Hỗ trợ doanh nghiệp

Gỡ khó về công tác phòng cháy chữa cháy: Doanh nghiệp vẫn băn khoăn vấn đề thực thi

DNVN - Vui mừng khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo quyết liệt để gỡ khó về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), tuy nhiên các hiệp hội và doanh nghiệp (DN) vẫn băn khoăn về vấn đề thực thi.

Lần đầu tổ chức đấu giá cà phê đặc sản tại Vietnam Amazing Cup 2023 / Sản lượng giảm sâu, nhiều doanh nghiệp ngành sơn, giấy thua lỗ

Những điểm nghẽn lớn
Ngày 5/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện 220/CĐ-TTg chỉ đạo việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC), tạo điều kiện cho DN phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, các hiệp hội và DN đều bày tỏ vui mừng bởi đây là điểm nghẽn rất lớn từ Tết cho đến nay. Việc có chỉ đạo rất nhanh, tương đối quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ là điều cộng đồng DN rất ghi nhận.
Qua phản ánh và trao đổi với các DN, DN gặp khó khăn ở 3 nhóm vấn đề.
Thứ nhất, trong khoảng thời gian rất ngắn, trong khoảng 18 tháng có đến mấy văn bản pháp quy ở cấp độ thông tư, đưa ra những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cụ thể để DN phải tuân thủ, văn bản này thay thế văn bản kia. Do đó, DN rất lúng túng bởi đang đầu tư theo quy định cũ nhưng đến thời điểm kiểm định thì phải theo quy định mới. Và trong những thông tư đó, có những quy chuẩn, tiêu chuẩn mà DN phản ánh rằng chưa khả thi tại Việt Nam. Ví dụ những quy chuẩn mà DN so sánh với quy chuẩn áp dụng tại Anh Quốc hoặc có những loại yêu cầu điều kiện về vật liệu, sơn chống cháy đang chưa được cấp phép trên thị trường. Những quy định cụ thể này đã làm khó cho DN rất nhiều.

Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban IV, doanh nghiệp gặp khó khăn ở 3 nhóm vấn đề chính.
Nhóm phản ánh thứ hai được DN đề cập nhiều là trong thời gian qua có những hạng mục công trình đã đưa vào những quy định mới nhưng không phân biệt về quy mô, chức năng vận hành. Tức là những công trình xây dựng nhỏ hay xây dựng to đều áp chung một quy định nên chi phí tuân thủ của những DN xây các công trình quy mô nhỏ đội lên rất nhiều so với những công trình có quy mô lớn.
Thứ ba, trong phân công chức năng, nhiệm vụ quản trị có sự chồng chéo. Ví dụ có những công trình cần giấy của cấp xã nhưng vẫn phải chịu sự thẩm tra từ phía cơ quan chức năng của Bộ Công an và Bộ Xây dựng. Như vậy, trong cùng khoảng thời gian nhưng một hạng mục PCCC của 1 công trình có thể có 3 cơ quan đến thanh, kiểm tra. Đây là bài toán lớn mà DN phản ánh thời gian vừa qua.
Ngoài ra, theo phản ánh của DN, các tiêu chuẩn đưa ra trong các thông tư tương đương quy định tại Vương quốc Anh - một trong những nước tiên tiến nhất. Hiện có nhiều luồng ý kiến khác nhau bởi vì chúng ta hướng đến những tiêu chuẩn cao, không thể nói rằng chúng ta cứ áp dụng các tiêu chuẩn thấp, tạo ra rủi ro lớn cho cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, DN phân tích có những khía cạnh đúng. Đó là có rất nhiều yêu cầu điều kiện cụ thể khi bóc tách ra không phù hợp một chút nào đối với những bài toán đặc thù của Việt Nam.
Ví dụ quy định về sơn chống cháy, ít nhất trên thị trường phải có 1, 2 loại đã được cấp phép thì DN mới có thể mua và sử dụng được. Còn hiện trên thị trường chưa có loại sơn chống cháy nào được cấp phép, dẫn đến việc DN không được thẩm định công trình, không được nghiệm thu, không được tiếp tục vận hành. Rõ ràng đây là một quy định gây khó.
"Chúng tôi đã ngồi trong những tòa nhà hạng A. Trước đây, có nhiều kiểu tiêu chuẩn về đánh giá tòa nhà. Có chủ tòa nhà nói rằng tất cả mọi yêu cầu đều được thực hiện theo quy định tòa nhà hạng A nhưng ở thời điểm hiện tại nếu đối chiếu với những quy định mới thì lại tiềm ẩn những rủi ro cao. DN không có cách nào để khắc phục nổi và không có cách nào để theo được", Giám đốc Văn phòng Ban IV nêu.
Quy định tòa nhà 20 tầng trở lên phải có tầng lánh nạn, theo quy định được sử dụng cho một số mục đích cộng đồng khi chưa thực hiện chức năng lánh nạn nhưng mục đích cộng đồng là gì thì lại không quy định rõ, thành ra cả cư dân và chủ tòa nhà không biết làm gì với tầng này. Dẫn tới tình trạng lãng phí không cần thiết.
"Nói chung, nếu bóc tách ra thì thấy có nhiều quy định hướng đến tiêu chuẩn cao nhưng phải thực sự hợp lý và khả thi trong bối cảnh hiện tại", bà Thủy đánh giá.
Băn khoăn ở vấn đề thực thi
Theo bà Thủy, các hiệp hội cho rằng công điện "gỡ khó" của Thủ tướng thực sự đã rất toàn diện trong chỉ đạo liên quan đến các bộ chức năng cũng như giao trách nhiệm cho các chính quyền địa phương. Dù vậy, DN vẫn còn băn khoăn ở khía cạnh thực thi như thế nào.
Doanh nghiệp mong muốn các nhóm khó khăn được khẩn trương giải quyết.
Trong chỉ đạo điều hành có nói việc hai Bộ Công an và Xây dựng phải phối hợp rà soát lại toàn bộ các quy định đã ban hành trong các thông tư về tiêu chuẩn, quy chuẩn, đánh giá xem cái gì là thực sự cần thiết, khả thi và hợp lý. Tuy nhiên, việc xây dựng lại các văn bản vi phạm ở Việt Nam cần có thời gian, nhanh cũng vài tháng. Sửa một thông tư không thể thể "một sớm một chiều". Đây là việc chắc chắn phải làm nhưng trong bối cảnh hiện tại, nhiều nghìn DN đang bị đình đốn hoạt động.
Trong bối cảnh này, bà Thủy kiến nghị các nhóm công việc cần phải được phân loại và triển khai khẩn trương.
Thứ nhất, nhiều nghìn DN, trong đó bao gồm 1.600 DN ở Bình Dương, mấy nghìn DN ở Đồng Nai và tương tự các tỉnh, thành khác đang bị yêu cầu tạm dừng không nghiệm thu, không thẩm định, tạm dừng hoạt động thì bây giờ phải có giải pháp hướng dẫn. Nếu chờ 1 năm nữa để ra thông tư mới thì mấy nghìn DN này sẽ "chết". Không thể chờ hậu quả lớn như thế xảy ra trước mắt.
Thứ hai, trong phản ánh của DN có nói đến việc hai thông tư của Bộ Xây dựng thay thế nhau trong hơn 1 năm không có hướng dẫn chuyển tiếp. Mới đây, đại diện cơ quan chức năng có nêu trong hội nghị đối thoại do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì có nói thông tư không hướng dẫn chuyển tiếp nhưng nghị định có quy định về chuyển tiếp.
"Nhưng rõ ràng kể cả người thực thi, đại diện cơ quan chức năng cũng như DN không nắm bắt được điều này nên chúng tôi mong bóc tách vấn đề này ra để xem những cơ sở đã xây sửa theo quy chuẩn cũ mà bây giờ lại nghiệm thu theo quy định mới có hiệu lực thì cần phải ứng xử như thế nào?
Số lượng DN bị ảnh hưởng không hề nhỏ và cũng bị rơi vào nhóm có dấu hiệu vi phạm lên đến vài nghìn đơn vị. Chúng tôi cho rằng cần phải ưu tiên, bóc tách thành nhóm xử lý gấp và nhóm cần thời gian hơn", Giám đốc Văn phòng Ban IV kiến nghị.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm