Canada sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam hội nhập CPTPP
(DNVN) - Sáng 27/11, làm việc với lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, phái đoàn Đại sứ quán Canada tại Việt Nam và đại diện Công ty CowaterSogema (Canada) khẳng định: Sẵn sàng hỗ trợ về kỹ thuật cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam hội nhập CPTPP.
Google cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tải miễn phí "Doanh nghiệp của tôi" / Gần 80% doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội chưa chuẩn bị cho Cách mạng Công nghiệp 4.0
Tại cuộc trao đổi, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Cán bộ Phát triển cấp cao của Đại sứ quán Canada tại Việt Nam - cho biết, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam rất vinh dự khi một phái đoàn do ông Don Stephenson, Cố vấn cấp cao tại Công ty CowaterSogema, làm trưởng đoàn sang thăm, gặp gỡ và tìm kiếm các đối tác Việt Nam triển khai chương trình EDM.
EDM là cơ chế huy động chuyên gia xúc tiến thương mại và hỗ trợ phát triển. EDM được xây dựng để góp phần giảm đói nghèo thông qua công tác huy động chuyên gia kỹ thuật của Canada và quốc tế giúp các nước đang phát triển thương thảo, thực hiện, thích nghi và hưởng lợi từ hoạt động thương mại và các dự án đầu tư với Canada. EDM hiện đang trong giai đoạn khởi động và dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ tháng 4/2019.
Toàn cảnh cuộc trao đổi giữa phái đoàn Canada và Lãnh đạo Hiệp hội DNNVV Việt Nam.
Ông Don Stephenson - từng là chuyên gia về thương mại và đầu tư của Chính phủ Canada - chia sẻ: Dự án EDM mà phía Canada muốn trao đổi với hiệp hội là một trong những biện pháp can thiệp với hình thức hỗ trợ của chính phủ Canada với chính phủ Việt Nam. Và Canada mong muốn phối hợp, hợp tác với những quốc gia đối tác của Canada có cùng chung lợi ích về kinh tế với Canada để cung cấp hỗ trợ về kỹ thuật cho các quốc gia này.
Các quốc gia đối tác ưu tiên của Canada bao gồm các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương vì Ottawa đang ưu tiên triển khai Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Và Việt Nam được Chính phủ Canada lựa chọn là quốc gia ưu tiên tiến hành trao đổi hợp tác. Theo đó, Việt Nam là quốc gia đầu tiên được Canada lập kế hoạch đánh giá nhu cầu đối với EDM.
Chia sẻ về những lý do khiến Canada chọn Việt Nam là quốc gia ưu tiên để tiến hành dự án EDM, ông Don Stephenson khẳng định: ''Việt Nam là quốc gia có mối quan hệ tốt với Canada, là thành viên của ASEAN và WTO, sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển rất hiệu quả. Ngoài ra, Việt Nam cũng là đối tác trong Hiệp định CPTPP. Canada nhận thấy trong tiến trình hội nhập CPTPP, Việt Nam đối mặt với một số thách thức và Canada muốn hỗ trợ Việt Nam giải quyết khó khăn''.
Ông Don Stephenson, Cố vấn cấp cao tại Công ty CowaterSogema, Canada, đề xuất hình thức hỗ trợ các DNNVV Việt Nam.
"Về hỗ trợ kỹ thuật này, chúng tôi có thể cung cấp các chuyên gia kỹ thuật để hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), có thể tổ chức một số buổi tham quan, làm việc và học hỏi một số vấn đề cụ thể ở Canada. Chúng tôi có thể tổ chức các hội thảo, hội nghị để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Ngoài ra, chúng tôi cũng có thể tổ chức những buổi tập huấn liên quan đến vấn đề xúc tiến thương mại'', ông Don Don Stephenson đề xuất.
Canada xác định một số vấn đề mà Việt Nam sẽ cần hỗ trợ trong quá trình triển khai hiệp định, đó là quyền sở hữu trí tuệ, cải cách Luật Lao động, các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, tập huấn cho các cán bộ Chính phủ và Doanh nghiệp về nghĩa vụ phải đáp ứng khi Việt Nam triển khai hiệp định. Đồng thời tập huấn phương pháp tận dụng tối đa các cơ hội mà CPTPP mang lại cho Việt Nam.
Thay mặt Hiệp hội DNNVV Việt Nam, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội bày tỏ vui mừng đón nhận đề xuất từ phía Canada, qua đó, cảm ơn Chính phủ Canada đã có chương trình thể hiện sự quan tâm lớn đến cộng đồng DNNVV Việt Nam.
Hiệp hội DNNVV Việt Nam là tổ chức đại diện cho số lượng doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam với 62.000 DN đăng ký là hội viên của hiệp hội. Tuy nhiên, sự hiểu biết của các DNNVV Việt Nam về CPTPP còn rất hạn chế. Nhiều quy định trong hiệp định còn rất xa lạ với các DNNVV. Do vậy, theo ông Tô Hoài Nam, đề xuất hỗ trợ kỹ thuật của Canada trong thời điểm này "như cứu cánh cho các DNNVV Việt Nam vượt qua khó khăn để có thể hội nhập CPTPP".
Ông Tô Hoài Nam đề xuất phía Canada hỗ trợ các DNNVV Việt Nam kiến thức về sở hữu trí tuệ; những quy định căn bản có tính pháp lý liên quan đến thị trường CPTPP; những vấn đề liên quan đến quản trị minh bạch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo vệ môi trường; hoạt động xúc tiến thương mại; mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động... Đây thực sự là những thách thức rất lớn với Việt Nam và các DNNVV Việt Nam muốn khai thác được các cơ hội phải vượt qua được khó khăn này.
Ông Tô Hoài Nam (giữa) - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam vui mừng trước đề xuất hỗ trợ của phía Canada.
''Chúng tôi hi vọng qua dự án EDM, phía Canada có thể giúp DNNVV lấp đầy những lỗ hổng đó. Theo tôi, có thể tổ chức các khóa đào tạo trực tiếp cho DN hoặc đào tạo cho cán bộ của Hiệp hội DNNVV Việt Nam, qua đó cán bộ hiệp hội truyền đạt lại cho các DN. Hiệp hội mong muốn Canada hỗ trợ cho cả hai hình thức đào tạo này'', ông Tô Hoài Nam đề xuất.
Liên quan tới đề xuất này, Cố vấn cấp cao tại Công ty CowaterSogema gợi ý, phía Canada sẽ bắt đầu tập huấn, đào tạo cho cán bộ hiệp hội về nội dung của Hiệp định CPTPP, chẳng hạn như DN có nghĩa vụ gì và cần phải đáp ứng những yêu cầu gì khi gia nhập, những cơ hội mà DN có thể tận dụng khi triển khai hiệp định. Sau đó, những cán bộ nguồn này sẽ tiếp tục đào tạo, lan rộng các kiến thức cho các DN phía dưới. Đây là điềm xuất phát rất tốt để hỗ trợ các DNNVV Việt Nam.
Sau khi nghiên cứu kỹ bản dự thảo khảo sát đánh giá chất lượng DN gia nhập CPTPP do hiệp hội cung cấp cũng như danh sách những ngành ưu tiên mà hiệp hội muốn hỗ trợ, Canada sẽ điều chỉnh các tài liệu đào tạo để thích nghi với điều kiện của Việt Nam, đồng thời sẽ cung cấp một số ý tưởng hỗ trợ và phương thức hỗ trợ để đảm bảo cho các DNNVV Việt Nam vững vàng gia nhập CPTPP.
Bài và ảnh: Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo