Doanh nghiệp công nghệ thông tin TP.HCM: Vướng từ những chuyện nhỏ
Doanh nghiệp trúng đấu giá 94.000 tấn đường hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm 2018 / Nhiều công nghệ mới, sản phẩm mới tham gia Vietbuild 2018 lần 2
Mất điện, không ai chịu trách nhiệm
Sự cố mất điện mới đây tại Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) tưởng là chuyện “thường ngày ở huyện” lại trở nên “nóng”. Lý do là, sự cố mất điện đã khiến nhiều báo online không thể truy cập và các ứng dụng như Zing Mp3, Zalo, Zing TV… cũng bị ảnh hưởng.
.Ảnh minh họa. |
Được biết, các trang báo không thể truy cập sử dụng hệ thống quản lý đặt tại Trung tâm Dữ liệu VinaData của VNG ở QTSC. Điều này dẫn tới việc không chỉ các báo online bị ngưng trệ, mà đông đảo khách hàng sử dụng các dịch vụ của VNG cũng bị ảnh hưởng.
Ngay sau sự cố, Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC) đã thông báo rằng, sự cố này không thuộc quản lý, trách nhiệm của EVN HCMC.
Đại diện của EVN HCMC cho biết thêm, khu vực QTSC thuộc phần quản lý của Công ty Điện lực An Phú Đông (đơn vị thành viên thuộc EVN HCMC). Trước đó, Điện lực An Phú Đông đã gửi thông báo đến QTSC về lịch cắt điện từ 9 - 14 giờ ngày 23/9.
Liên quan sự việc này, đại diện truyền thông của QTSC cho biết, từ ngày 19/9, QTSC đã thông báo đến các doanh nghiệp trong phạm vi bị ảnh hưởng về việc Điện lực An Phú Đông thực hiện cắt điện để thay thế 3 đầu cáp ngầm tại trạm T.8-9, T.12-13.
Thực tế, người dùng ứng dụng Zalo vẫn chưa sử dụng được dịch vụ dù việc mất điện tại QTSC theo lịch thông báo đã hết từ trước đó nhiều giờ.
Sự cố trên thật sự là không đáng có trong lĩnh vực công nghệ và thiết nghĩ, trong sự việc này, các bên liên quan thay vì rất nhanh chóng lên tiếng để “phân trần” việc mình vô can, nên chung tay, kịp thời phối hợp với doanh nghiệp để xử lý, giảm thiểu tác động xấu, ảnh hưởng đến đông đảo khách hàng sử dụng dịch vụ.
Vướng thuế, sợ độc quyền kinh doanh
Những vướng mắc về thuế tưởng như rất bình thường, song vẫn là câu chuyện “nóng” tại buổi đối thoại giữa chính quyền Thành phố với các doanh nghiệp công nghệ thông tin vừa được tổ chức tại TP.HCM.
Chẳng hạn, Công ty TNHH Ingreetech nêu băn khoăn về thuế giá trị gia tăng đối với nhập khẩu và xuất khẩu phần mềm máy tính và dịch vụ phầm mềm máy tính.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nêu nỗi lo về sự độc quyền trong đấu thầu sản phẩm công nghệ thông tin cho các dự án đầu tư công của Thành phố.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phản ánh quy trình thủ tục hoàn vốn các dự án nhà nước quá chậm, ảnh hưởng đến vốn kinh doanh của doanh nghiệp...
Một kiến nghị tưởng chừng như rất cũ vẫn được ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Tin học TP.HCM nhắc lại. Đó là, cơ quan thuế cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cho doanh nghiệp hiểu rõ hơn các ưu đãi về thuế. Đồng thời, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định phù hợp thực tế, kéo dài thời gian ưu đãi giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trao đổi với các doanh nghiệp công nghệ thông tin, ông Nguyễn Nam Bình, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết, về thuế giá trị gia tăng, cơ quan thuế nhất quán áp dụng Luật Thuế từ năm 1999. Theo đó, phần mềm máy tính và dịch vụ phầm mềm máy tính được xếp vào nhóm đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Khi xuất khẩu, các sản phẩm này được áp dụng thuế suất 0% và được khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào...
Trong khi đó, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cam kết, Thành phố luôn hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động công bằng, minh bạch, kiên quyết không để tình trạng độc quyền tồn tại. Đồng thời, đề nghị các sở, ngành của Thành phố cùng đưa ra giải pháp tốt nhất nhằm hỗ trợ và giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp; thực hiện chủ trương ưu tiên phát triển và sử dụng các sản phẩm công nghệ thông tin của các doanh nghiệp tại địa bàn trong các dự án đầu tư công.
End of content
Không có tin nào tiếp theo