Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp Việt phải bỏ tư duy 'an phận thủ thường' để chinh phục EU

Doanh nghiệp cần phải thay đổi "tư duy an phận thủ thường" với những hợp đồng gia công, từ đó sản xuất ra các sản phẩm chuyên sâu hơn. Đi trên "cao tốc EVFTA" chúng ta phải hiểu nguyên tắc là không nên đi lùi hay được phép dừng lại.

Siết quy định phát hành: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp không dành cho những tay chơi "nghiệp dư"? / CNN: Vượt qua đại dịch, với chiến lược phát triển bền vững, Vingroup thẳng tiến thị trường Mỹ

Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia xuất khẩu trái cây Việt Nam đến các thị trường khó tính, công ty Mia Fruit đang triển khai xây dựng bản đồ trái cây Việt Nam để quảng bá thương hiệu trên thị trường thế giới.

Chạy theo số lượng sẽ mất lợi thế

Với việc hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực vào ngày 1/8 vừa qua, bà Nguyễn Ngọc Huyền, Giám đốc công ty Mia Fruit, cho biết điều này chắc chắn sẽ làm nổi bật được những sản phẩm trái cây Việt Nam trên những quầy, kệ hàng tại thị trường EU. Vì vậy, việc quảng bá hình ảnh trái cây Việt Nam tới sân chơi quốc tế là vô cùng quan trọng để cho những doanh nghiệp, đơn vị phân phối bán sỉ trên toàn thế giới nhận ra và hiểu được chất lượng, hình ảnh trái cây, nông sản của Việt Nam.

xuat-khau-nong-san-5342-1598522119.jpg

Hiệp định EVFTA mở ra con đường lớn rất cho ngành hàng nông sản Việt Nam .

Khẳng định bản thân doanh nghiệp mình đã sẵn sàng nhưng bà Huyền bày tỏ băn khoăn về câu chuyện làm thế nào để nâng cao chất lượng trái cây Việt Nam.

Bà Huyền dẫn chứng bài học từ cách làm nông nghiệp của Nhật Bản - một đất nước không có quá nhiều điều kiện thiên nhiên thuận lợi, thiên tai rất nhiều, dân số đông. Tuy nhiên, nhờ cách làm nông nghiệp không chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng, Nhật Bản đã khiến cho người dùng thế giới trầm trồ về sản phẩm nông nghiệp của họ.

"Nho mẫu đơn hay nho Rubi Nhật Bản có giá tới 11 triệu đồng một chùm, đó là minh chứng cho việc hãy tập trung vào chất lượng để từ đó nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế từ những sản phẩm như vậy", bà Huyền nhìn nhận.

Mặt khác, đại diện Mia Fruit cho rằng, cần đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu, từ trái cây tươi đến khô, nước ép hay những sản phẩm liên quan đến trái cây để tối ưu hóa năng suất tiêu thụ.

Cũng về vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho rằng ai cũng thấy cơ hội từ EVFTA nhưng nó sẽ dành cho ai. Ông kể: "Tôi đã tham dự một hội thảo có đến 90% doanh nghiệp tham gia lĩnh vực xuất khẩu và phần lớn là xuất khẩu theo giá FOB - tức là người bán chỉ cần giao hàng lên tàu tại cảng xếp hàng. Vì vậy, phần lớn doanh nghiệp này họ không cần quan tâm đến thuế".

 

Hay với ngành gạo, rất nhiều các đơn từ EU sang, họ đặt hàng các công ty Việt Nam xay xát cho họ nhưng sang EU hay các nước khác thì không phải là sản phẩm của Việt Nam nữa. Doanh nghiệp nước ngoài dán thương hiệu của họ, như vậy là mình chỉ làm gia công.

Ông Khanh đặt vấn đề: "Vậy chúng ta có thực sự tận dụng được cơ hội từ Hiệp định EVFTA hay không?".

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên khuyến nghị: Các doanh nghiệp phải nâng cấp, phải thay đổi tư duy an phận thủ thường với những hợp đồng gia công. "Đi trên cao tốc chúng ta phải hiểu nguyên tắc của nó không nên đi lùi, hay dừng lại... nếu vẫn giữ tư duy đấy thì làm sao đi được cao tốc", ông nhấn mạnh.

"Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng"

Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hơn 80% doanh nghiệp biết về EVFTA, 5% doanh nghiệp có kiến thức chuyên sâu nhưng có tới 63% doanh nghiệp chưa chuẩn bị với EVFTA...

 

TS. Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cho rằng để tận dụng cơ hội, các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu nội dung của hiệp định, "biết địch biết ta trăm trận trăm thắng".

Trong khi đó, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng dẫn một ví dụ nếu EVFTA là một con đường cao tốc thì doanh nghiệp và doanh nhân Việt là những người lái xe ô tô trên con đường ấy. Trước kia, chúng ta đang chạy với vận tốc 50 km/h, xe gì cũng được, lốp gì cũng xong nhưng khi chạy 80 km/h các tiêu chuẩn đều phải khác. Bởi vậy, doanh nghiệp phải chỉnh lại chiếc xe cho tốt, phanh cho ăn, người lái phải giỏi.

Mặt khác, ông Ngô Chung Khanh cho rằng trên hành trình chinh phục thị trường EU cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Để hỗ trợ gì cho các doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường thế giới nói chung và EU nói riêng cần phải có quyết tâm từ trên xuống dưới, từ Trung ương đến địa phương.

Riêng EVFTA, vừa rồi Chính phủ, Thủ tướng đã rất quyết liệt. Ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, Thủ tướng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về thực thi EVFTA với lãnh đạo các bộ, ngành của các tỉnh thành. Nhưng có một điểm hơi “lấn cấn” mà ông Khanh nêu ra là khi triển khai thực hiện, đó là trước đó, khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực ngày 14/1/2019, Bộ Công Thương được Chính phủ giao theo dõi thực thi, phải 8 tháng sau khi Hiệp định có hiệu lực mới có đầy đủ kế hoạch thực thi của các bộ, ngành các địa phương.

Đến bây giờ, sau gần 1 tháng Hiệp định EVFTA có hiệu lực, kể cả khi Thủ tướng có hội nghị quan trọng như vậy, thì kế hoạch thực hiện từ các nơi mà Bộ Công Thương nhận được vẫn khá khiêm tốn. Điều đó cho thấy quyết tâm từ trên xuống dưới không đồng đều.

 

"Khi chúng ta làm chính sách, Chính phủ của chúng ta là Chính phủ kiến tạo, tạo cái gì thuận lợi cho doanh nghiệp thì “tạo”, không cần tạo ra những rào cản cho doanh nghiệp. Có như vậy, thể chế mới thực sự có giá trị", ông Khanh nêu vấn đề.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm