định khác 5.7%.
Khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài có 75.9% số DN trả lời các hiệp định thương mại có ảnh hưởng tới SXKD, trong đó hiệp định AEC và Hiệp định TPP có tỷ lệ cao nhất lần lượt là 74.8% và 74.9%, Hiệp định Việt Nam – Nhật Bản 65.5%, Hiệp định Việt Nam – Hàn Quốc 61%, Hiệp định Việt Nam – Liên Minh Châu Âu 56.5%, Hiệp định Việt Nam – Liên minh kinh tế Á Âu 54%, các hiệp định khác 5.4%.
Đánh giá chi tiết ảnh hưởng của từng hiệp định thương mại tới hoạt động SXKD của DN, có tới 76.7% DN đánh giá ảnh hưởng từ Hiệp định AEC sẽ tốt hơn, có 22.6% DN cho rằng vừa tốt vừa xấu, chỉ có 0.7% DN cho rằng xấu đi. Có 68.4% DN đánh giá ảnh hưởng của Hiệp định TPP sẽ tốt hơn, 30.4% cho rằng vừa tốt vừa xấu và 1.2% DN cho rằng sẽ xấu hơn. Có 80.5% DN đánh giá ảnh hưởng từ Hiệp định thương mại Việt Nam- Nhật Bản sẽ tốt hơn, có 18.8% DN cho rằng vừa tốt vừa xấu và 0.7% đánh giá xấu đi. Tương tự, có 75.7% DN cho rằng Hiệp định thương mại Việt Nam- Hàn Quốc sẽ tốt hơn, 23.3% đánh giá vừa tốt vừa xấu, 1% đánh giá xấu đi. Tỷ lệ đánh giá tốt lên ở hiệp định Việt Nam- Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Việt Nam liên minh kinh tế Á Âu (EAEU) cũng khá cao, lần lượt là 72.4% và 73%.
End of content
Không có tin nào tiếp theo