Hỗ trợ doanh nghiệp

Đề xuất miễn lệ phí môn bài: Giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài, lấy ý kiến người dân và doanh nghiệp.

Việc miễn lệ phí môn bài sẽ giảm chi phí đầu vào cho DN.

Theo đó, dự kiến sẽ miễn lệ phí môn bài đối với một số trường hợp, góp phần nâng cao thứ hạng trong các xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của quốc gia; giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp (DN) và người dân.

DN mới kinh doanh được miễn lệ phí

Theo đó, tại dự thảo nghị định, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ miễn lệ phí đối với cơ sở kinh doanh mới thành lập; miễn lệ phí môn bài trong thời gian 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu và miễn lệ phí môn bài đối với cơ sở giáo dục đào tạo công lập.

Theo ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội, thời gian gần đây, Bộ Tài chính không những đơn giản hóa, cải cách hành chính mà còn thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ thuế, phí cho DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ, cũng như các DN mới chuyển đổi từ hộ gia đình. Mặc dù NSNN có giảm thu nhưng cái được lớn hơn là tác động tích cực đến người dân và DN. Việc miễn lệ phí môn bài vừa tiết giảm chi phí vừa giảm thời gian thực hiện các thủ tục cho DN.

Theo quy định hiện hành, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình đang kinh doanh hoặc mới thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số DN trong thời gian của 6 tháng đầu năm thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm; nếu thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số DN trong thời gian 6 tháng cuối năm thì nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.

Trên cơ sở nhận được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ bổ sung quy định miễn lệ phí đối với cơ sở mới thành lập và hoạt động. Theo đó, các trường hợp miễn phí sẽ bao gồm: “Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình mới ra hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc mới thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh trong năm đầu tiên (từ ngày 1/1 đến 31/12 năm khởi sự kinh doanh)”.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất miễn lệ phí môn bài trong thời gian 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu. Đây là quy định phù hợp với Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, nhằm hỗ trợ đối tượng DN này và hộ kinh doanh vừa chuyển thành DN.

Về miễn lệ phí môn bài đối với cơ sở giáo dục đào tạo công lập, theo Bộ Tài chính, hiện nay, đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập đang được Nhà nước đầu tư về cơ sở vật chất (đất đai, nhà cửa) và hoạt động chủ yếu bằng kinh phí do ngân sách nhà nước (NSNN) cấp và một phần từ nguồn thu qua học phí theo quy định để thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ giáo dục cho xã hội. Dịch vụ giáo dục do các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp đang thực hiện theo mức giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, chưa tính đầy đủ chi phí theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 9 và khoản 1 Điều 10 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Như vậy, đa số các cơ sở giáo dục công lập đang hoạt động hiện nay đều không nhằm mục đích sinh lời.

Thực tế hiện nay các địa phương chưa thực hiện thu lệ phí, vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ quy định: miễn lệ phí môn bài đối với các trường phổ thông trung học, trung học cơ sở, tiểu học và mẫu giáo (bao gồm cả công lập và ngoài công lập).

Giảm chi phí đầu vào cho DN

Theo Bộ Tài chính, các đề xuất tại dự thảo nghị định nhằm nâng xếp hạng chỉ số khởi sự DN; nâng cao thứ hạng trong các xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và góp phần tăng nhanh về số lượng DN mới thành lập. Việc miễn lệ phí môn bài sẽ làm giảm chi phí đầu vào cho DN và người dân; bảo đảm tính hợp lý, tính khả thi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành và áp dụng trong thực tế.

Qua thống kê cho thấy, tổng số thu lệ phí môn bài năm 2017 là hơn 2.004 tỷ đồng (khoảng hơn 1,3 triệu tổ chức, cá nhân, hộ gia đình), trong đó số thu lệ phí môn bài đối với số thành lập mới là 188 tỷ đồng (khoảng 142.810 tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thành lập mới). Năm 2018 tổng số thu lệ phí môn bài là hơn 2.303 tỷ đồng ( hơn 1,4 triệu tổ chức, cá nhân, hộ gia đình), trong đó số thu lệ phí môn bài đối với số tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thành lập mới là 204,4 tỷ đồng (147.209 tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thành lập mới). Số thu này không bao gồm 37.300 tổ chức chuyển từ hộ kinh doanh sang DN nhỏ và vừa (tương đương khoảng 28% số lượng tổ chức tham gia khởi sự năm 2018).

Bộ Tài chính tính toán, nếu số lượng tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia khởi sự trong năm 2019 tương đương với năm 2018, thì với quy định miễn lệ phí môn bài đối với trường hợp tổ chức mới ra hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc mới thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh trong năm đầu tiên, dự kiến số thu NSNN từ lệ phí môn bài giảm khoảng 200 tỷ đồng.

Theo ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội, thời gian gần đây, Bộ Tài chính không những đơn giản hóa, cải cách hành chính mà còn thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ thuế, phí cho DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ, cũng như các DN mới chuyển đổi từ hộ gia đình. Mặc dù NSNN có giảm thu nhưng cái được lớn hơn là tác động tích cực đến người dân và DN. Việc miễn lệ phí môn bài vừa tiết giảm chi phí vừa giảm thời gian thực hiện các thủ tục cho DN.

Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ đề ra mục tiêu về cải thiện môi trường kinh doanh, phấn đấu nâng xếp hạng chỉ số Khởi sự doanh nghiệp lên 20 – 25 bậc, năm 2019 phải tăng ít nhất 5 bậc. Theo Báo cáo Doing Business 2019, thủ tục Khởi sự kinh doanh của Việt Nam đứng thứ 104 trên tổng số 190 nền kinh tế, bao gồm 8 thủ tục thực hiện trong 17 ngày, trong đó có thủ tục nộp lệ phí môn bài (Nghị định số 139/2016/NĐ-CP). Do đó, nếu miễn lệ phí môn bài cho một số đối tượng DN, sẽ góp phần cải thiện chỉ số này.

Theo Minh Anh/Thời báo Tài chính Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo