Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp lao đao với lệnh cấm nhập khẩu lúa mỳ vì lý do...chưa ai biết?

(DNVN) – Trước quyết định của Cục Bảo vệ thực vật không cho phép doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì vì có chứa cây kế đồng. Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM đã có hội thảo để lấy ý kiến về vấn đề này.

Cấm nhập vì “cỏ độc”

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì trong 7 tháng vừa qua, khối lượng và giá trị nhập khẩu lúa mì của nước ta gần 3,13 triệu tấn, với kim ngạch khoảng 750 triệu USD, tăng 2,2% về khối lượng và tăng 16,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.Những nguồn cung cấp lúa mì lớn của nước ta Nga, Mỹ, Úc, Canada...Ngoài việc nhập khẩu lúa mì để tiêu thụ trong thị trường nội địa thì chúng ta còn xuất bột mì trở lại thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, gần đây nhiều doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì Việt Nam đã gặp không ít khó khăn do có thông tin Cục Bảo vệ thực vật phát hiệntrong lúa mì nhập khẩu từ Nga, Mỹ, Canada, Úc… có chứa cây kế đồng (tên khoa học là cirsium arvense)Cục phát công văn số 99-5/9/2018 với quyết định cấm nhập khẩu lúa mì từ ngày 01/11/2018, đồng thời, sẽ tái xuất lại những lô lúa mì đã nhập theo diện kiểm dịch thực vật. Trước quyết định này của Cục Bảo vệ thực vật, nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra.

Cây kế đồng - cirsium arvense - thủ phạm gây cấm nhập khẩu lúa mỳ của Cục Bảo vệ thực vật

Theo TS Trần Duy Khanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Doanh nhân APECcho biết, trong quy trình kiểm dịch thực vật thì có hai loại cấm, một là sinh vật gây hại (các loại sâu bệnh); hai là sinh vật cạnh tranh (như cây kế đồng) và trên thực tế thì cây kế đồng chỉ phù hợp với những cánh đồng lúa mì, chỉ cạnh trạnh về mặt dinh dưỡng và hoàn toàn không có độc tố gây hại cho người, còn nó có gây hại cho cây lúa nước hay các cây trồng khác ở Việt Nam hay không thì chưa ai biết.

“Chúng ta nên nhận ra rằng, Việt Nam không sản xuất được lúa mì, nếu có trồng được thì không có năng suất và lệnh cấm nhập khẩu lúa mì sẽ làm đảo lộn nền kinh tế. Vì thế, cần phải có một cách xử lý linh hoạt, nhập về làm giống thì cấm, còn nếu phục vụ dân sinh mà cấm không chỉ ảnh hưởng đến mấy trăm doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến nhiều thứ”, TS Trần Duy Khanh bày tỏ quan điểm.

Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng lại cho rằng: “Trước hết chúng ta nên xác định được cây kế đồng độc ở mức độ nào? Và việc tái xuất ngược trở lại là không khả thi, thay vì tái xuất ngược lại thì có thể dùng để làm thức ăn cho gia súc. Hơn nữa nếu không nhập lúa mì của họ thì việc xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng sẽ gặp rào cản tương tự”.

Ở góc độ quản lý bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh đồng tình với các doanh nghiệp cho rằng: tỷ lệ hạt ké đồng trong hạt lúa mì không phải là nhiều và với một lượng này thì về mặt an toàn thực chưa đủ để gây hại. Trước khi đưa ra một quyết định cấm nhập hay cấm xuất thì cần phải có quá trình nghiên cứu định lượng, định tính và khi nghiên cứu xong thì mới đưa ra một văn bản hay một chính sách áp để áp dụng, chứ chưa rõ gì về độ độc hại mà cấm thì nó mông lung và gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Lệnh cấm bất ngờ - Doanh nghiệp lo lắng

Trước quyết định như vậy của Cục bảo vệ thực vật, nhiều doanh nghiệptỏ ra lo lắng vì sẽ không thể tìm được nguồn nguyên liệu để kịp thời thay thế, vì nhu cầu bột mì đang rất cao nên việc thực hiện lệnh cấm ngay chắc chắn sẽ dẫn đến thiếu hụt nguyên liệu.

Các doanh nghiệp góp ý về lệnh cấm nhập khẩu lúa mỳ từ ngày 01/11/2018

Ông Phan Thanh Hiếu, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bột mỳ An Bình cho biết: “Khi chưa khẳng định được loại cỏ đó gây hại thì không nên cấm vì để có một sản phẩm từ lúa mì, chúng tôi đã xây dựng một công thức từ rất lâu nên nếu lệnh cấm được thực hiện thì một doanh nghiệp như chúng tôi xoay chuyển không kịp, không tìm ra nguồn nguyên liệu thay thế để đảm bảo sản xuất, gây thiệt hại không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cả người tiêu dùng”.

Cũng bày tỏ quan ngại trước lệnh cấm của Cục Bảo vệ thực vật, ông Lê Văn Vu, Phó Tổng giám đốc Công ty bột mì Bình Đông cho biết, tại Bình Đông có những sản phẩm bắt buộc phải dùng lúa mì của Mỹ mà không thay thế được lúa của nơi khác. Hơn nữa, những nước khác cũng nhập khẩu lúa mì từ Mỹ không cấm mà Việt Nam cấm thì làm sao doanh nghiệp chúng tôi cạnh tranh được với họ. Tuy nhiên, nếu luật pháp quy định thì doanh nghiệp chúng tôi cũng chấp hành nhưng cần phải có lộ trình và cảnh báo trước cho doanh nghiệp mà theo tôi thì nên lùi quy định cấm lại ít nhất 6 tháng để đánh giá lại mức độ nguy hiểm của loại cỏ này.

Trong khi đó, ông Phan Thông Cường, đại diện Công ty Kỹ nghệ bột mì cho biết, đối với những lô lua mì đã nhập về thì khâu xử lý nguyên liệu đã loại hết hạt ké ra ngoài và sau khi tách ra thì công ty đã đem đốt ở nhiệt cao theo chỉ dẫn của Cục Bảo vệ thực vật. Đồng thời, công ty đề xuất ý kiến với nhà cung cấp yêu cầu họ xử lý tách hạt ra khỏi lúa mì trước khi xuất sang Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà cung cấp đều từ chối vì quy trình thu hoạch đều theo phương thức công nghiệp, tất cả đều được thực hiện ngay trên cánh đồng và việc đầu tư máy móc cho quy trình này khá tốn kém.

Sau khi các chuyên gia, các doanh nghiệp đưa ra ý kiến về lệnh cấm của Cục Bảo vệ thực vật, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh tổng kết, "sẽ tập hợp những ý kiến này để có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thảo luận về các căn cứ của việc ban hành quy định cấm nhập khẩu lúa mì của Cục bảo vệ thực vật và những hậu quả của lệnh cấm này đối với doanh nghiệp và xã hội. Đồng thời, Hội sẽ kiến nghị với Bộ về việc hủy bỏ quy định nêu trên, nếu như Bộ không đồng ý thì sẽ tiếp tục kiến nghị lên Chính Phủ để tháo gỡ về vấn đề trên cho các hội viên".

Quốc Trực
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo