Doanh nghiệp và trách nhiệm xây dựng môi trường số lành mạnh
Thủ tướng: Phát triển đội ngũ doanh nghiệp để xây dựng nền kinh tế tự cường / Amway Việt Nam – Phát triển kinh doanh song hành cùng trách nhiệm với cộng đồng
Sau danh sách 20 nhãn hàng có quảng cáo trên các clip có nội dung xấu, độc trên YouTube, mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục công bố thêm 40 nhãn hàng mới. Việc quảng cáo của doanh nghiệp có gắn vào các clip xấu, độc trên YouTube được coi là hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo, đồng thời ảnh hưởng đến chính uy tín của các thương hiệu, doanh nghiệp. Vậy các doanh nghiệp bị tuýt còi có phản ứng như thế nào với động thái này của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Trong số 60 doanh nghiệp bị tuýt còi do có quảng cáo gắn liền với các clip có nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật, có cả các doanh nghiệp lớn trên thị trường như Grab, FPT shop, Shopee, Samsung Việt Nam và nhiều trường đại học danh tiếng trong nước. Trước những vi phạm này, đã có ít nhất 15 doanh nghiệp lên tiếng giải trình với Bộ Thông tin và Truyền thông. Hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng họ không thể kiểm soát được các nội dung quảng cáo.
Ảnh minh họa.
Còn YouTube cũng có vẻ khó kiểm soát triệt để nội dung của chính mình khi mà mạng này đang trực tiếp quản lý 130.000 kênh tiếng Việt, trong đó có tới 55.000 video có nội dung xấu độc vi phạm pháp luật. Dù đã gỡ bỏ hơn 8.000 video clip xấu, độc sau khi được cơ quan chức năng Việt Nam yêu cầu thì hiện tại, các nội dung này vẫn nhan nhản trên Youtube. Lý do có thể từ chính YouTube.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, việc bùng phát các quảng cáo gắn với các clip độc hại trên YouTube xuất phát từ lỗi của cả 3 bên là doanh nghiệp, đại lý quảng cáo, và đặc biệt là YouTube.
Hầu hết các doanh nghiệp đều than khó có thể quản lý việc quảng cáo của mình xuất hiện ở đâu khi mỗi ngày, có hàng tỷ nội dung khác nhau được đăng tải trên YouTube. Vậy liệu có phải việc kiểm soát các quảng cáo xuất hiện tại đâu có thực sự khó như vậy? Nếu đi sâu vào tìm hiểu các thuật toán quản lý của Google hay YouTube, việc quản lý, điều phối quảng cáo không phải là quá khó khăn. Hơn nữa, theo các chuyên gia, chính các quảng cáo không được quản lý chặt chẽ này chính là nguồn máu nuôi sống các nội dung độc hại, làm vấy bẩn môi trường nội dung số.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, thị trường quảng cáo online tại Việt Nam trị giá khoảng 400 triệu USD, trong đó hơn 70%, khoảng 280 triệu USD đổ vào túi Google, Facebook. Và không có lý gì mà những người trả tiền quảng cáo, chính là các doanh nghiệp, lại không có quyền quyết định.
Mặc dù vậy, hoạt động phân phối quảng cáo của các doanh nghiệp hiện hầu hết do các đại lý thực hiện, do đó nếu giao kèo giữa họ và đại lý lỏng lẻo, việc thương hiệu xuất hiện bên cạnh các nội dung xấu với giá rẻ là khó tránh khỏi.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, việc chấn chỉnh các hoạt động này hiện chưa đạt hiệu quả do chế tài xử phạt của Việt Nam còn nhẹ so với lợi nhuận Youtube có thể thu lại từ các quảng cáo.
Rõ ràng, việc quản lý chặt chẽ quảng cáo trên nền tảng Youtube là hoàn toàn có thể thực hiện được. Khi các nội dung xấu không còn đất xấu, các nhà phát triển nội dung 'tử tế" sẽ nhận được nhiều quảng cáo hơn, có doanh thu tốt hơn và tiếp tục phát triển môi trường số lành mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo