Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp thiếu nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao

DNVN - Để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực cung ứng ra thị trường đang trong tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu”, chưa đạt yêu cầu để doanh nghiệp tiếp nhận…

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế” vừa diễn ra tại TP.HCM.

Theo Tổng Cục Du lịch, giai đoạn từ năm 2011 – 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khoảng 2,1 lần, từ 6 triệu khách lên 12,9 triệu khách. Năm 2018, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 15,5 triệu, tăng khoảng 20% so với năm trước.

Trước số lượng khách du lịch đến Việt Nam ngày càng nhiều, đã đặt ra nhiều thách thức cho cả doanh nghiệp, cơ sở đào tạo về nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao.

Sinh viên Khoa Du lịch Trường ĐH Văn Hiến thực tập tại doanh nghiệp

Sinh viên Khoa Du lịch Trường ĐH Văn Hiến thực tập tại doanh nghiệp (Ảnh: TL)

Theo dự báo đến năm 2020, ngành du lịch cả nước cần khoảng 2,5 triệu lao động trực tiếp làm việc và hiện cả nước có 156 cơ sở tham gia đào tạo du lịch. Tuy nhiên mỗi năm, các trường đào tạo chuyên ngành về du lịch chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu của ngành, dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp thiếu trầm trọng nguồn nhân lực.

Theo thống kê, mỗi năm, ngành du lịch cần thêm khoảng 40.000 người lao động, nhưng lượng sinh viên ra trường hàng năm chỉ đạt khoảng 15.000 em, hơn 12% trong số này có trình độ đại học, cao đẳng trở lên.

Dù các em sinh viên khi tốt nghiệp đều có trình độ đại học, cao đẳng chính quy, nhưng phần lớn, các doanh nghiệp du lịch đều phải đào tạo lại, mới đáp ứng được yêu cầu.

Theo GS-TS. Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo du lịch thì hiện nay nhân lực trong ngành đang gặp 3 cái yếu: yếu về kỹ năng nghề, yếu về giao tiếp và yếu về ngoại ngữ.

 

Đê khắc phục tình trạng này ông Hùng cho rằng, trong quá trình đào tạo, thời lượng thực hành phải chiếm từ 70% trở lên mới có thể tạo ra nhân sự thích nghi với yêu cầu của doanh nghiệp. "Ngoài việc tăng cường các chương trình, cơ sở đào tạo, việc kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp là điều bắt buộc với các cơ sở đào tạo", ông nói.

PGS.TS Trần Văn Thiện, Hiệu trưởng trường ĐH Văn Hiến, phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: PT)

PGS.TS Trần Văn Thiện, Hiệu trưởng trường ĐH Văn Hiến, phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: PT)

PGS.TS Trần Văn Thiện, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến nhấn mạnh, ngành du lịch nước ta đã thu hút hàng chục triệu du khách khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam, nhanh chóng nâng cao tỷ trọng thu nhập trong GDP của nền kinh tế quốc dân, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

 

Tuy nhiên, ngành du lịch Việt Nam cũng đang gặp những khó khăn, thách thức không nhỏ về nhiều mặt, nổi bật trong đó là vấn đề về xây dựng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Chất lượng nguồn nhân lực cung ứng ra thị trường đang trong tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu”, chưa đạt yêu cầu để doanh nghiệp tiếp nhận…

Để khắc phục điều này, đòi hỏi cần có sự đột phá trong chính sách và giải pháp đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển của du lịch nước nhà.

PGS.TS Trần Văn Thiện phân tích, thực tế hiện nay có nhiều cơ sở đào tạo còn coi trọng lợi ích kinh tế, điển hình là các trường ngoài công lập hàng năm tuyển số lượng sinh viên rất nhiều, nhưng chuẩn đầu vào thấp…

"Quá trình đào tạo ít chú trọng đầu tư vào cải tiến chương trình, đánh giá chất lượng, thậm chí cơ sở đào tạo chưa gắn kết với doanh nghiệp… nên sản phẩm đào tạo ra chưa được doanh nghiệp “hứng thú” sử dụng", ông Thiện nói.

 chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch không nhất quán, không đạt chuẩn. Có thể nói gần như sinh viên ngành khách sạn ra trường đều không có kỹ năng chuyên nghiệp.

Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch hiện chưa nhất quán, không đạt chuẩn, khó đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp (Ảnh: TL)

 

Đánh giá về nguồn nhân lực hiện nay, tổng giám đốc một khách sạn 5 sao tại trung tâm TP.HCM nhận xét, nhiều nhân viên dù được đào tạo dài hạn ở các trường đại học, cao đẳng… nhưng khi được tuyển dụng làm việc tại các doanh nghiệp du lịch đều phải mất thời gian và chi phí để đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung kỹ năng, ngoại ngữ.

Ông phân tích thêm ở nước ngoài, thời lượng giữa học lý thuyết và thực hành là 50-50, tương đương với 24 tháng thực tập trong môi trường thực tiễn. Trong khi ở Việt Nam chỉ có 2 kỳ thực tập trong vòng 4 tháng nên học viên thiếu hẳn kỹ năng tác nghiệp.

"Vì thế, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch không nhất quán, không đạt chuẩn. Có thể nói gần như sinh viên ngành khách sạn ra trường đều không có kỹ năng chuyên nghiệp.

Trong khi đó, ngành du lịch là nơi mà quan hệ giữa con người với con người chủ yếu qua giao tiếp thì ngoại ngữ là yếu tố then chốt hàng đầu. Trình độ ngoại ngữ yếu, kỹ năng nghiệp vụ còn thiếu đã hạn chế các đơn vị du lịch khai thác hết được nguồn lợi du lịch từ khách nước ngoài", vị này chia sẻ.

 

PGS-TS. Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: Trong quá trình phát triển du lịch, nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng.

Việc phát triển nguồn nhân lực du lịch đã được Chính phủ chỉ đạo sát sao, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đặc biệt quan tâm và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan.

Hiện nay, Vụ Đào tạo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang lập đề án về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch và từ giờ đến cuối năm sẽ trình Chính phủ để có những hỗ trợ về học phí, học bổng về đào tạo trong và ngoài nước.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo