Hỗ trợ doanh nghiệp

Đã lấy lại được 4 container hồ tiêu, quế, điều bị lừa đảo tại Dubai

DNVN - Sau gần 3 tháng tích cực làm việc, với sự phối hợp, hợp tác giữa các bên, 4 lô hàng hồ tiêu, quế, điều của doanh nghiệp Việt Nam bị lừa đảo tại Dubai đã lấy lại được.

“Làn gió mới” mang lại niềm vui cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp / Triển khai hiệu quả Nghị quyết 41 xây dựng cộng đồng doanh nghiệp hùng mạnh

Ngày 15/7/2023, sau khi nhận được báo cáo của một số doanh nghiệp bị lừa đảo 5 container hàng hóa hồ tiêu, quế, điều và hoa hồi tại Dubai, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPA) đã phối hợp cùng Hiệp hội Điều Việt Nam và các doanh nghiệp, ngân hàng, hãng chuyển phát nhanh, hãng tàu tổng hợp thông tin và báo cáo sự việc kể cả kiến nghị lên các cơ quan Chính phủ, các bộ, ngành, Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại UAE, Đại sứ quán UAE tại Hà Nội và các cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình.

Sau gần 3 tháng tích cực làm việc, với sự phối hợp, hợp tác giữa các bên, trong 2 ngày 10-12/10 vừa qua, Ngân hàng Ajman Bank (UAE) đã hoàn trả lại tiền cho các doanh nghiệp.

Tổng số tiền các doanh nghiệp đã được hoàn trả cho 4 lô hàng là hơn 354.990 USD trên tổng số 355.232 USD tổng giá trị lô hàng.


Ảnh minh hoạ.

Với 1 lô hàng hoa hồi hiện đang nằm tại cảng Jebel Ali từ ngày 26/7/2023, doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục làm việc với ngân hàng Ajman Bank và yêu cầu thanh toán toàn bộ chi phí phát sinh gồm phí kho bãi, phí luật sư, chi phí đưa hàng về lại cảng đi (Hải Phòng)…

Ước tính đến thời điểm ngày 11/10/2023, chi phí phát sinh đã lên tới gần 70 ngàn USD và giá trị lô hàng còn phải thu là 114.639 USD. VPA sẽ tiếp tục báo cáo và cập nhật tình hình vụ việc trong những ngày tiếp theo.

Theo VPA, kết quả có được ngày hôm nay không thể không nhắc đến sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, vai trò đầu mối của Bộ Ngoại giao cùng với sự hỗ trợ, hợp tác của các bộ ngành liên quan gồm: Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ NN&PTNT, Bộ GTVT Bộ Tư pháp, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại UAE.

Thay mặt các doanh nghiệp, VPA gửi lời cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, các cơ quan ngoại giao của Việt Nam và của UAE đã tích cực hỗ trợ và hợp tác giúp bảo vệ lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trên tinh thần gìn giữ và xây dựng quan hệ và hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và UAE ngày càng phát triển bền vững. Hiệp hội cũng cảm ơn các cơ quan báo chí, đài truyền hình đã kịp thời đưa tin về vụ việc.

Thông qua vụ việc này, VPA cũng lưu ý các doanh nghiệp cần cẩn trọng hơn nữa trong việc đàm phán, lựa chọn xác minh đối tác, ký kết các điều khoản thanh toán và hợp đồng để không lặp lại các vụ việc tương tự đáng tiếc lần sau.

Trước đó, như tin đã đưa, tháng 6/2023, 4 doanh nghiệp Việt Nam đã giao 5 container hàng cho một công ty tại Dubai, Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). 5 container gồm: 2 container hồ tiêu, 1 container quế, 1 container hoa hồi và 1 container điều.

Trong đó, 4 lô hàng hồ tiêu, quế, điều đã bị lấy ra khỏi cảng mà chưa thanh toán với tổng trị giá khoảng 400.000 USD. Còn 1 lô hàng hoa hồi dự kiến cập cảng ngày 26/7/2023 trị giá 126,3 ngàn USD.

Người mua hàng là công ty Bab Al Rehab Foodstuff Trading LLC (BARFT) có địa chỉ tại Dubai, UAE.

Các doanh nghiệp ký với khách hàng theo hình thức nhờ thu hộ D/P. Các ngân hàng Việt Nam dùng dịch vụ DHL chuyển phát bộ chứng từ gốc tới ngân hàng Ajman Bank và nhân viên ngân hàng Ajman Bank đã xác nhận ký nhận thành công 05 bộ chứng từ.

Tuy nhiên, sau đó không rõ vì lý do gì các bộ chứng từ gốc không còn lưu tại ngân hàng Ajman nên các ngân hàng Việt Nam đã liên tục yêu cầu ngân hàng Ajman thanh toán.

Nhận thấy sự trì hoãn, chây ỳ từ phía cả ngân hàng và người mua nên các công ty xuất khẩu Việt Nam đã kiểm tra trên hệ thống hãng tàu thì phát hiện cả 4 container hàng đều đã biến mất khỏi cảng. Khi phát hiện vụ việc hàng đã được lấy ra khỏi cảng, người mua không liên hệ được và nay công ty cũng đã đóng cửa tại trụ sở đăng ký.

Vì vậy, các công ty đã yêu cầu ngân hàng Việt Nam đòi ngân hàng Ajman trả lại bộ chứng từ gốc và liên tục có điện truy vấn, kể cả qua các hình thức khác là email và điện thoại trực tiếp.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm