Doanh nghiệp xã hội được hưởng nhiều ưu đãi
Hỗ trợ chính sách
Theo dự thảo Nghị định, Nhà nước có những chính sách phát triển đối với doanh nghiệp xã hội như khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài thành lập doanh nghiệp xã hội, góp phần thực hiện giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng.
Các doanh nghiệp xã hội được ưu tiên tham gia đấu thầu, cung cấp các dịch vụ công do Nhà nước tài trợ, đặt hàng.
Mặt khác, doanh nghiệp xã hội được hưởng mức cao nhất của các chính sách ưu đãi đầu tư và chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, doanh nghiệp xã hội được miễn thuế thu nhập tương ứng với khoản lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp giữ lại để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.
Được nhận viện trợ
Vẫn theo dự thảo Nghị định, các doanh nghiệp xã hội được nhận viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức phi chính phủ trong nước, cá nhân, tổ chức khác để thực hiện các mục tiêu giải quyết vấn đề xã hội, môi trường.
Trường hợp doanh nghiệp xã hội tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài, Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp có trụ sở chính là cơ quan chủ quản của doanh nghiệp xã hội đó. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt các khoản viện trợ cho doanh nghiệp xã hội có trụ sở chính đặt tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đó.
Ngoài các nghĩa vụ thực hiện quản lý, báo cáo các khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài theo quy định, doanh nghiệp xã hội tiếp nhận viện trợ phải thông báo kịp thời cho cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính những thông tin hoặc thay đổi, bổ sung về những thông tin về bản sao quyết định phê duyệt chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài và các tài liệu, văn kiện của chương trình, dự án kèm theo. Bản sao các báo cáo tiếp nhận và sử dụng khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài, nếu có.
Không những được nhận viện trợ từ các tổ chức nước ngoài, doanh nghiệp xã hội còn được tiếp nhận khoản viện trợ bằng tài sản, tài chính hoặc hỗ trợ kỹ thuật khác từ các cá nhân, tổ chức trong nước để sử dụng thực hiện các hoạt động vì mục tiêu xã hội và môi trường mà doanh nghiệp đã đăng ký.
Minh bạch
Tuy nhiên, việc tiếp nhận viện trợ phải lập thành văn bản. Văn bản tiếp nhận viện trợ phải có các nội dung về: thông tin về cá nhân, tổ chức viện trợ, loại tài sản, giá trị tài sản hoặc tiền viện trợ, thời điểm thực hiện viện trợ, yêu cầu đối với doanh nghiệp tiếp nhận viện trợ, họ tên và chữ ký của người đại diện có thẩm quyền của các bên .
Dự thảo quy định, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày thỏa thuận viện trợ được ký kết, doanh nghiệp phải gửi cho cơ quan Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính bản sao văn bản tiếp nhận viện trợ và tài liệu khác kèm theo, nếu có.
Đồng thời, doanh nghiệp xã hội phải thông báo cho cơ quan Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính những về thay đổi nội dung tiếp nhận viện trợ theo quy định tại điểm b khoản này, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày có thay đổi. Kèm theo thông báo phải có bản sao văn bản tiếp nhận viện trợ đã được sửa đổi, bổ sung hoặc tài liệu khác, nếu có.
Doanh nghiệp xã hội không được sử dụng các khoản tài trợ huy động được cho mục đích khác ngoài bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường mà doanh nghiệp đã đăng ký.
End of content
Không có tin nào tiếp theo