Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp ASEAN tìm hướng đi sau 'bão' COVID-19

Chính phủ, doanh nghiệp trong khu vực ASEAN cần phải liên kết chặt chẽ với nhau hơn nữa để đưa ASEAN trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới, trở thành khu vực có lợi thế cạnh tranh trên thế giới.

DN cần phải liên kết, hỗ trợ nhau, không nên quá sòng phẳng, mạnh ai nấy làm / Hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài đổ xô vào đầu tư, Việt Nam đã sẵn sàng?

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về kinh doanh và đầu tư ASEAN(ASEAN BIS 2020),vấn đề về triển vọng kinh tế ASEAN đã được đem ra bàn thảo, từ đó trả lời câu hỏi làm thế nào để khu vực này có thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng, phát triển bền vững sau đại dịch COVID-19. Khu vực công và tư cần làm gì để đảm bảo một tương lai tự cường, bền vững, bao trùm.

Các doanh nghiệp cần liên kết chặt hơn

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG cho biết, người Việt có câu "trong nguy có cơ", có nghĩa trong khó khăn ắt sẽ thấy cơ hội. Theo bà, khủng hoảng là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) đánh giá lại hệ thống quản trị của mình.

Hop-tac-trong-khu-vuc-ASEAN-4145-1605256

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Chính phủ các nước và giới tư nhân cần chung tay xây dựng một khu vực ASEAN phát triển và thịnh vượng.

Từ câu chuyện mà DN mình đối mặt, bà Nga cho hay, tập đoàn BRG quản lý 31 khách sạn, trong đó có 9 khách sạn quốc tế như Hilton, Sheraton, InterContinental... Thời gian xảy ra dịch COVID-19, gần như các khách sạn này không có doanh thu. Tuy nhiên, BRG xác định dù khó khăn cũng phải giữ việc làm cho người lao động bằng cách cơ cấu lại toàn bộ hệ thống quản trị, cắt giảm chi phí không cần thiết.

Trong lúc khó khăn, BRG nhìn lại lĩnh vực kinh doanh của mình, để xoay về điểm sáng bền vững như việc thành lập tập đoàn bán lẻ BRG, đây là mảng thiết yếu phục vụ nhu cầu của con người, giúp tập đoàn vượt qua khó khăn trong đại dịch COVID-19.

Đó là câu chuyện của DN, còn trước vấn đề triển vọng kinh tế ASEAN, Chủ tịch Tập đoàn BRG, nhìn nhận ASEAN cần trở thành một khối có chính sách chung, bền vững, đoàn kết.

Theo bà Nga, để nắm bắt xu hướng dịch chuyển nhà máy, nhà đầu tư lớn trên thế giới đến đầu tư, khu vực ASEAN cần cùng nhau thiết lập ưu đãi liên khối cho các nhà đầu tư, không có cạnh tranh nội bộ giữa các nước. Điều này sẽ giúp khối gia tăng cạnh tranh, sức thu hút nhà đầu tư có thế mạnh, đưa ASEAN trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới.

"Chúng ta cần xây dựng chuỗi cung ứng cân bằng và linh hoạt hỗ trợ trong toàn khối ASEAN, điều này rất cần các DN trong khu vực hợp tác với nhau, như DN logistics liên kết hỗ trợ DN sản xuất, xuất nhập khẩu", bà Nga đề xuất mong muốn.

 

Quan điểm trong nguy có cơ cũng được GS. Hidetoshi Nishimura, Chủ tịch Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á, đó là đại dịch COVID-19 sẽ mang lại cơ hội cho Việt Nam cũng như các nước ASEAN. Cơ hội phải kể tới đầu tiên đó chính là giúp các nước bắt kịp quá trình chuyển đổi số.

Tuy nhiên, ông Hidetoshi Nishimura cũng chỉ ra thách thức trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Phần lớn các DN ở Việt Nam là DN nhỏ và vừa nên ít nhiều các DN này sẽ gặp khó khăn khi chuyển đổi. Hơn nữa cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra như vũ bão nên DN nhỏ và vừa đôi khi không kịp bắt nhịp với những cơ hội đó”, GS. Nishimura chia sẻ.

Giải quyết 'bài toán kép'

Trong khi đó, ông Robert E Moritz, Chủ tịch Pricewaterhouse Cooper International Limited nhìn nhận, ASEAN là khu vực năng động với tốc độ tăng trưởng 5% trong nhiều năm qua, đây là con số đáng ngạc nhiên so với các khu vực khác trên thế giới. Các nhà kinh tế học, các nhà lãnh đạo toàn cầu đều ngạc nhiên về điều này. Đặc biệt, các nước ASEAN (trong đó có Việt Nam) đã khống chế dịch bệnh vô cùng hiệu quả.

 

Ông Robert E Moritz bày tỏ: Nền kinh tế của ASEAN đã dần mở cửa trở lại. Tuy nhiên, để vượt qua dịch bệnh sẽ còn nhiều vấn đề cần giải quyết để vừa khống chế dịch bệnh và vẫn đảm bảo phát triển kinh tế.

Đồng thời, TS. Aladdin D. Rillo, Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách cộng đồng kinh tế ASEAN, lo ngại việc các nước chịu tác động khác nhau bởi đại dịch COVID-19 nên khả năng phục hồi của nền kinh tế sẽ khác nhau. Các chính sách của ASEAN đưa ra là làm thế nào để các nước trong khu vực được ngồi lại với nhau để tạo ra nền tảng hợp tác, xác định đâu là nền tảng hợp tác quan trọng nhất cần phải tập trung vào như an ninh và con người.

Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch 2020 ASEAN-BIS, chúng ta đang đứng trước một giai đoạn phát triển có tính chất bước ngoặt của ASEAN và nền kinh tế toàn cầu mà COVID -19 là một sự thức tỉnh. COVID -19, biến đổi khí hậu, chiến tranh thương mại, chuyển đổi số, cuộc Cách mạng 4.0 và hội nhập... đã đặt nhân loại trước những thử thách và những cơ hội chưa từng có.

"Hầu hết các nền kinh tế trên thế giới và trong khu vực đang rơi vào tình trạng suy thoái. Đây là cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế toàn cầu nên giải pháp không thể chỉ giới hạn trong đường biên giới của mỗi quốc gia", ông Lộc nói.

Vì vậy, COVID-19 đang đặt ra bài toán kép với mỗi quốc gia là đẩy lùi dịch bệnh và phục hồi tăng trưởng. Để khu vực ASEAN vượt qua khủng hoảng rất cần sự phối hợp giữa các quốc gia, cần sự chung tay giữa cộng đồng DN, người dân và cơ quan Chính phủ.

 

"Chưa bao giờ sự chung tay hợp tác giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp lại cần thiết như lúc này và đối tác công tư là công thức để chúng ta vượt qua khủng hoảng", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm