Hỗ trợ doanh nghiệp

AVG lặng lẽ đổi tên dịch vụ truyền hình MobiTV thành ViVaTV

DNVN - Từ vài ngày nay, các kênh thuộc hệ thống truyền hình trả tiền MobiTV trước đây đã đổi tên và logo thành VivaTV. Theo đó, logo Viva đã được gắn lên ở tất cả các kênh thuộc hệ thống truyền hình MobiTV.

Thương vụ Mobifone- AVG: Trả hết cho nhau, 6 người vẫn vào tù / Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm vụ Mobifone mua AVG

Mấy ngày nay, khách hàng sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền MobiTV xôn xao khi trên các kênh truyền hình trả tiền trên hệ thống MobiTV bỗng xuất hiện logo VivaTV thay cho logo MobiTV. Trên trang web dịch vụ truyền hình MobiTV (mobitv.net.vn) cũng đã thay đổi logo VivaTV thay cho MobiTV. Ngoài ra AVG còn đang thử nghiệm trang web dịch vụ VivaTV tại địa chỉ tên miền vivatv.vn. Như vậy mặc dù chưa chính thức công bố đổi tên thương hiệu nhưng dịch vụ truyền hình VivaTV đã chính thức ra mắt khách hàng của AVG. Đây là lần đổi tên thứ hai của dịch vụ truyền hình trả tiền do Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) sở hữu giấy phép.
MobiTV đã thay đổi logo VivaTV trên các kênh truyền hình phát trên hệ thống truyền hình trả tiền từ mấy hôm nay.

Trước đó, từ giữa tháng 4/2019 đã rò rỉ nguồn tin AVG dự kiến sẽ đổi tên thương hiệu truyền hình mới, sẽ không còn dùng thương hiệu truyền hình An Viên hay MobiTV nữa. Nhưng phía AVG chưa ai xác nhận thông tin này.
Ở thời điểm hiện tại AVG mới chỉ đổi logo mới thành ViVaTV, còn tên thương hiệu dịch vụ vẫn chưa đổi mà vẫn sử dụng tên MobiTV. MobiTV đang cung cấp dịch vụ truyền hình số mặt đất DTT và dịch vụ truyền hình số vệ tinh DTH có mức cước rẻ nhất trên thị trường truyền hình trả tiền. Gói cơ bản giá cước 30.000 đồng/tháng và Gói cao cấp là 60.000 đồng/tháng.
Truyền hình AVG có thể nói là dịch vụ có số phận vô cùng long đong, ra đời chưa được bao lâu nhưng dịch vụ này đã hai lần thay tên đổi chủ, thương vụ mua bán cổ phần giữa AVG và MobiFone đã đẩy 14 quan chức cấp cao vào vòng lao lý.
Năm 2011, Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền và chính thức cung cấp dịch vụ truyền hình từ ngày 11/11/2011 với thương hiệu truyền hình An Viên. Đến tháng 1/2016, MobiFone mua lại 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG), sau đó đã đổi tên dịch vụ thành Truyền hình MobiTV.
Báo cáo tài chính của MobiFone đã xác nhận MobiFone đã chi 8.890 tỷ đồng để mua lại 344,66 triệu cổ phiếu, tương đương 95% cổ phần của AVG với mức giá mua đạt xấp xỉ 25.800 đồng/cổ phần. Thương vụ này đã hoàn tất giao dịch vào ngày 2/1/2016.
Cho đến cuối năm 2018, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ xử lý sau thanh tra Dự án MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) và thực hiện chỉ đạo của Bộ TT&TT ngày 18/12/2018, MobiFone và Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu đã ký thỏa thuận hủy bỏ, chấm dứt và thanh lý giao dịch mua bán cổ phần của MobiFone tại AVG. Như vậy, MobiFone đã hoàn toàn chấm dứt dự án mua 95% cổ phần AVG, AVG sau đó cũng hoàn thành việc chuyển trả toàn bộ số tiền của hợp đồng mua bán cho MobiFone.
Sau khi nhận trở lại dịch vụ Truyền hình MobiTV, AVG đang có khoảng gần 1 triệu thuê bao truyền hình trả tiền. Bên cạnh đó, AVG đang cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng các kênh truyền hình địa phương và một số kênh xã hội hóa trên hai hệ thống truyền hình số mặt đất và truyền hình số vệ tinh.
Từ 1/1/2019, AVG được Bộ TT&TT cho phép sử dụng 4 kênh tần số mới là 42, 43, 44, 45 để cung cấp dịch vụ truyền hình và truyền dẫn phát sóng.
Để khai thác được dịch vụ truyền hình trả tiền, doanh nghiệp cần phải được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, cấp giấy phép thiết lập hạ tầng mạng, cũng như được cấp quyền sử dụng các kênh tần số. Theo quy định của pháp luật hiện nay, các loại giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình, giấy phép thiết lập hạ tầng mạng, cũng như giấy phép sử dụng tần số là không được phép mua bán hay chuyển nhượng. Do đó, dù AVG có bán 95% cổ phần cho MobiFone nhưng các giấy phép và quyền sử dụng các kênh tần số được Bộ TT&TT cấp vẫn thuộc sở hữu của AVG.
Vào đầu tháng 9/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) – Bộ Công an vừa có kết luận điều tra vụ án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG. Theo kết luận điều tra, tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp AVG ngày 31/3/2015, tình hình tài chính của AVG rất khó khăn, lỗ kéo dài, nợ vay lớn, vốn kinh doanh của mảng truyền hình âm, tài sản và nguồn vốn của AVG tăng qua các năm chủ yếu do thực hiện tăng vốn điều lệ và đầu tư tài chính dài hạn.
Mặc dù làm ăn thua lỗ, song chính AVG đã cung cấp những tài liệu đã được “tân trang” cho MobiFone và sau đó những tài liệu này được các công ty thẩm định giá sử dụng để thổi phồng giá trị của AVG.
Về phía MobiFone, lời khai của một số bị can là lãnh đạo MobiFone đều cho thấy những người này biết tình hình thực tế của AVG tại thời điểm đó và giá mua chênh lệch lớn so với giá trị trên sổ sách nhưng vẫn đồng ý triển khai dự án.
Cơ quan Cảnh sát điều tra đã chuyển Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đề nghị truy tố hai cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220, BLHS 2015) và Nhận hối lộ (Điều 354, BLHS 2015).
Cùng 2 cựu Bộ trưởng, 12 bị can khác cũng bị đề nghị truy tố. Theo đó, Cơ quan điều tra cũng đề nghị truy tố các ông, bà Phạm Đình Trọng (cựu Vụ trưởng quản lý doanh nghiệp, Bộ TT&TT), Lê Nam Trà (cựu chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone), Cao Duy Hải (cựu tổng giám đốc MobiFone), Phạm Thị Phương Anh (cựu phó tổng giám đốc MobiFone), các bị can Võ Văn Mạnh, Hoàng Duy Quang, Nguyễn Đăng Nguyên, Phan Thị Hoa Mai, Hồ Tuấn, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Mạnh Hùng, tội danh quy định tại Điều 220, BLHS 2015.
Ông Phạm Nhật Vũ (cựu chủ tịch AVG) bị truy tố tội Đưa hối lộ, theo Điều 364, BLHS 2015.
Ngoài tội danh quy định tại Điều 220, ông Lê Nam Trà, Cao Duy Hải còn bị đề nghị truy tố theo Điều 354, BLHS 2015 cùng với ông Son và ông Tuấn.
Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm