Hỗ trợ doanh nghiệp

Cần tạo động lực cho doanh nghiệp kinh doanh hướng tới người thu nhập thấp

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) không chỉ chú trọng phát triển kinh doanh, mà còn đẩy mạnh gắn phát triển kinh doanh với thúc đẩy phát triển cộng đồng. Điều này tạo ra những tác động xã hội tích cực và đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế đất nước.

Thông tin trên được nêu lên tại Hội thảo mô hình kinh doanh hướng tới người thu nhập thấp với chủ đề: “Thúc đẩy và đầu tư vào mô hình kinh doanh hướng tới người thu nhập thấp tại Việt Nam” do Cục Phát triển doanh nghiệp (thuộc Bộ KH&ĐT), Ủy ban Kinh tế và xã hội của Liên Hợp Quốc ở châu Á và Thái Bình Dương (ESCAP), Mạng lưới hành động hướng tới doanh nghiệp thu nhập thấp, phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) tổ chức tại TP.HCM.

Theo thống kê, bộ phận DNNVV hiện chiếm đến hơn 98% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước. Với lực lượng đông đảo, bộ phận doanh nghiệp này đang đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo.

Đặc biệt, trong thời gian qua, các DNNVV ngày càng chú trọng quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng những chiến lược kinh doanh có sự tham gia của những người thu nhập thấp tại nhiều địa phương trên cả nước, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Qua đó, một mặt thúc đẩy sự phát triển của kinh tế địa phương, mặt khác góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống của các nhóm yếu thế, những người thu nhập thấp trong các chuỗi giá trị.

Đưa ra dẫn chứng về sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp trong việc kinh doanh hướng tới người có thu nhập thấp, bà Nguyễn Thị Phỉ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bình Dương AND (Bình Dương AND) cho biết, với bề dày hoạt động 30 năm trong ngành sản xuất thức ăn và chế biến thủy sản với công suất nhà máy 600 tấn/ 1 ngày, doanh nghiệp đã tạo ra hàng ngàn việc làm cho người lao động.

Doanh nhân Nguyễn Thị Phỉ nêu ý kiến tại hội nghị.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đang góp phần tạo sinh kế ổn định, thu nhập bền vững cho các nông hộ tham gia trong chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, thông qua ký hợp đồng bao tiêu thường xuyên sản phẩm của các hộ nông dân và thu mua theo mùa vụ của rất nhiều nông hộ.

Bà Phỉ nhận định, trong thời gian tới nếu nhà nước chú trọng tạo động lực, tạo chính sách cho doanh nghiệp, làm rõ các tiêu chí, hệ thống tiêu chí kinh doanh hướng tới người thu nhập thấp thì cả hệ thống sẽ được hưởng lợi, nông dân có việc làm thu nhập cao, doanh nghiệp hưởng lợi, nhà nước phát triển.

Theo doanh nhânPhan Thị Tuyết Mai,mô hình kinh doanh hướng đến người thu nhập thấp sẽ cung cấp cơ hội thu nhập và hàng hóa và dịch vụ có liên quan cho người nghèo.

Đồng quan điểm trên, bà Phan Thị Tuyết Mai - TGĐ Công ty TMTM (nhà sản xuất thực phẩm - dinh dưỡng và mỹ phẩm) cho rằng, mô hình kinh doanh hướng đến người thu nhập thấp sẽ đem lại lợi ích cho 3 bên.

Cụ thể, cho chính người nghèo (cơ hội được trả thu nhập cao và tiếp cận tốt hơn các dịch vụ và hàng hóa có liên quan), cho các doanh nghiệp (đầu tư mới và cơ hội lợi nhuận) và cho xã hội (nền kinh tế bao trùm hơn).

"Vì mô hình kinh doanh hướng đến người thu nhập thấp sẽ cung cấp cơ hội thu nhập và hàng hóa và dịch vụ có liên quan cho người nghèo và người thu nhập thấp với cách tiếp cận đầu tư thương mại bền vững, không ảnh hưởng đến tác động xã hội đối với lợi nhuận kinh doanh, nó tạo ra lợi ích cho người nghèo, doanh nghiệp và xã hội", bà Phan Thị Tuyết Mai cho hay.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang gặp phải những thách thức không nhỏ đến từ chính những vấn đề thuộc về năng lực nội tại của doanh nghiệp. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp thiếu kiến thức, kỹ năng và thực hành quản trị chiến lược; đối với nhiều doanh nghiệp, chiến lược kinh doanh tầm trung đến dài hạn và chiến lược cạnh tranh chưa định hình rõ nét.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp chưa có kiến thức bài bản về cách xây dựng, tổ chức và quản lý hệ thống phân phối bán hàng hiệu quả, chưa có chiến lược xây dựng thương hiệu… dẫn tới hạn chế năng lực tăng trưởng, từ đó chưa góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo.

Trước thực trạng chung đó, ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, bản thân mỗi doanh nghiệp cần tự mình nhận diện được những ưu thế cũng như điểm yếu của doanh nghiệp mình, để từ đó có thể xây dựng được những kế hoạch, chiến lược kinh doanh hiệu quả, hướng đến sự phát triển một cách bền vững.

"Chỉ khi các doanh nghiệp ngày một phát triển và phát triển bền vững thì mới mang lại những tác động bền vững cho các nhóm đối tượng yếu thế, nhóm thu nhập thấp trong xã hội", ông Nam cho hay.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo