Diễn đàn hợp tác - liên kết và phát triển doanh nghiệp khu vực phía Bắc năm 2018
Doanh nghiệp phải làm gì để giảm thiểu gian lận kinh tế? / Hỗ trợ các DNNVV Việt Nam qua phát triển nền tảng cho vay kỹ thuật số
Tham dự diễn đàn có hơn 500 đại biểu lãnh đạo một số Bộ, ngành, cơ quan đoàn thể trung ương; lãnh đạo Hiệp hội DNN&VVN; đại diện lãnh đạo các tỉnh, sở, ban ngành liên quan của tỉnh Quảng Ninh; trong đó là hơn 200 đại biểu doanh nghiệp, nhà đầu tư thuộc Hiệp hội/Hội doanh nghiệp 25 tỉnh, thành phố phía Bắc.
Với chủ đề “Tăng cường vai trò của hiệp hội doanh nghiệp trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững”, diễn đàn là cơ hội để các doanh nghiệp học hỏi lẫn nhau, tìm kiếm thị trường, đầu tư tại Quảng Ninh; phát huy tiềm năng, lợi thế của mình, thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế bền vững và mối liên kết giữa tập đoàn kinh tế lớn với doanh nghiệp nhỏ và vừa để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của địa phương, đất nước. Mặt khác, thông qua chỉ đạo, Hiệp hội phát huy sức mạnh chia sẻ, đoàn kết, thống nhất tư tưởng hành động để xây dựng thành khối vững mạnh.
Toàn cảnh hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Đại Thắng - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết năm 2018 là dấu mốc quan trọng với ba yếu tố chính tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp. Thứ nhất, đây là năm đầu triển khai Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII với 3 Nghị quyết về doanh nghiệp trong đó, Nghị quyết số 10 là quan trọng nhất về việc thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, đổi mới sáng tạo, nâng cao nguồn nhân lực. Thứ hai, với Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 35 là minh chứng rõ nét sự quan tâm của Nhà nước để xây dựng về nâng cao hiệu quả kinh doanh. Thứ ba, sau gần 20 năm, bộ Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được thông qua năm 2017 đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 với 3 tiêu chí trọng tâm định hướng cho doanh nghiệp: chuyển từ hộ gia đình, cá nhân kinh doanh sang thành lập doanh nghiệp; chương trình khởi nghiệp sáng tạo; thực hiện cụm liên kết, chuỗi liên kết các doanh nghiệp với nhau.
Với thực tiễn này, ông Vũ Đại Thắng đề nghị: “Hiệp hội hỗ trợ, thúc đẩy kết nối liên kết doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; Hiệp hội có giải pháp tiếp nhận, triển khai dịch vụ công; Nghiên cứu, thảo luận, chủ động đổi mới, hỗ trợ doanh nghiệp thành viên để đến năm 2020 đạt 1 triệu doanh nghiệp trên cả nước”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Huy Hậu phát biểu tại diễn đàn.
Tiếp nối những vấn đề liên quan đến việc đồng lòng chung sức hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Huy Hậu khẳng định, những năm qua tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp thể hiện trong việc đầu tư kết nối hạ tầng với các công trình giao thông trọng điểm từ đường bộ, đường sắt, đường thủy đến đường hàng không. Tiêu biểu tỉnh đã xây dựng tuyến đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, sắp hoàn thành cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, chuẩn bị khởi công tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái; tháng 12 tới đây sẽ đưa Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn vào hoạt động và khánh thành Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai. Bên cạnh đó, tỉnh cũng từng bước hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin; xây dựng hệ thống chính quyền điện tử… Với sự nỗ lực của của toàn thể hệ thống chính trị của tỉnh, môi trường thu hút đầu tư kinh doanh của tỉnh đã có sự cải thiện rõ rệt, năm 2017 Quảng Ninh là tỉnh đứng vị trí thứ nhất toàn quốc trong bảng xếp hạng PCI…
Không chỉ xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tỉnh còn tích cực tham gia gỡ khó cho doanh nghiệp thông qua các hoạt động như: Hàng tháng UBND tỉnh làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh để nắm bắt tình hình doanh nghiệp; hằng quý lãnh đạo tỉnh tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp…Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu năm 2018 đạt 40 nghìn tỷ thu ngân sách và đến năm 2020 có 22 nghìn doanh nghiệp thành lập trên địa bàn.
Lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp địa phương ký giao kết thực hiện nghị quyết diễn đàn.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã tham luận những vấn đề liên quan đến sự phát triển của DNNVV như: Hỗ trợ của chính quyền với các hiệp hội, doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh các tỉnh; chính sách hỗ trợ DNNVV; một số chương trình dự án khoa học công nghệ cụ thể hỗ trợ cho DNNV; xây dựng mô hình bản đồ sinh thái doanh nghiệp; tăng cường vai trò của hiệp hội doanh nghiệp trong hỗ trợ DNNVV; ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh và nhận diện thương hiệu cho doanh nghiệp...
Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Ninh trao cờ luân lưu cho Hiệp hội Doanh nghiệp Phú Thọ đăng cai diễn đàn lần thứ XII.
Trong những ý kiến tham luận của các đại biểu, bà Phạm Thị Lý – Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE) chia sẻ: “IDE đã phát minh sáng chế thành công “Quy trình xác thực chống hàng giả” trở thành giải pháp minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa, quản trị doanh nghiệp, quản trị dòng hàng và bảo vệ người tiêu dùng. Thành tựu của sáng chế đã được Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” áp dụng thực hiện “Chương trình bảo vệ thương hiệu hàng hóa Việt Nam thường niên trên toàn quốc” từ năm 2015 đến nay”.
Tại diễn đàn đã thông qua nội dung nghị quyết và ký giao kết thực hiện nghị quyết diễn đàn; trao cờ luân lưu cho Hiệp hội Doanh nghiệp Phú Thọ đăng cai diễn đàn lần thứ XII.
End of content
Không có tin nào tiếp theo