Hỗ trợ doanh nghiệp

Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tăng năng suất lao động

Thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành nói chung và Bộ KH&CN nói riêng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, giúp doanh nghiệp tiếp cận công nghệ, tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo để tăng năng suất.

Lo thiếu doanh nghiệp cỡ vừa cung ứng cho khối ngoại / Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa: Cần xóa bỏ tư duy hành chính trong hoạt động Khoa học và Công nghệ

Bộ KH&CN nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn

Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Tô Hoài Nam cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, yếu tố cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt hơn, tỷ lệ đối chọi trên thị trường đã tăng lên hàng chục lần so với giai đoạn trước dịch.Do vậy, doanh nghiệp vừa phải tiết giảm chi phí, vừa phải nâng cao hiệu quả hoạt động để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Để làm được điều đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để thúc đẩy năng suất, chất lượng là vô cùng quan trọng.

Trên thực tế, thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam rất năng động và chủ động trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh để ứng phó với dịch bệnh; chẳng hạn như nhiều doanh nghiệp đã áp dụng phương thức làm việc từ xa để giảm thiểu chi phí không cần thiết, hoặc có nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng mô hình kinh doanh online để phục vụ tốt hơn cho khách hàng…Do đó, có thể khẳng định là doanh nghiệp đang nhìn nhận vai trò của khoa học công nghệ rất khác so với trước đây. Họ không những thấy đó là sự cần thiết mà còn là cơ hội để hướng tới thành công.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: Hiệp hội DNNVV.

Ông Tô Hòa Nam đánh giá cao nỗ lực của Bộ KH&CN trong việc hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến năng suất, chất lượng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.Cụ thể, Bộ đã triển khai thành công chương trình 712 về Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020. Nhờ chương trình này, các chủ doanh nghiệp đã bắt đầu chi tiết hóa từng công đoạn sản xuất và áp dụng các công cụ kỹ thuật để kiểm soát chặt chẽ sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm. Nhìn chung, chương trình 712 đã giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao trình độ quản trị, hiệu quả hoạt động (bao gồm cả việc kiểm soát chi phí, lãng phí) và quan trọng nhất là tối ưu hóa được lợi nhuận.

“Bộ KH&CN cũng đã cho ra đời bộ công cụ VIPA với 64 chỉ số đánh giá mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp trong chuyển đổi số. Đây là kim chỉ nam giúp doanh nghiệp biết rõ họ đang cần gì và giải pháp để thực hiện ra sao. Do đó, tôi rất hy vọng cộng đồng doanh nghiệp sẽ đón nhận và sử dụng hiệu quả bộ công cụ này.

Sự vào cuộc của Bộ Khoa học & Công nghệ là rất quyết liệt và hiệu quả, tuy nhiên doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Một trong những vấn đề quan trọng nhất đó là thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho công tác cải tiến doanh nghiệp.

Thực tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có nhiều lao động am hiểu về cải tiến năng suất, chất lượng, trong khi chính họ là lực lượng chủ chốt, thường xuyên để phát hiện và cải tiến những vấn đề tồn tại của doanh nghiệp mình. Mặt khác, số lượng chuyên gia có am hiểu sâu về cải tiến lại không nhiều, vì vậy họ không thể cáng đáng được hết 800.000 doanh nghiệp trên cả nước”, ông Tô Hoài Nam nhấn mạnh.

Những giải pháp lâu dài

 

Về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tăng năng suất, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tô Hoài Nam cho rằng, đối với công tác đào tạo học sinh ra trường, Chính phủ nên tập trung nhiều hơn cho lĩnh vực dạy nghề, đảm bảo cả về số lượng và chất lượng học sinh ra trường có tay nghề cao (bao gồm cả kinh nghiệm thực tế doanh nghiệp). Chỉ khi lao động có tay nghề cao và kiến thức thực tế thì họ mới nhìn ra những vấn đề còn bất cập của doanh nghiệp.

Đối với công tác đào tạo chuyên gia, Chính phủ nên có các chương trình hỗ trợ đào tạo trong và ngoài nước cho các tư vấn viên về năng suất, chất lượng để có nhiều hơn các chuyên gia trong lĩnh vực này. Ngoài ra, Chính phủ nên xây dựng một bảng lương “vượt trội” để khuyến khích lực lượng lao động chất lượng cao.

Về công tác truyền thông và hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ nên thông qua các Hiệp hội (cần có kinh phí hỗ trợ) để đào tạo, tư vấn các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng cho doanh nghiệp và người lao động. Về công tác đào tạo người lao động, các doanh nghiệp cần liên kết với các trường dạy nghề để xây dựng kế hoạch đào tạo hằng năm cho lực lượng lao động, thậm chí có đơn đặt hàng cụ thể cho doanh nghiệp mình.

“Một vấn đề quan trọng khác là làm sao để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, tôi nghĩ câu chuyện này không phải chỉ của riêng Bộ ngành nào, mà là trách nhiệm của cả Chính phủ. Ngày 03/06 vừa qua, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử.

Mục tiêu của Quyết định đã chỉ ra định hướng rất rõ ràng, rất đúng và trúng. Chính phủ cần phải đi đầu, tạo ra thói quen sử dụng công nghệ để giải quyết dịch vụ công trên môi trường điện tử; từ đó giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận với chuyển đổi số. Ngoài ra, tôi cũng kiến nghị các Bộ ngành cần thực hiện nghiêm túc Nghị Quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Nếu thực hiện tốt 02 vấn đề trên, tôi tin tưởng chắc chắn rằng: môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ thuận lợi và thông thoáng hơn rất nhiều”, ông Tô Hoài Nam nói thêm.

 

Việc ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường hoạt động đổi mới sáng tạo chính là giải pháp giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động. Ảnh minh họa

Liên quan tới giải pháp nâng cao năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, bà Cristina Fentross, Quyền Phó Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) cho rằng, đại dịch Covid-19 đã gây tác động chưa từng có tiền lệ đến đời sống của người dân và hoạt động của các doanh nghiệp.Tuy nhiên đại dịch Covid-19 không làm chậm lại quá trình chuyển đổi khoa học công nghệ mà còn thúc đẩy chuyển đổi khoa học công nghệ lên tầm cao mới. Đồng thời, trở thành chất xúc tác để doanh nghiệp thay đổi và nhận thức được sự cần thiết của việc chuyển đổi, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

“Việc chuyển đổi khoa học công nghệ nói chung và chuyển đổi số nói riêng là cấu phần cốt lõi của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. USAID đang phối hợp chặt chẽ với Việt Nam thực hiện Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm hỗ trợ, khắc phục khó khăn qua đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam chưa đủ kỹ năng để có thể tận dụng cơ hội chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Do đó, các doanh nghiệp cần hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc đầu tư vào khoa học công nghệ, chuyển đổi số và tìm kiếm các giải pháp thích ứng để hoạt động trong bối cảnh hiện nay”, bà Cristina Fentross chia sẻ.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm