Lo ngại thủy sản 'đội lốt' hàng Việt tránh thuế Mỹ
Lập tổ phản ứng nhanh, lắng nghe doanh nghiệp khi Mỹ áp thuế lên hàng Việt / Đề nghị Mỹ tạm hoãn áp thuế với Việt Nam
Nguy cơ Trung Quốc mất thị phần tại Mỹ
Khởi nguồn từ năm 2018, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã bước sang giai đoạn căng thẳng mới vào năm 2025 với các mức thuế trả đũa liên tục leo thang.
Diễn biến mới nhất vào ngày 10/4/2025 ghi nhận Mỹ chính thức áp mức thuế 125% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, sau khi tăng thêm 50% chỉ một ngày trước đó. Động thái này là lời đáp trả trực tiếp của Tổng thống Donald Trump trước việc Trung Quốc từ chối rút lại mức thuế 34% áp lên hàng hóa Mỹ hôm 4/4, và tiếp tục nâng mức thuế này lên 84% vào ngày 9/4.
Các biện pháp trả đũa giữa hai quốc gia không chỉ làm gián đoạn thương mại song phương mà còn gây ra hiệu ứng domino trên toàn cầu, đẩy giá hàng hóa tăng cao và làm dấy lên lo ngại về một làn sóng suy thoái kinh tế mới.
Theo bà Lê Hằng – Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), những leo thang căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang làm thay đổi lớn dòng chảy thương mại toàn cầu, đặc biệt trong ngành thủy sản.
Là quốc gia sản xuất và xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ mất thị phần nghiêm trọng tại Mỹ. Số liệu cho thấy, năm 2024, xuất khẩu thủy sản Trung Quốc sang Mỹ chỉ còn 354.900 tấn, giảm gần 14% so với 700.000–900.000 tấn năm 2023. Nếu xu hướng này kéo dài, đến năm 2028, giá trị xuất khẩu của Trung Quốc có thể giảm còn 9,2 tỷ USD – tức mất 1/4 giá trị so với năm 2023 (11,6 tỷ USD).

Để đối phó, Trung Quốc đang tích cực mở rộng sang các thị trường khác. Trong năm 2024, hơn 50% giá trị thương mại thủy sản Trung Quốc đến từ các quốc gia trong sáng kiến “Vành đai và Con đường”, bao gồm Đông Nam Á, Ấn Độ và một số nước châu Phi. Đồng thời, các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc và EU cũng sẽ được đẩy mạnh, đặc biệt với các sản phẩm giá trị cao như tôm và cua. Ngoài ra, Trung Quốc có thể đẩy mạnh tiêu thụ nội địa qua giảm giá và tăng phân phối.
Đáng lưu ý, theo VASEP, Trung Quốc có thể lợi dụng cơ chế tái xuất qua nước thứ ba, như Việt Nam, Malaysia, Thái Lan để chế biến, gắn nhãn mới nhằm né thuế của Mỹ. Điều này tiềm ẩn nguy cơ hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt, đe dọa nghiêm trọng tới uy tín xuất khẩu của Việt Nam.
Với thị trường mới nổi, các nước Nam Mỹ và Trung Đông cũng là lựa chọn tiềm năng để Trung Quốc phân tán lượng hàng dư thừa.
Tác động đến thương mại thế giới, khu vực và Việt Nam
Đánh giá tác động đến dòng chảy thương mại thế giới, khu vực và Việt Nam, bà Lê Hằng cho rằng, sự dịch chuyển mạnh mẽ của Trung Quốc sẽ làm biến động thị trường nguyên liệu thủy sản. Khi Trung Quốc giảm nhập khẩu, các nhà cung cấp lớn như Ấn Độ, Ecuador và Việt Nam sẽ cạnh tranh khốc liệt hơn để giữ thị phần tại Mỹ và EU.
Đối với Việt Nam, đây là cơ hội để mở rộng thị phần tại Mỹ – thị trường chiếm khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam (1,8–2 tỷ USD/năm). Trong bối cảnh người tiêu dùng Mỹ vẫn duy trì nhu cầu ổn định với các sản phẩm như tôm, cá tra, cá ngừ, đây là thời điểm thuận lợi để Việt Nam gia tăng xuất khẩu.
Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh từ Trung Quốc tại các thị trường lớn khác như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc – nơi Việt Nam đang có tỷ trọng xuất khẩu lần lượt là 15–17% và 14–15% – sẽ tăng lên rõ rệt. Trung Quốc có thể bán phá giá để giành lại thị phần, đẩy Việt Nam vào thế khó về giá cả và lợi nhuận.
Theo Giám đốc Truyền thông của VASEP, để tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro, ngành thủy sản Việt Nam cần tăng cường xuất khẩu sang Mỹ. Trong đó, tập trung vào các sản phẩm chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ và chế biến giá trị gia tăng để lấp khoảng trống Trung Quốc để lại. Đàm phán với Mỹ để tránh thuế chống bán phá giá, cung cấp dữ liệu minh bạch về nguồn gốc và giá thành.
Chuyển hướng và đa dạng thị trường, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ hoặc Trung Quốc. Đẩy mạnh xuất khẩu sang EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, qua các FTA (EVFTA, CPTPP, RCEP) để giảm phụ thuộc vào Mỹ. Ví dụ, tôm Việt Nam vào EU được miễn thuế, trong khi hàng Trung Quốc chịu 12-20%. Khai thác thị trường mới như Trung Đông, Nam Mỹ để phân tán rủi ro.
Cùng đó, căng cường kiểm soát hải quan, kiếm soát xuất xứ, minh bạch truy xuất nguồn để bảo đảm thủy sản xuất khẩu là 100% từ Việt Nam. Hợp tác với Mỹ để giám sát chuỗi cung ứng, tránh bị nghi ngờ lẩn tránh thuế. Phát triển chuỗi cung ứng bền vững để giảm chi phí và tăng năng lực cạnh tranh.
Nâng cao chất lượng và thương hiệu bằng việc đầu tư vào công nghệ chế biến, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế để tạo sự khác biệt với hàng Trung Quốc. Xây dựng thương hiệu “thủy sản Việt Nam” gắn với bền vững, sạch và minh bạch.
Có thể nói, trong bối cảnh bất ổn toàn cầu gia tăng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là phép thử lớn cho năng lực thích ứng của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Cơ hội đang mở ra, nhưng chỉ những doanh nghiệp biết “đi tắt, đón đầu” bằng công nghệ, chất lượng và chiến lược thị trường khôn ngoan mới có thể tận dụng và bứt phá bền vững.
End of content
Không có tin nào tiếp theo