Hỗ trợ doanh nghiệp

Hà Tĩnh thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng thu ngân sách

DNVN - Từ đầu năm 2022 đến nay, với đà phục hồi mạnh mẽ của khối sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ đã góp phần ổn định tình hình, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh. Nhờ đó, kết quả thu ngân sách trên địa bàn cũng đạt kết quả khá.

Sắp diễn ra vòng chung kết cuộc thi ý tưởng và dự án khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Long / Đà Lạt có thêm 2 dự án điện gió tổng vốn đầu tư hơn 4.300 tỷ đồng

Thu nội địa tăng khá

Theo báo cáo của ngành thuế, 9 tháng đầu năm 2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đạt 14.209 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt hơn 6.500 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu hơn 7.700 tỷ đồng. Theo đánh giá, số thu đạt khá nhờ sự hỗ trợ từ một số khoản thu có yếu tố thị trường tăng cao.

Thuế thu nhập cá nhân đạt 123%, lệ phí trước bạ đạt 82%, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 99%, tiền thuê đất đạt 71%, thu tiền sử dụng đất đạt 106%, thu cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 160%...

Trong bối cảnh dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất, kinh doanh, TMDV trên địa bàn Hà Tĩnh được phục hồi . Trong ảnh: Hoạt động may mặc tại Cum công nghiệp Đại Kim (Hương Sơn) tạo việc làm cho nhiều lao động

Trong bối cảnh dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất, kinh doanh, TMDV trên địa bàn Hà Tĩnh được phục hồi . Trong ảnh: Hoạt động may mặc tại Cum công nghiệp Đại Kim (Hương Sơn) tạo việc làm cho nhiều lao động


Đặc biệt, phân theo địa bàn quản lý thuế, nhiều địa phương vượt thu như: TP Hà Tĩnh, Nghi Xuân, Hương Sơn, Thạch Hà, Vũ Quang…

Để đạt được mức thu khá như hiện nay, ngành thuế đã đề ra nhiều giải pháp quản lý, chỉ đạo như: rà soát nguồn thu tại các địa bàn có nguồn thu lớn, nhà thầu nước ngoài, rà soát đối tượng quản lý; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hồ sơ kê khai thuế và thực tế phát sinh thuế trên tất cả các lĩnh vực, địa bàn;

Tăng số lượng, chất lượng thanh tra, kiểm tra thuế; áp dụng nhiều giải pháp quản lý nợ thuế; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính thuế, đẩy mạnh chuyển đổi số; tập trung tuyên truyền, hỗ trợ để nâng cao tính tuân thủ pháp luật của người nộp thuế…

9 tháng đầu năm, bên cạnh thu nội địa đạt kết quả khá, số thu xuất nhập khẩu cũng ghi nhận sự đột phá khi “cán mốc” thu ngân sách hơn 7.500 tỷ đồng. Đóng góp vào số thuế XNK này, tính riêng Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã nộp hơn 455 tỷ đồng thuế nhập khẩu hệ thống máy móc, thiết bị (tăng 103% so với cùng kỳ năm 2021); nộp hơn 3.732 tỷ đồng thuế nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất (tăng 196% so với cùng kỳ năm 2021)…Ngoài ra, các mặt hàng như: nước giải khát, hàng tiêu dùng, tinh bột sắn, hàng điện tử, gỗ xẻ, dăm gỗ… đều có kim ngạch và số thu tăng mạnh so với cùng kỳ.

 

Để đạt kết quả này, theo bà Phạm Thị Mỹ Hạnh - Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ, Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh, thời gian qua, Hải quan Hà Tĩnh đã có nhiều giải pháp tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan; thúc đẩy và đưa quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả; bố trí cán bộ công chức có chuyên môn tại các khâu nghiệp vụ trọng yếu, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các đơn vị. Nhờ vậy, tình hình xuất nhập khẩu, thu ngân sách tại Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh những tháng qua có sự tăng trưởng đáng ghi nhận”.

Đồng bộ các giải pháp tăng thu

4 tháng cuối của năm, Hải quan Hà Tĩnh phải thu bình quân 265,5 tỷ đồng/tháng để đạt chỉ tiêu Bộ Tài chính giao và 353 tỷ đồng/tháng để đạt chỉ tiêu Tổng cục Hải quan giao.

Theo đại diện Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh, đây là nhiệm vụ hoàn toàn khả thi bởi những tháng cuối năm, theo nhận định chung, hoạt động của doanh nghiệp sẽ sôi động hơn so với những tháng đầu năm. Tuy nhiên, không chủ quan với kết quả đạt được, Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh đang tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tăng thu ngân sách. Ngoài chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn vị tăng cường chống thất thu ngân sách, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Đối với thu nội địa, ngành thuế dự báo, những tháng cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn do tác động của việc Chính phủ ưu tiên kiểm soát lạm phát, kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản. Để hoàn thành mức cao nhất kế hoạch HĐND tỉnh giao với 7.800 tỷ đồng, ngành Thuế Hà Tĩnh đang tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm theo dõi chặt chẽ tiến độ thu, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng sắc thuế để có phương án chỉ đạo, điều hành thu kịp thời.

 

Hoạt động xuất nhập khẩu sôi động tại cảng Vũng Áng

Hoạt động xuất nhập khẩu sôi động tại cảng Vũng Áng


Cục Trưởng Cục Thuế Trương Quang Long cho biết: “Đối với công tác quản lý thuế, Cục Thuế thường xuyên phân tích, đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến nguồn thu, xác định cụ thể từng lĩnh vực, sắc thuế có nguy cơ thất thu, chỉ rõ nguyên nhân tồn tại, trên cơ sở đó tham mưu với UBND tỉnh các biện pháp chỉ đạo, điều hành thu; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích các DN mở rộng sản xuất, kinh doanh”.


Anh Bình - Bảo Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo