Hỗ trợ doanh nghiệp

Điều kiện "không có nợ xấu" là rào cản lớn khi doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ 26.000 tỷ

DNVN - Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 ập đến khiến hàng triệu doanh nghiệp (DN), người lao động rơi vào cảnh kiệt quệ. Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng được xem là "phao cứu sinh" cho DN. Song nhiều DN vẫn không mặn mà, bởi lẽ nếu không cụ thể hóa điều kiện và thủ tục hành chính hơn nữa thì DN sẽ rất khó tiếp cận gói vay như những gói hỗ trợ trước đây.

Chỉ đạo hỏa tốc: Người đi và đến TP.HCM bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 / Ưu tiên đặc biệt cho phương tiện chở hàng thiết yếu cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam

Nhà nước cam kết giảm thủ tục, điều kiện tối đa

Theo đánh giá của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), dịch COVID-19 tái bùng phát lần 4 đã tác động mạnh đến nhiều ngành, nghề, khu vực, nhóm lao động chủ yếu, số lượng người có việc làm phi chính thức gia tăng do nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh đã buộc phải ngừng hoạt động thời gian dài.

Cụ thể, gần 70.000 doanh nghiệp trên cả nước đã đóng cửa, tạm dừng hoạt động hoặc giải thể chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020.

Doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng ngưng hoạt động nhiều nhất chiếm gần 91%, quy mô 10-20 tỷ đồng là 5%, và doanh nghiệp quy mô 50 - 100 tỷ đồng gần 1%. Ngoài ra, gần 200 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng cũng tạm ngừng kinh doanh, tăng 44,3% so với năm 2020.

Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong 3 tháng đầu năm 2021 gần 1,2 triệu người, mặc dù giảm 60.100 người so với quý trước nhưng tăng 136.800 người so với cùng kỳ năm trước. Đại dịch đã làm tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị tăng cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 10 năm qua.

Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Nhà nước sẽ giúp doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất.

Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Nhà nước sẽ giúp doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất.

Đứng trước tình hình khó khăn này, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 68 đưa ra 12 chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do đại dịch. Gói hỗ trợ lần này có giá trị khoảng 26.000 tỷ đồng với lãi suất 0%, trong đó có 7.500 tỷ đồng sẽ dành cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

So với gói 62.000 tỷ đồng trước kia, chính sách mới bỏ điều kiện chứng minh doanh thu hoặc tài chính doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng lần này có nhiều điểm mới so với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng năm 2020, đó là giản lược đến 2/3 thủ tục, điều kiện, đơn giản, thông thoáng nhất. Tuy vậy, không ít doanh nghiệp bày tỏ băn khoăn, e ngại, không mặn mà với gói hỗ trợ lần này. Vì sao lại như vậy?

Điều kiện "không có nợ xấu" sẽ là rào cản lớn cho doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ

Đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, trong bối cảnh dịch diễn biến ngày càng phức tạp, gói hỗ trợ lần này càng được đặt nhiều kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn. Thế nhưng, cơ quan chức năng phải cụ thể hóa chính sách hơn nữa thì doanh nghiệp mới có thể tiếp cận được.

Chia sẻ với Doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Văn Nhật, Giám đốc Công ty Cơ khí Nhật Nam (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) cho biết, thời điểm sau Tết Nguyên đán hàng năm, doanh nghiệp thường đẩy mạnh sản xuất để trả đơn hàng cho các đối tác. Nhưng từ năm ngoái, tình hình trở nên rất khó khăn. Dịch bệnh khiến cho các đơn hàng giảm, trong khi đó, các chi phí như nhân công lao động, tiền thuê nhà xưởng vẫn phải duy trì.

Sau đó, Chính phủ đã triển khai các giải pháp về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế. Về vấn đề vay vốn, các yêu cầu, quy định trong gói 62.000 tỷ đồng năm ngoái rất “ngặt nghèo” do đó công ty của ông Nhật vẫn rất khó tiếp cận.

Các doanh nghiệp cho rằng, tuy điều kiện được nới lỏng hơn gói 62.000 tỷ đồng nhưng để đến được tay các doanh nghiệp cũng không phải đơn giản.

Các doanh nghiệp cho rằng, tuy điều kiện gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng được nới lỏng hơn gói 62.000 tỷ đồng nhưng để đến được tay các doanh nghiệp cũng không phải đơn giản.

Nói về gói 26.000 tỷ đồng lần này, ông Nhật cho rằng, tuy điều kiện được nới lỏng hơn gói 62.000 tỷ đồng nhưng để đến được tay các doanh nghiệp cũng không phải đơn giản. “Trong gói hỗ trợ này chỉ có 7.500 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, trong khi đó số doanh nghiệp, hộ kinh doanh là vô cùng lớn. Nên việc tiếp cận gói hỗ trợ này càng khó khăn hơn đợt trước. Không chỉ vậy, với những doanh nghiệp nhỏ như công ty của tôi lại gần như không thể tiếp cận được gói hỗ trợ bởi lẽ có quá nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp, vừa làm mất thời gian của doanh nghiệp mà lại không giải quyết được vấn đề gì”, ông Nhật nói.

Bên cạnh đó, theo ông Nhật, các chính sách, tiêu chuẩn để tiếp cận được gói hỗ trợ hơi cứng nhắc và thiếu linh hoạt nên không phù hợp. Ví dụ, như điều kiện để được tiếp cận khoản vay này thì doanh nghiệp không có nợ xấu của ngân hàng.

“Theo tôi, quy định này là bất hợp lý, bởi lẽ gần 2 năm dịch bệnh bùng phát, doanh nghiệp cứ mở lại đóng, chưa kịp khôi phục đợt này lại bùng phát đợt mới, trong bối cảnh không có nguồn thu, chúng tôi buộc phải vay ngân hàng, việc “không có nợ xấu” là vô cùng khó”, ông Nhật cho biết.

Tương tự, ông Nguyễn Minh Nam, Tổng Giám đốc Công ty bất động sản DTT (trụ sở tại quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) cho biết, cũng như nhiều công ty khác, doanh nghiệp của ông cũng không tránh khỏi “cơn bão” COVID-19. Nhiều mảng hoạt động của công ty như dịch vụ, du lịch, bất động sản cho thuê…gần như đóng băng hoàn toàn. Nhân sự buộc phải cắt giảm hơn 50%.

Theo ông Nam, chính sách hỗ trợ của gói 26.000 tỷ đồng của Chính phủ là thực sự cần thiết và nhân văn, có thể gọi là “phao cứu sinh” tạm thời nhằm giảm bớt một phần gánh nặng, khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, dù điều kiện của gói 26.000 tỷ đông đã được nới lỏng trong các khâu thủ tục nhưng đạt được các tiêu chí là "không có nợ xấu" tại ngân hàng để được nhận hỗ trợ là rất khó.

"Rất nhiều doanh nghiệp rất mong chờ được nhận ưu đãi vay lãi suất 0% để giúp đỡ người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, để được vay, doanh nghiệp không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn, đây có thể là rào cản lớn nhất của doanh nghiệp chúng tôi. Thực tế, số doanh nghiệp không có nợ xấu là rất hiếm. Tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài gần 2 năm qua đã khiến phần lớn doanh nghiệp kiệt quệ, nhiều khoản vay khó trả, nợ cũ chồng nợ mới nên không phải doanh nghiệp nào cũng đạt được tiêu chí này”, ông Nam khẳng định.

Doanh nghiệp dệt may gặp nhiều khó khăn vì đơn hàng giảm.

Doanh nghiệp dệt may gặp nhiều khó khăn vì đơn hàng giảm.

Ngoài ra, ông Nam còn cho biết, để tránh tình trạng như gói 62.000 tỷ đồng khi doanh nghiệp “mù mờ” trong giải quyết thủ tục hành chính để được vay tiền, nhà nước và cơ quan chức năng bây giờ cần phải có hướng dẫn cụ thể trong việc hỗ trợ thông tin, giải quyết thủ tục, vướng mắc để doanh nghiệp có thể cận gói hỗ trợ trợ lần này.

“Nguồn vốn có vai trò rất quan trọng đối với doanh nghiệp nhưng dưới tác động của đại dịch, việc tiếp cận các nguồn vốn rất khó khăn. Đợt trước, chúng tôi nghe thông tin rầm rộ trên các phương tiện truyền thông nhưng rồi không biết hỏi ai? Đến hỏi ngân hàng thì không có hướng dẫn cụ thể. Doanh nghiệp muốn tìm hiểu rất mất thời gian, không có cơ quan giải đáp. Nhiều doanh nghiệp không biết bắt đầu từ đâu”, ông Nam chia sẻ.

Đại diện một số doanh nghiệp khác cho biết, rất hoan nghênh nhà nước đã thực hiện gói hỗ trợ lần thứ 2 đối với các đối tượng là người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Điều này thể hiện chính sách nhân văn của Chính phủ tiếp tục hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch với tinh thần đã đề ra “Không ai bị bỏ lại phía sau”.

Tuy nhiên, làm thế nào để gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng này đến tận tay, đúng và đủ đối với những người thật sự cần, quan trọng là không phải chờ đợi quá lâu mới là điều quan trọng.

“Gói hỗ trợ rất tốt, nhưng để gói hỗ trợ phát huy hết tác dụng thì việc đầu tiên là phải được thực hiện một cách nhanh chóng và kịp thời, đặc biệt trong lúc dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay. Đừng kéo dài thời gian, bắt doanh nghiệp và người lao động chờ đợi quá lâu vì những thủ tục rườm rà không cần thiết. Cũng đừng để xảy ra những “khe hở” để tiền hỗ trợ lại "đi lạc đường’, ông Nguyễn Văn Nhật - Giám đốc Công ty Cơ khí Nhật Nam nói.

Người lao động mong sớm được nhận hỗ trợ

Anh Vũ Quang Minh (phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) là đầu bếp của một khách sạn 5 sao trên đường Đồng Khởi. Do khách sạn không có khách du lịch nên anh Minh phải nghỉ việc không lương hơn 2 tháng nay, khách sạn chỉ hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng. Để có tiền trang trải cuộc sống, anh đã xin vào làm ở một cơ sở nấu ăn tại quận Tân Bình nhưng công việc cũng thất thường.

“Khi nào có tiệc thì họ gọi tôi đi làm, trả công theo ngày khoảng 250.000 đồng. Hiện nay, thực hiện giãn cách xã hội nên cơ sở nấu ăn phải dừng hoạt động. Tôi chỉ mong địa phương xem xét và sớm triển khai gói hỗ trợ của Chính phủ để có điều kiện lo cho cuộc sống lúc khó khăn”, anh Minh chia sẻ.

Tương tự, hơn 2 tháng nay, ông Phạm Minh Quốc (quận Bình Tân) làm nghề xe ôm cũng bị giảm sâu về thu nhập. Hiện nay phải giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, ông phải ở nhà không được phép đi chạy xe. Ông lo những ngày tới không biết lấy gì trang trải cuộc sống nên rất trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước và địa phương.

Phạm Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm