Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản muốn Formosa "đền" vụ cá chết

(DNVN) - Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASE) vừa kiến nghị Chính phủ và các Bộ có sự can thiệp đối với tập đoàn Formosa trong vấn đề có trách nhiệm đối với doanh nghiệp và người dân ở 4 tỉnh miền Trung.

VASEP vừa có công văn số 132/2016/CV-VASEP gửi Chính phủ, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp chế biến xuất khẩu  thủy sản và ngư dân 4 tỉnh miền Trung.

Theo VASEP, từ tháng 4/2016, sự cố ô nhiễm môi trường khiến hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đã ảnh hưởng rất lớn và gây thiệt hại nặng nề đến mọi mặt kinh tế của bốn tỉnh miền Trung. 

Tính riêng với ngành thủy sản, sự cố môi trường này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất thủy sản của ngư dân, doanh nghiệp nói riêng và đến các sức ép ngày càng lớn từ thị trường nhập khẩu nói chung.

Cụ thể, về xã hội-sản xuất, sự cố ô nhiễm môi trường đã gây tâm lý hoang mang, lo sợ đến đời sống việc làm, sức khỏe của bản thân người lao động. Ngư dân lo lắng và không dám đi đánh bắt. 

Cá chết ở miền Trung vừa qua.

Các nhà máy chế biến bị thiếu nguyên liệu sản xuất. Nhiều nhà máy chế biến phải tạm ngừng sản xuất hoặc sản xuất với công suất rất thấp để duy trì và giữ chân công nhân. Nếu tình trạng thiếu nguyên liệu tiếp tục kéo dài, nguy cơ nhà máy phải đóng cửa là rất lớn. 

Đối với khách hàng quốc tế, họ quan ngại nhiễm kim loại nặng vào nguyên liệu và sản phẩm. Vì vậy nhiều khách hàng đã hủy hợp đồng không mua thủy sản với các DN có nhà máy chế biến tại 4 tỉnh miền trung. Các DN đã bị thiệt hại rất lớn. 

Đối với thị trường nội địa, người dân trên cả nước với tâm lý hoang mang, lo lắng nên không mua sản phẩm thủy sản ở miền trung. Các DN và ngư dân không tiêu thụ được sản phẩm. Toàn bộ hàng nội địa phải bảo quản lâu ngày ở kho. Do đó, DN phải chịu thêm nhiều chi phí (tiền điện, kho...)... Những điều này đã làm giảm sản lượng thu mua của DN đến 60% so với cùng kỳ năm 2015.

Về kinh tế, nguồn nguyên liệu thiếu trầm trọng trong khi đó đầu ra của sản phẩm cũng bị co lại, nên DN thu mua nguyên liệu trong 8 tháng chỉ đạt khoảng 40% và doanh số của DN cũng bị giảm mạnh. (Công ty Nam Hà Tĩnh (Shatico) ở Kỳ Anh – Hà Tĩnh thu mua 8 tháng được 228 tấn, trong khi cùng kỳ 2015 được 580 tấn (giảm đến 60%), XK chỉ được 160 tấn, kim ngạch 1,4 triệu USD trong khi cùng kỳ 2015 là 2,4 triệu USD (giảm hẳn 1 triệu USD, tương ứng mức giảm kim ngạch khoảng 42%). 

Theo báo cáo của DN, đến thời điểm giữa tháng 8/2016, ngư dân vẫn chưa đi đánh bắt trở lại nên dự kiến các tháng cuối năm, nhiều công ty chế biến thủy sản sẽ ngừng hoạt động vì không còn nguyên liệu để sản xuất. Trong khi đó, Công ty vẫn phải chi các khoản để giữ chân người lao động và các khoản chi trả cho các đối tác. Tổng thiệt hại đối với mỗi DN là rất lớn (như công ty Shatico báo cáo là thiệt hại 8,256 tỷ đồng).

 

Theo VASEP, với những thiệt hại nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng của sự cố ô nhiễm môi trường đối với các doanh nghiệp và nông ngư dân thủy sản, cả ngành thủy sản và các DN đang phải nỗ lực từng ngày để cố gắng vượt qua.

Vì sự phát triển chung của ngành thủy sản nói riêng và kinh tế cả nước nói chung, VASEP kiến nghị Chính phủ và các Bộ có sự can thiệp đối với tập đoàn Formosa trong vấn đề có trách nhiệm đối với DN và người dân ở 4 tỉnh miền Trung.

Đồng thời kiến nghị Chính phủ đưa ra những chính sách hỗ trợ, giải quyết hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường gây ra.

Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành có giải pháp, tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp: tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhập khẩu để DN duy trì sản xuất (như thủ tục nhập khẩu, hỗ trợ cước phí tại cảng nhập khẩu...), tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới và mặt hàng mới.

Chính phủ và các Bộ ngành đẩy mạnh công tác truyền thông để khách hàng quốc tế không bị quan ngại và vẫn tin vào hình ảnh thủy sản của Việt Nam đảm bảo chất lượng.

 

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo