Hỗ trợ doanh nghiệp

Bình Định: Vì sao hiện huyện Vân Canh không có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP?

DNVN – Chủ thể OCOP huyện Vân Canh (Bình Định) phản ánh, để hoàn thiện hồ sơ sản phẩm phải tốn 15 triệu đồng cho đơn vị tư vấn, khiến họ không mấy “mặn mà” tham gia chương trình. Hiện nay, huyện này không có sản phẩm OCOP nào.

Bình Định: Lập đoàn kiểm tra một dự án sản xuất rau an toàn tại huyện Vân Canh / Công an Bình Định: Bảo đảm an toàn cho người dân, du khách trong ngày kỷ niệm lớn

Sau hơn 5 năm triển khai chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm), hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có sản phẩm đạt chứng nhận từ 3 sao trở lên. Tuy nhiên, hiện nay, huyện miền núi Vân Canh không có sản phẩm OCOP nào.

hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có sản phẩm đạt chứng nhận từ 3 sao trở lên. Tuy nhiên, hiện nay, huyện miền núi Vân Canh không có sản phẩm OCOP nào.

Hiện nay, hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bình Định có sản phẩm OCOP, nhưng huyện Vân Canh không có sản phẩm nào.

Nguyên nhân chủ yếu không nằm ở tiềm năng sản phẩm mà xuất phát từ những khó khăn trong khâu hoàn thiện hồ sơ, dẫn đến phải thuê đơn vị tư vấn với chi phí lên đến 15 triệu đồng/sản phẩm. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới người dân, cơ sở sản xuất không “mặn mà” với việc tham gia chương trình OCOP.

Chủ cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Vân Canh có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ năm 2019 (là sản phẩm đầu tiên và duy nhất cho đến nay, hiện đã hết hạn) cho biết, khi ấy việc cấp chứng nhận sản phẩm OCOP còn thuộc cấp tỉnh, việc làm hồ sơ không phức tạp như hiện nay nên chủ thể tự thực hiện.

Tuy nhiên theo phản ánh của các chủ thể OCOP, hiện nay việc thực hiện hồ sơ để được công nhận sản phẩm OCOP rất phức tạp, người dân rất khó để hoàn thiện. Cán bộ địa phương hướng dẫn nếu muốn hoàn thiện nhanh chóng, đúng quy định phải nhờ đơn vị tư vấn với mức giá 15 triệu đồng/sản phẩm.

Cho rằng, khoản chi phí này đối với các chủ thể sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ ở huyện miền núi như Vân Canh là quá cao, không bảo đảm được nguồn kinh phí để tham gia chương trình, các chủ thể OCOP đã kiến nghị ngành chức năng cần có cơ chế hỗ trợ để có nhiều chủ thể tham gia thực hiện chương trình nhằm tạo ra được nhiều sản phẩm cho địa phương.

Trao đổi với phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam, ông Dương Hiệp Hoà – Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, xác nhận, thông tin về việc chủ thể OCOP phải đóng số tiền 15 triệu đồng để làm hồ sơ là có thật nhưng huyện không thu số tiền này mà do đơn vị tư vấn thu để giúp người dân, doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ.

Ông Hoà cũng cho hay, đơn vị tư vấn này làm cho cả tỉnh chứ không riêng gì Vân Canh. Đúng ra cán bộ địa phương chỉ nên giới thiệu đơn vị tư vấn còn chi phí thế nào thì do 2 bên trao đổi. Nhưng do “quá nhiệt tình” nói luôn chuyện chi phí nên có thể khiến người dân hiểu lầm.

Chủ tịch UBND huyện Vân Canh cho biết cảm thấy áy náy khi hiện nay trên địa bàn huyện không có sản phẩm OCOP nào, do đó đang tập trung hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ để hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tổ chức thẩm định, đánh giá và công nhận trước khi giải thể huyện.

“Tôi đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Thế Vy – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bình Định để xúc tiến, hỗ trợ địa phương sớm tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP ngay trong đợt này”, ông Dương Hiệp Hoà nói.

Thế nhưng, người đứng đầu chính quyền huyện Vân Canh cũng chia sẻ: “Dù gì vẫn phải tốn tiền làm hồ sơ, vì theo quy định không lấy mẫu này phải lấy mẫu kia, nếu chủ thể OCOP làm được khâu nào thì đỡ khâu đó. Theo quy định, khi đạt chứng nhận OCOP, tuỳ vào điều kiện của địa phương sẽ có kinh phí khen thưởng cho các chủ thể OCOP. Chúng tôi đang xem xét trình Ban Thường vụ Huyện uỷ để có nguồn kinh phí hỗ trợ thêm giúp họ bù đắp chi phí khi thực hiện”.

Sản phẩm đạt chứng nhận OCOP là niềm tự hào không chỉ riêng của chủ thể OCOP.

Sản phẩm đạt chứng nhận OCOP là niềm tự hào không chỉ của riêng chủ thể OCOP.

Tính đến cuối năm 2024 Bình Định có tổng cộng 477 sản phẩm OCOP, trong đó có 435 sản phẩm đạt hạng 3 sao (chiếm 91,19%) và 42 sản phẩm đạt hạng 4 sao (chiếm 8,81%). Riêng năm 2024, toàn tỉnh có 132 sản phẩm đạt hạng 3 sao, cho thấy sự phát triển vượt bậc về số lượng và bền vững của các sản phẩm OCOP.

OCOP không chỉ là một danh hiệu mà là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực nhằm gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Nhưng nếu những người yếu thế, những cộng đồng vùng cao như Vân Canh vẫn “đứng ngoài cuộc chơi” thì chương trình sẽ đánh mất chính sứ mệnh của mình.

Để có số liệu mới nhất về tình hình phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh Bình Định và tìm hiểu thêm thông tin theo phản ánh của chủ thể OCOP huyện Vân Canh, phóng viên đã gọi điện, nhắn tin đến số điện thoại của bà Nguyễn Thị Thế Vy – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, bà Vy cáo bận và không trả lời tin nhắn.


Minh Thảo
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm