Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp chưa tận dụng tốt ưu đãi thuế quan hiệp định CPTPP

DNVN - Sau 5 năm triển khai hiệp định CPTPP, tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan của hàng xuất khẩu Việt Nam sang Canada vẫn rất thấp, mới đạt 18%. Khoảng 81% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Canada vẫn sử dụng ưu đãi thuế quan MFN và khoảng 1% vẫn áp dụng GSP.

Phụ nữ dân tộc thiểu số gặp nhiều rào cản trong khởi nghiệp, kinh doanh / Vì sao "mỏ vàng" dược liệu Việt Nam chưa được khai phá hiệu quả?

Tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan sang Canada vẫn rất thấp

Hiện Việt Nam là đối tác nhập khẩu lớn thứ 7 của Canada, còn Canada là thị trường xuất khẩu lớn thứ 10 của Việt Nam. Theo số liệu của Canada, nếu tính cả trung chuyển qua Mỹ thì Canada là thị trường xuất khẩu quan trọng lớn thứ 5 của Việt Nam, sau Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Năm 2022, Việt Nam đang ghi nhận mức thặng dư thương mại trên 9 tỷ USD với Canada.

Về tỷ trọng đóng góp của 3 mặt hàng da giày, dệt may và đồ gỗ tại thị trường Canada trong năm 2022, nếu kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 37 tỷ USD thì riêng thị trường Canada là 1,8 tỷ USD. Xuất khẩu da giày và túi xách đạt 27 tỷ USD, Canada là 1,1 tỷ USD. Đối với nội thất, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ Việt Nam xuất khẩu 15,8 tỷ USD, thị trường Canada đóng góp 650 triệu USD.

Theo bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada, trong bối cảnh lạm phát và suy thoái kinh tế, từ đầu năm đến nay, địa bàn Canada vẫn ghi nhận tăng trưởng nhập khẩu đối với các mặt hàng da giày là 47%, túi xách 33%, dệt may mã HS62 tăng 7,8%, sản phẩm gỗ mã HS44 tăng 43% so với cùng kỳ năm 2022.


Bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thực sự có tác động tích cực đến tốc độ tăng trưởng kim ngạch của cả 3 nhóm hàng: dệt may, da giày - túi xách và đồ gỗ sau 5 năm. Trong đó, da giày tăng 72%, túi xách tăng 80%, dệt may tăng 103%, nội thất tăng 87%.

Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai CPTPP, tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan của hàng xuất khẩu Việt Nam sang Canada vẫn rất thấp, mới đạt 18%, tức khoảng 81% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Canada vẫn sử dụng ưu đãi thuế quan MFN (mức thuế dành cho các nước có quan hệ thương mại bình thường) và khoảng 1% vẫn sử dụng GSP (ưu đãi giảm thuế cho các mặt hàng khác nhau).

Trong đó, da giày là mặt hàng có sử dụng tỷ lệ ưu đãi CPTPP cao nhất với 72% so với các mặt hàng khác. Tuy nhiên, ước tính vẫn có đến 230 triệu USD chúng ta xuất khẩu với thuế suất MFN từ 5 - 20%, trong khi đáng lẽ chúng ta được hưởng thuế bằng 0.

Các sản phẩm bằng da thuộc mã HS42 cũng có tỷ lệ sử dụng CPTPP khá cao, từ 54%. Dù vậy, vẫn có 43% xuất sang địa bàn dùng MFN, chịu thuế từ 5 - 15%.

Về dệt may, tỷ lệ sử dụng thuế suất CPTPP rất thấp. Đơn cử, mã HS62 tới 82% vẫn sử dụng MFN, chỉ khoảng gần 20% sử dụng thuế suất CPTPP. Còn mã HS61 thậm chí còn sử dụng tới 90,6% thuế MFN, chỉ có 9% là sử dụng CPTPP.

Đối với sản phẩm gỗ, mã HS44 tỷ lệ sử dụng CPTPP là 40%, trong khi 53% vẫn sử dụng MFN.

Tình hình tương tự với mặt hàng nội thất, chỉ có 3% sử dụng CPTPP. Riêng mặt hàng thủ công mỹ nghệ lại khai thác khá tốt thuế suất CPTPP với tỷ lệ sử dụng lên đến 61%.

Vì sao chưa khai thác được ưu đãi?

Như vậy, mức độ chênh lệch thuế giữa MFN với CPTPP và GSP với CPTPP khá lớn.

Lý giải tình trạng tỷ lệ sử dụng CPTPP thấp, bà Quỳnh trăn trở, phải chăng do DN chưa thấy lợi ích của việc giảm thuế? Do đơn hàng nhỏ nên việc giảm thuế không đem lại nhiều lợi ích kinh tế? Có phải DN chưa quan tâm đến đăng ký ưu đãi mẫu CPTPP vì ngại giấy tờ, thủ tục, chứng minh xuất xứ? Hay do các sản phẩm của Việt Nam chưa đủ điều kiện về xuất xứ hay hàm lượng khu vực?"


Hiện tỷ lệ sử dụng thuế suất CPTPP của hàng dệt may Việt Nam ở mức rất thấp.

Theo bà Quỳnh, thường với sản phẩm dệt may, CPTPP yêu cầu xuất xứ từ sợi trở đi. Nhưng dù là vì lý do nào thì để tiếp cận thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh trong thời điểm hiện nay, bắt buộc các DN Việt Nam phải quan tâm, khai thác hơn nữa hiệp định CPTPP, đáp ứng các quy tắc xuất xứ và cần quan tâm đến chiến lược tìm nguồn cung đầu vào để khai thác quy tắc xuất xứ cộng gộp.

Ngoài việc DN chưa khai thác được ưu đãi từ CPTPP, thì xu hướng Canada đang đẩy mạnh hướng về khối kinh tế Nam Mỹ cũng tác động tiêu cực, rõ rệt đến các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày.

Trong 6 tháng đầu năm nay, qua theo dõi số liệu sở tại cho thấy, Canada đặc biệt đẩy mạnh nhập khẩu từ Ecuador, Argentina, Chile, Mexico. Đây là những nước có FTA song phương với Canada.

Ngoài ra, yếu tố giá xăng dầu, vận tải, tình trạng chậm bốc dỡ hàng tại các cảng ở Canada do thiếu nhân công, hoặc tình trạng đình công kéo dài ở 1 cảng của Canada từ tháng 6 đến nay cũng là những lý do khiến hàng Việt Nam kém cạnh tranh so với các nhà xuất khẩu Nam Mỹ.

Bên cạnh đó, trong chính sách tiền tệ, Canada đang duy trì chính sách tỷ giá thấp để thúc đẩy xuất khẩu của họ. Chính sách này làm cho hàng của Việt Nam trở nên đắt đỏ tương đối ở địa bàn.

Ngoài những khó khăn này, Canada cũng là nước đặt ra nhiều tiêu chí về xã hội và môi trường và xu hướng này đã trở thành tất yếu trong chiến lược thiết kế sản phẩm, chiến lược sản xuất của Việt Nam.

Doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu riêng

Để kim ngạch xuất khẩu sang địa bàn Canada cũng như các nước khác được bền vững, theo Tham tán thương mại Trần Thu Quỳnh, các DN Việt Nam cần chuyển đổi theo hướng xây dựng thương hiệu riêng. Trung Quốc là ví dụ chuyển đổi thành công từ gia công cho các thương hiệu đa quốc gia sang chuyên môn hóa sản xuất các sản phẩm giá rẻ thời trang cho thế giới.

Phân tích đối thủ cạnh tranh trên thị trường Canada từ phân khúc như Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh cho thấy chúng ta khá yếu về chuỗi cung ứng hoàn chỉnh cho từng ngành. Chiến lược gia tăng kim ngạch xuất khẩu dựa vào gia công hay phân khúc thị trường trung cấp sẽ ngày càng khó khả thi vì Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh về nhân công.

"Do đó, chúng ta cần tập trung vào phân khúc thương hiệu riêng, vào nhóm đối tượng tiêu dùng là giới trẻ có thu nhập thấp, chịu khó thay đổi và sẵn sàng tiêu dùng vì đây vẫn là thị trường ngách nhiều tiềm năng, có biên độ lợi nhuận cao", bà Quỳnh khuyến nghị.

Ngoài ra, các DN của Việt Nam phải tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế vì đây là cơ hội để làm việc trực tiếp với các nhà mua buôn, qua đó tìm kiếm các đơn hàng gia công.

DN cũng cần tính đến việc chuyên môn hóa vào các nhóm hàng đặc chủng mà khi nghĩ đến Việt Nam là họ nghĩ ngay tới các sản phẩm của chúng ta, ví dụ như giày dép bảo hộ, quần áo đi biển, quần áo trẻ em, quần áo dùng chất liệu tơ lụa, nội thất cho người già - trẻ em, nội thất ngoài trời hay nội thất cho thú cưng...

Về cơ chế hỗ trợ cho các DN, ngoài công tác bảo đảm thông tin thị trường, trong thời gian qua, Thương vụ đã tích cực phối hợp với các cơ quan, hiệp hội trong nước và sở tại để tổ chức các đoàn về Việt Nam mua hàng, đoàn sang Canada tham gia hội chợ...

Thương vụ tiếp tục tích cực vận động Chính phủ Canada dành cơ chế viện trợ, nâng cao năng lực xuất khẩu cho các DN Việt trong khuôn khổ các dự án hỗ trợ thương mại.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm