Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp nhỏ và vừa khó chen chân thị trường quốc tế

DNVN - Hạn chế tài chính, thiếu kỹ năng quản lý, rủi ro biến động kinh tế toàn cầu, khó tiếp cận thông tin thị trường... là những rào cản lớn khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khó có cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế.

Đề xuất đẩy mạnh số hoá, ứng dụng AI trong quản lý thuế / Sáng kiến Collaboration for Growth mùa 4: Thúc đẩy tài chính doanh nghiệp

Tại hội thảo "Phát huy vai trò các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hội nhập kinh tế quốc tế" ngày 26/12 tại TP Hồ Chí Minh, TS Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho biết, hội nhập quốc tế không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu không thể thiếu đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Tuy vậy, cộng đồng DNNVV hiện còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Nêu 10 hạn chế cơ bản của các DNNVV khi tham gia thị trường quốc tế, TS Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho biết, các DN hạn chế về nguồn lực tài chính, thiếu kỹ năng quản lý và kinh nghiệm quốc tế, hạn chế đổi mới công nghệ và năng lực sản xuất.
Ngoài việc thiếu bộ phận pháp chế chuyên trách, các DN còn đối mặt với rào cản từ các biện pháp phi thuế quan cũng như quy trình xuất nhập khẩu còn phức tạp và rủi ro biến động kinh tế toàn cầu.

TS Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME).
Đặc biệt, theo ông Nam, DN gặp khó trong tiếp cận thông tin thị trường và đối tác quốc tế, hạn chế trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời thiếu sự hỗ trợ, kết nối từ các cơ quan chức năng liên quan khác nhau.
"Trong 10 hạn chế này, nếu có sự tác động từ các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài có thể sẽ giải quyết được 35% khó khăn của doanh nghiệp. Đây là thời điểm quan trọng để đặt ra vấn đề về sự đồng hành của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với cộng đồng DNNVV", ông Nam nhấn mạnh.
Ông Trần Xuân Thuỷ - Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP Hồ Chí Minh phản ánh, các DNNVV trên địa bàn hạn chế về nguồn vốn, thiếu thông tin thị trường, chưa tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Do vậy, cộng đồng DN này rất cần sự hỗ trợ của mạng lưới cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong việc tiếp cận thị trường, khai thác nguồn vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hoá.
Ở góc độ DN, bà Phạm Thị Bích Phượng - CEO công ty Sao Khuê Food chia sẻ, châu Âu là thị trường rất tiềm năng nhưng cơ hội để các DN nhỏ và siêu nhỏ tiếp cận rất khó. Rào cản về pháp lý, tài chính, chi phí marketing rất lớn khiến DN nhỏ hầu như không thể tiếp cận.
Theo phản ánh của bà Phượng, khi đưa sản phẩm vào thị trường, DN phải mất ít nhất 1 năm để nghiên cứu sản phẩm, xu hướng - hành vi tiêu dùng của người châu Âu. Cùng đó, DN phải đăng ký các loại chứng nhận theo yêu cầu của người mua. Trong khi đó, thời hạn chứng nhận chỉ có giá trị trong 1 năm. Chẳng hạn, mỗi lần làm chứng nhận Halal mất khoảng 70 - 90 triệu đồng nhưng vừa làm xong đã hết hạn sử dụng, DN phải làm mới, gây tốn thêm chi phí.
CEO công ty Sao Khuê Food bày tỏ mong muốn được kết nối các sự kiện xúc tiến thương mại hoặc các triển lãm ở châu Âu nhưng hiện gặp khó khăn về chi phí thuê gian hàng.
Tại sự kiện, nhiều DNNVV khác đã trao đổi trực tiếp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đại diện các bộ, ngành, địa phương, về thực trạng, khó khăn, nhu cầu cần hỗ trợ khi tiếp cận và tham gia thị trường quốc tế.
Để nâng cao hiệu quả hỗ trợ các DNNVV, các đại biểu kiến nghị tăng cường cung cấp thông tin thị trường cho DN. Xây dựng các trung tâm hỗ trợ DN tại địa bàn. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi số, AI và điện toán đám mây. Giảm bớt thủ tục hành chính và đơn giản quy trình cấp phép kinh doanh quốc tế.
Đại diện nhiều thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã giải đáp một loạt câu hỏi của DN liên quan đến tiềm năng thị trường, xu hướng tiêu dùng, rào cản kỹ thuật...
Ông Trần Ngọc Quân - Tham tán thương mại Việt Nam tại Bỉ cho biết, để tiếp cận và mở rộng thị trường, DN phải tìm hiểu kỹ các quy định của thị trường. DN có thể liên hệ với Thương vụ gửi sản phẩm mẫu, thông tin sản phẩm. Thương vụ sẽ thay mặt DN tiếp cận thị trường, đồng thời cung cấp danh sách các nhà nhập khẩu ở nước sở tại.
Cũng theo ông Quân, các DN nhỏ không nên tập trung quá nhiều vào các thị trường lớn bởi đây là "sân chơi" quá sức với DN. DN không nên bỏ qua các thị trường nhỏ nhưng tiềm năng lớn.
Bà Nguyễn Bích Thủy - Giám đốc Ban quản lý Dự án, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế đa phương (Bộ Ngoại giao) nhấn mạnh, thông qua vai trò kết nối, hỗ trợ đồng hành của các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài có thể giúp DNNVV Việt Nam được hỗ trợ và tiếp cận môi trường quốc tế, giúp DN “vươn ra biển lớn”.
Ngược lại, thông qua những trao đổi sẽ giúp các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hiểu hơn về tình hình thực tế, nhu cầu của các hiệp hội DN. Từ đó, xây dựng những chính sách, giải pháp tăng cường hỗ trợ DN tiếp cận thông tin, mở rộng thị trường... một cách phù hợp và hiệu quả.
Hội thảo "Phát huy vai trò các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ DNNVV hội nhập kinh tế quốc tế" nằm trong khuôn khổ Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady – Chao Phraya – Mekong (ACMECS), Ban quản lý Dự án “Phát huy vai trò các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ DNNVV phục hồi và hội nhập kinh tế quốc tế”.
Chuỗi hội thảo bắt đầu từ ngày 26/12 tại TP Hồ Chí Minh với các phiên thảo luận, làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 28/12, hội thảo sẽ diễn ra tại Đà Nẵng và ngày 30/12 tại Hà Nội. Chuỗi hội thảo do Bộ Ngoại giao (Vụ Hợp tác kinh tế đa phương) và Ban quản lý Dự án “Phát huy vai trò các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ DNNVV phục hồi và hội nhập kinh tế quốc tế” phối hợp với Vneconomy tổ chức.
Mục tiêu của chuỗi sự kiện nhằm tăng cường vai trò, sự chủ động và liên kết của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ để các DNNVV tham gia hiệu quả, thực chất vào thị trường quốc tế; tạo cơ sở xây dựng kênh hỗ trợ DNNVV của các cơ quan đại diện thống nhất, thường xuyên. Đồng thời nâng cao năng lực đề xuất giữa các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và năng lực xây dựng chính sách liên quan cấp địa phương.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Có thể bạn quan tâm