Hỗ trợ doanh nghiệp

Đầu tư vào Myanmar: Doanh nghiệp Việt cần chủ động thích ứng

DNVN - Doanh nghiệp Việt muốn đầu tư, kinh doanh tại Myanmar cần am hiểu chính sách và chủ động thích ứng với môi trường tại đây. Bởi, thị trường hiện vẫn duy trì chế độ cấp phép xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa còn chậm nên những mặt hàng có thời hạn sử dụng ngắn thường gặp rất nhiều bất lợi, giảm sức cạnh tranh so với các đối thủ...

Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tư vấn về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp / Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, hỗ trợ về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp

Đó là ý kiến của bà Võ Thị Ngọc Diệp - Tham tán thương mại Việt Nam tại Myanmar chia sẻ ở hội thảo “Triển vọng của thị trường Myanmar trong giai đoạn hội nhập” vừa diễn ra tại TP.HCM.

Cánh cửa ngày càng rộng mở

Từ khi thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện vào tháng 8/2017, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Myanmar ngày càng tăng trưởng tích cực. Đến nay, Việt Nam hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn của Myanmar.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2018, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 860 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Myanmar 702,1 triệu USD, nhập khẩu từ Myanmar 157,8 triệu USD. Trong 9 tháng/2019 kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Myanmar đạt 708 triệu USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Myanmar 533,1 triệu USD, nhập khẩu từ Myanmar 174,9 triệu USD.

Xuất khẩu hồ tiêu qua thị trường Myanmar ngày càng tăng trưởng.

Xuất khẩu hồ tiêu qua thị trường Myanmar ngày càng tăng trưởng.

Thị trường Myanmar tiềm năng đối với các nhóm, mặt hàng và dịch vụ từ Việt Nam như: sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, sản phẩm và thiết bị điện, xe máy và xe đạp, thực phẩm và nguyên liệu chế biến thực phẩm, hàng điện tử và điện gia dụng, xây dựng, công nghệ thông tin, viễn thông…

Thống kê từ Tổng vụ Đầu tư và Quản lý doanh nghiệp Myanmar cho thấy, tính đến nay Việt Nam đứng thứ 7 trong số 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Myanmar với tổng vốn đăng ký trên 2,16 tỷ USD cho 25 dự án.

Trong đó 16 dự án sản xuất, 1 dự án dầu khí, 1 dự án khách sạn và du lịch; 1 dự án khai khoáng, 1 dự án chăn nuôi và thủy sản, 3 dự án giao thông và truyền thông, 2 dự án khác. Đến nay, đã có hơn 200 doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh và đầu tư tại Myanmar dưới nhiều hình thức.

 

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Tại hội thảo, ông Phạm Thiết Hòa - Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC), cho biết từ năm 2011 đến nay, ITPC đã hỗ trợ doanh nghiệp từng bước thâm nhập thị trường và phát triển hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Myanmar.

ITPC đã liên tục cập nhật thông tin về thị trường, kinh tế, thương mại, thủ tục hành chính, thuế... cho doanh nghiệp thông qua việc phát hành Thông tin thị trường và Cẩm nang thương mại tại Myanmar; tổ chức hơn 20 hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ, hội thảo, hội nghị; tổ chức các đoàn khảo sát thị trường tại Yangon, Mandalay, Naypidaw, Bago...

 

Giám đốc ITPC cho biết các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư vào Myanmar của TP.HCM sẽ tiếp tục đi vào chiều sâu, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển quan hệ kinh tế giữa hai nước.

"Myanmar vẫn là thị trường đầy tiềm năng, rất hấp dẫn và phù hợp với năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp TP.HCM nói riêng", ông Hòa cho hay.

Doanh nghiệp cần thích ứng môi trường kinh doanh

Nhiều chuyên gia nhận định, trước tiềm năng đẩy mạnh giao thương của hai nước Việt Nam – Myanmar sẽ điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh và mở rộng thị trường xuất khẩu tại Myanmar.

Ngành hàng dệt may của Việt Nam ngày càng xuất khẩu nhiều vào thị trường Myanmar

Ngành hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu ngày càng nhiều vào thị trường Myanmar.

 

Tại hội thảo, bà Võ Thị Ngọc Diệp - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Myanmar cho biết, đầu tư hoặc kinh doanh tại Myanmar đang có những thuận lợi vì sản xuất của Myanmar còn yếu và thiếu, nhiều lĩnh vực hàng hóa còn nhiều dư địa phát triển; chưa có rào cản kỹ thuật cao đối với hàng hóa nhập khẩu; sản phẩm nhập khẩu ưu đãi về thuế trong nội khối và với các đối tác ASEAN; có những nét tương đồng về văn hóa và quá trình, điều kiện để phát triển đất nước.

“Đặc biệt, những thương hiệu Việt Nam đi tiên phong tại thị trường Myanmar đều có những sản phẩm chất lượng tốt, chiếm trọn niềm tin người tiêu dùng Myanmar như Lioa, Hanvico, Hoàng Anh Gia Lai, BIDV, Vietnam Airlines… đã góp phần tạo nên tâm lý ưa chuộng, có thiện cảm với sản phẩm Việt Nam”, bà Võ Thị Ngọc Diệp nói.

Tuy nhiên, theo bà Diệp, ở chiều ngược lại, thị trường Myanmar không phải không có khó khăn. Cụ thể, Myanmar vẫn duy trì chế độ cấp phép xuất nhập khẩu; thông quan hàng hóa còn chậm nên những mặt hàng có thời hạn sử dụng ngắn, gặp rất nhiều bất lợi, giảm sức cạnh tranh so với các đối thủ.

Theo bà Diệp, để đầu tư vào thị trường Myanmar thì DN Việt cần tìm hiểu kỹ hệ thống luật pháp và chủ động thích ứng môi trường kinh doanh tại đây.

Theo bà Diệp, để đầu tư vào thị trường Myanmar thì DN Việt cần tìm hiểu kỹ hệ thống luật pháp và chủ động thích ứng môi trường kinh doanh tại đây.

 

Ngoài ra, đại đa số người dân Myanmar có mức thu nhập thấp, khó để tiếp cận với các sản phẩm chất lượng vừa và cao; thói quen, hành vi mua sắm của người dân chỉ quan tâm đến giá rẻ.

Mặt khác, hệ thống luật pháp Myanmar chưa được hoàn thiện, nhiều vấn đề phải giải quyết và cập nhật theo tình hình thực tế phát sinh; nhiều bộ luật, luật đã lỗi thời, không cập nhật với tình hình phát triển và diễn biến hiện tại trong nước; các kênh tiếp cận thông tin pháp luật còn hạn chế; chính quyền địa phương đôi khi chưa nắm rõ quy định của chính quyền trung ương nhằm hướng dẫn doanh nghiệp thực thi, triển khai…

Theo bà Diệp, doanh nghiệp Việt muốn đầu tư, kinh doanh tại Myanmar cần am hiểu chính sách và chủ động thích ứng. Luật đầu tư của Myanmar có một số ưu đãi về thuế, như miễn thuế thu nhập từ 3, 5 hay 7 năm tùy thuộc vào khu vực, vùng đầu tư, miễn thuế nhập khẩu và các loại thuế nội địa đối với nhập khẩu máy móc, thiết bị và vật liệu xây dựng không thể mua được tại thị trường nội địa trong giai đoạn xây dựng, miễn thuế nhập khẩu và các loại thuế nội địa đối với nguyên phụ liệu dùng để sản xuất xuất khẩu; hoàn thuế nhập khẩu và các loại thuế nội địa đối với nguyên phụ liệu và bán thành phẩm nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu.

“Trong bối cảnh Myanmar đang tái cơ cấu nền kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh tại đây sẽ gặp những gian nan, nhưng nếu ‘bền chí’, ‘cắm chốt’ được tại đây thì sẽ có nhiều cơ hội để tạo dựng thương hiệu và thành công khi thời gian tới sẽ là chu kỳ phát triển của Myanmar”, bà Diệp nói.

 

Ông Đặng Hải Nhã - Tổng Giám đốc Chi nhánh BIDV Yangon, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar (VBCM) lưu ý, Myanmar hiện vẫn hạn chế hoạt động thương mại đối với doanh nghiệp nước ngoài, ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ như nhà thầu dự án và doanh nghiệp kinh doanh phân phối bán buôn, bán lẻ.

Vì vậy, doanh nghiệp cần lưu ý phải tiếp cận thị trường thông qua đối tác nhập khẩu bản địa, kiểm soát giá bán, chính sách marketing, quảng bá sản phẩm. Các loại hình doanh nghiệp nước ngoài được thành lập tại Myanmar là công ty con, công ty liên doanh, chi nhánh, văn phòng đại diện... Doanh nghiệp cần lưu ý các ưu điểm, nhược điểm về thuế theo quy định của pháp luật Myanmar và Việt Nam đối với từng loại hình nêu trên.

“Nguyên tắc tiếp cận thị trường Myanmar là phải tìm hiểu kỹ thông tin và lường trước các vấn đề phát sinh, kiên trì, bền bỉ và chuyên nghiệp, gặp mặt trực tiếp để giới thiệu hàng mẫu, hiểu và tôn trọng văn hóa, tập quán của Myanmar; lựa chọn đối tác bản địa phù hợp và có năng lực, thiện chí hợp tác, kiểm soát được điều kiện thanh toán và quản lý tiền hàng - ông Đặng Hải Nhã chia sẻ thêm.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm