Hỗ trợ doanh nghiệp

Cuộc đua trên thị trường giao đồ ăn trực tuyến

Thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam tuy còn mới song khá sôi động và là một trong những 'miếng bánh ngon' mà nhiều công ty đang nhắm đến.

Tuần qua, mô hình GrabKitchen gồm nhiều quầy bán thức ăn khác nhau đã được công ty công nghệ Grab triển khai tại TP.HCM. 12 gian hàng hiện có ở đây đều là của 12 đối tác nhà bán sẵn có của Grab trong dịch vụ đặt đồ ăn GrabFood. Tuy nhiên, đây đều là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, không đủ năng lực mở rộng các cửa hàng offline để phục vụ nhu cầu của các địa bàn mới.

Từ đây, Grab sẽ lựa chọn nhà bán và địa điểm để mở GrabKitchen dựa trên phân tích dữ liệu đặt đồ ăn sẵn có. Toàn bộ chi phí cho cơ sở hạ tầng đều do hãng công nghệ này đầu tư, giúp các nhà bán có thể tiết kiệm đến 80% chi phí so với việc tự mở một cửa hàng.

Cuộc chiến giao đồ ăn trực tuyến đang diễn ra khốc liệt

Một căn bếp chia sẻ gồm nhiều nhà hàng không phải là mô hình quá mới bởi hãng công nghệ Uber từng mở 4.000 điểm bán tại Mỹ hay cách đây 2 năm, Now của Foody cũng từng áp dụng. Hoặc ngay cả chính Grab cũng đã từng mở trước đó ở Indonesia.

Mô hình bếp chia sẻ khá phát triển tại các thị trường châu Á như Nhật, Trung Quốc hay Hàn Quốc. Tại các quốc gia này, lĩnh vực nhà bếp chia sẻ đã có mặt và có sự phát triển vững chắc từ vài năm trở lại đây. Thị trường thuận lợi và những lợi ích lớn mang lại cho các kinh doanh khởi nghiệp không hề nhỏ.

Bài toán lợi nhuận kiểu kiềng 3 chân là một trong những đặc điểm của mô hình kinh tế chia sẻ. Đầu tiên là những nhà hàng. Theo số liệu tại Trung Quốc, khi tham gia căn bếp chia sẻ và nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến, một nhà hàng có thể nhận được khoảng 300 đơn hàng mỗi ngày. Chỉ sau 2 tháng đã có lợi nhuận từ online. Nhanh hơn nhiều so với quãng thời gian hòa vốn sau khi mở một cửa hàng riêng.

Uber cũng chỉ ra, một nhà hàng tại Mỹ sẽ mất khoảng 1 triệu USD chi phí xây dựng và thành lập. Trong khi tham gia căn bếp chia sẻ, chỉ mất khoảng 1/5 số tiền đó là có được thương hiệu gắn liền với Uber.

Đối với nhà cung cấp dịch vụ, như công ty Panda Selected ở Bắc Kinh thu của mỗi nhà hàng 1.400 USD/tháng tiền thuê bếp và dụng cụ nấu ăn. Chưa kể 2.800 USD tiền phí gia nhập. Hay như dịch vụ bếp CloudKitchens của Uber cho phép các cửa hàng và đầu bếp thuê không gian với chi phí khởi điểm khoảng 20.000 USD, chưa kể các nhà cung cấp dịch vụ, các ứng dụng còn được gắn liền tên tuổi với những quán ăn, nhà hàng nổi tiếng. Ngoài việc các nhà cung cấp dịch vụ thu được tiền trực tiếp từ chiết khấu của các hàng ăn thì họ còn thu hút được một lượng lớn người tham gia vào ứng dụng.

Theo Grab, mô hình này giúp người mua có thể đặt nhiều món từ nhiều cửa hàng cùng 1 lúc, mà không sợ chi phí giao hàng tăng lên, vì những món đó đều được nấu ra ở 1 địa điểm là căn bếp chia sẻ. Kể từ năm 2018, sau khi áp dụng mô hình bếp chia sẻ này, thời gian giao đồ ăn tại các khu vực đó đã giảm tới 1/5. Thời gian chính là mấu chốt trong câu chuyện giao đồ ăn nhanh, bởi nhìn ở góc khác của câu chuyện về căn bếp chia sẻ chính là để phục vụ cho một cuộc đua khác - Cuộc đua giao hàng.

Báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á 2019 do nhóm đối tác Google công bố, thị trường gọi xe công nghệ của Việt Nam, trong đó bao gồm dịch vụ giao đồ ăn, hiện đã cán mốc giá trị 1 tỷ USD trong năm nay. Từ giờ đến 6 năm tới, thị trường này sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kép mỗi năm gần 40%, để vươn đến quy mô 4 tỷ USD trong năm 2025.

Rõ ràng thị trường giao đồ ăn trực tuyến là một trong những miếng bánh ngon mà nhiều công ty đang nhắm đến. Theo Công ty nghiên cứu thị trường Statista, năm 2108, doanh thu của thị trường giao đồ ăn trực tuyến là 148 triệu USD, với mức tăng trưởng trung bình là 28,5%/năm. Dự kiến năm 2019, doanh thu sẽ là 207 triệu USD. Số người sử dụng dịch vụ giao thức ăn trực tuyến lên mức là 7 triệu người, tăng khoảng 2 triệu người so với năm ngoái.

Thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam tuy còn mới song khá sôi động và cạnh tranh gay gắt. Đã có những cái tên phải rời khỏi cuộc chơi như Lala hay phải bán mình của Vietnammm cho đối tác Hàn Quốc. Giờ đây, những cái tên đang được nhắc đến nhiều nhất trên thị trường là Now, Grab Food, Go Viet.

Trong đó, theo khảo sát của hãng Kantar, năm 2018, Grab là ứng dụng phổ biến nhất tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM,chiếm khoảng 68% đơn hang. Đứng thứ hai là Now chiếm khoảng 7%. Cuộc đua chiếm lĩnh thị phần này đang hết sức gay gắt khi theo một nguồn tin mới nhất, một công ty chuyên về thương mại điện tử là Shopee sẽ bắt tay với Now. Cú bắt tay được giới quan sát cho là nhằm đối đầu trực tiếp với Grab trong cuộc đua giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam.

Theo PV/VTV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo