Doanh nghiệp vẫn lo rủi ro nghiệp vụ hải quan
Tại buổi đối thoại gần đây giữa Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công (Cục Hải quan Tp.HCM) với các doanh nghiệp (DN) gia công, sản xuất xuất khẩu (XK), đại diện CTCP may Hữu Nghị có thắc mắc việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến có được thực hiện cho việc điều chỉnh số lượng, tên hàng, mã hàng… tại cửa khẩu và có thực hiện được ngoài giờ hành chính hay không?
Còn nhiều khúc mắc
Đây cũng là băn khoăn của không ít DN, nhất là việc thu thập, xử lý thông tin quản lý từ phía cơ quan hải quan qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến.
Trả lời vấn đề này, đại diện Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công cho biết thủ tục khai bổ sung hồ sơ hải quan phải được thao tác trực tiếp trên hệ thống VNACCS (hệ thống thông quan hàng hóa tự động). Còn việc thực hiện thủ tục trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến có thể thực hiện tại các chi cục hải quan.
Riêng với việc đăng ký làm ngoài giờ trực tuyến được thực hiện trên hệ thống, phía Cục Hải quan Tp.HCM lưu ý DN đăng ký trong giờ hành chính để lãnh đạo đơn vị phân công công chức hải quan trực ngoài giờ giải quyết thủ tục cho DN.
Trong góp ý đối với Dự thảo Thông tư quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra ngày 8/10 cũng nêu vấn đề xử lý thông tin của DN có liên quan đến dịch vụ công trực tuyến.
Chẳng hạn, khi áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động hải quan thì các khâu về lựa chọn đối tượng áp dụng biện pháp nghiệp vụ đều được máy tính thực hiện, không có sự can thiệp của con người.
“Tuy nhiên, giai đoạn thu thập và nhập thông tin đầu vào thì vẫn cần có hoạt động của con người. Khi triển khai áp dụng thì khâu thu thập và nhập thông tin sẽ dễ dẫn đến sự thiếu thống nhất, thậm chí tùy tiện. Do đó, các quy định của Thông tư cần tập trung vào việc hướng dẫn chi tiết việc xử lý các tình huống phát sinh khi thu thập và nhập thông tin”, VCCI nhấn mạnh.
Trong khi đó, Điều 7 của Dự thảo Thông tư quy định về việc thu thập, xử lý thông tin nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề chưa được làm rõ. Đơn cử như, thời gian từ khi cán bộ hải quan biết được thông tin cho đến khi cán bộ đó nhập thông tin vào hệ thống là bao lâu? Khi cán bộ hải quan tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau và có sự mâu thuẫn nhau thì nên nhập thông tin nào?
Ngoài ra, VCCI đặt vấn đề: nếu DN thấy thông tin về mình không chính xác, gây bất lợi cho kết quả đánh giá rủi ro thì DN có quyền yêu cầu điều chỉnh không? Thủ tục xin điều chỉnh thế nào? Cán bộ hải quan làm thế nào để xác minh được thông tin điều chỉnh?
Cần quy định rõ hơn
Mặt khác, việc xử lý sẽ như thế nào trong trường hợp cán bộ hải quan biết thông tin nhưng không nhập liệu? Điều này có thể xảy ra bởi nhiều lý do khác nhau, thậm chí cả nhũng nhiễu, tiêu cực. Ví dụ, nếu là thông tin tốt cho DN thì cán bộ hải quan phải đợi DN “tác động” thì mới nhập liệu.
Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo Dự thảo Thông tư cần nghiên cứu, tiên liệu các trường hợp thực tế có thể phát sinh và đưa ra quy định hướng dẫn, xử lý các tình huống như vậy.
Bên cạnh đó, khi DN đăng ký tờ khai hải quan lần đầu tại các chi cục hải quan khác nhau vẫn được yêu cầu điền vào Phiếu cung cấp thông tin DN với lý do để phục vụ quản lý rủi ro.
Theo phản ánh của DN, rất nhiều nội dung thông tin trong Phiếu này đã được cơ quan hải quan biết hoặc đã được công khai bởi nhiều cơ quan nhà nước khác như thuế, đăng ký kinh doanh.
Nhiều DN quan tâm đến cơ chế để có thể nâng cao mức độ tuân thủ, nâng cao kết quả phân loại rủi ro của người khai hải quan và của hoạt động xuất nhập khẩu.
Thế nhưng hiện nay, Điều 11.5 của Dự thảo mới chỉ quy định “Trường hợp người khai hải quan đề nghị hỗ trợ cung cấp thông tin nâng cao mức độ tuân thủ, cơ quan hải quan có trách nhiệm hướng dẫn”.
Do đó, phía VCCI đề nghị Thông tư cần quy định rõ hơn về trình tự, thủ tục và biện pháp cụ thể mà cơ quan hải quan tiến hành khi DN muốn nâng cao mức độ tuân thủ, nâng cao kết quả phân loại rủi ro.
Có thể nói, những chuyển động gần đây trong khâu thủ tục hải quan là tích cực, nhưng nếu nhìn từ bản Dự thảo Thông tư quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan thì thấy dường như chừng đó vẫn là chưa đủ khi thực hiện cải cách lĩnh vực này.
Đặc biệt là khi chi phí tuân thủ hải quan và các cơ quan khác tại cửa khẩu được cho là chiếm 36% tổng chi phí logistics của DN. Riêng chi phí thủ tục hải quan tại cửa khẩu đã chiếm 11% tổng chi phí logistics nhập khẩu của DN.
Hiện nay, nhiều DN quan tâm đến cơ chế để có thể nâng cao mức độ tuân thủ thủ tục hải quan cũng như nâng cao kết quả phân loại rủi ro của người khai hải quan và của hoạt động xuất nhập khẩu. Vấn đề còn lại là Dự thảo Thông tư cần quy định rõ hơn về trình tự, thủ tục và biện pháp cụ thể mà cơ quan hải quan tiến hành khi DN muốn được tốt hơn trong chuyện này.
Theo Thế Vinh/Thời báo kinh doanh
loading...
End of content
Không có tin nào tiếp theo