Hoá giải điểm nghẽn để da giày Việt Nam phát triển từ CPTPP, EVFTA
Thông tin trên được các chuyên gia kinh tế đưa ra tại Diễn đàn Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam năm 2019 “Ngành da giày Việt Nam – đón đầu cơ hội CPTPP và EVFTA”, tổ chức mới đây tại TP.HCM.
Con số nhiều ý nghĩa
Theo Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương, Việt Nam bắt đầu quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới từ khi gia nhập ASEAN năm 1996, đến nay Việt Nam đã ký kết 14 hiệp định tự do thương mại đa phương và song phương, trong đóHiệp định CPTPP, EVFTAlà yếu tố thu hút nhiều dự án trong và ngoài nước đầu tư vào ngành da giầy tại Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng được cắt giảm thuế ngay sau khi hiệp định có hiệu lực.
Theo Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), trong năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm giày dép tới hàng trăm nước, trong đó trên 50 nước có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 triệu USD.
Hiện nay Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu giày dép và túi xách lớn của thế giới.
Đến hết năm 2019, dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu da giày đạt khoảng 21,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2018. Chỉ riêng 6 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày đã đạt trên 10,33 tỷ USD.
Trong đó, giày dép đạt 8,53 tỷ USD, túi xách đạt 1,8 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu giày dép lớn nhất trong 6 tháng đầu năm là Mỹ, tiếp đến là EU, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Hiện ngành da giày Việt Nam giữ vị trí thứ 2 về xuất khẩu trên thế giới và là một trong những ngành có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước.
Lefaso cũng cho biết, hiện nay ngành da giày đã chủ động được hơn 70% nguyên liệu phụ cho các dòng sản phẩm trung bình và 50% nguyên liệu cho các doanh sản phẩm trung bình khá. Trong đó, khoảng 90% bao bì giấy, 80% đế các loại, hơn 80% các loại khuôn giày, 60% phụ liệu, 50% da các loại...
Nhìn chung các chủng loại nguyên phụ liệu được sản xuất trong nước có chất lượng tốt, đủ tiêu chuẩn cho sản xuất hàng xuất khẩu hầu hết là sản phẩm của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với các mặt hàng khá đa dạng như: phụ kiện kim khí, nhựa, chỉ may, keo dán, da muối, da bán thành phẩm, giả da…
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, ngành da giày đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước.
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, da giày Việt Nam là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu luôn tăng trưởng qua các năm, mức tăng bình quân trên 10%/năm. Ngành da giày đã và đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước.
“Ngành da giầy đã và đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước, trong 6 tháng đầu năm 2019, ngành đã tạo ra 1,5 triệu việc làm, đảm bảo ổn định an sinh xã hội, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ”, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay.
Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia cho rằng, những kết quả đạt được chủ yếu đến từ các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia, tuy chiếm tỉ trọng nhỏ về số lượng doanh nghiệp (trên 10%) nhưng đóng góp lớn về kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành (70-80%).
Cần tạo “cú hích” từ những điểm nghẽn
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành da giày Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức như thách thức về mức lương ngày càng tăng ở trong nước và những thách thức đến từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu trước xu hướng bảo hộ…
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, mặc dù ngành da giày Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA). Thế nhưng, để có thể tận dụng được những lợi thế từ các hiệp định trên hay không thì Hiệp hội Da-Giầy-Túi xách Việt Nam cũng như các doanh nghiệp cần giải quyết các điểm nghẽn mà ngành đang gặp phải hiện nay.
Quang cảnhDiễn đàn Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam năm 2019 “Ngành da giày Việt Nam – đón đầu cơ hội CPTPP và EVFTA”.
Trong đó, nổi cộm là công nghiệp hỗ trợ, nguyên phụ liệu trong nước chưa phát triển, phụ thuộc nhập khẩu (trên 80%); thiếu chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ; thiếu quy hoạch phát triển ngành theo cụm liên kết và chuỗi giá trị; chưa phát triển được thương hiệu mạnh và đội ngũ thiết kế trong nước; thiếu các trung tâm hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu và phát triển (R&D) cho ngành. Bên cạnh đó, đội ngũ thiết kế, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đủ đáp ứng...
Theo thống kê của Lefaso, hàng năm các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu phụ kiện làm khuôn, đế, chất dẻo, keo dán… Năm 2018 Việt Nam đã nhập khẩu da thuộc các loại đạt 1,63 tỷ USD, lớn nhất là từ Trung Quốc (325 triệu USD), Italia (244 triệu USD), Thái Lan (232 triệu USD), Hàn Quốc (161 triệu USD), Đài Loan (124 triệu USD)...
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, những thách thức này đặt ra yêu cầu cho ngành da giầy Việt Nam phải duy trì và cải thiện hơn nữa những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua.
Ngành cần đặc biệt chú trọng đến nâng cao năng suất, chất lượng nguồn nhân lực, hình thành các chuỗi giá trị và cụm liên kết ngành da giầy, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao giá trị tạo ra trong nước và giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Chia sẻ vấn đề này, ông Diệp Thành Kiệt - Phó Chủ tịch Lefaso - cho rằng cần phải xây dựng các khu công nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chuyên biệt cho ngành. Các khu công nghiệp này phải có nhà máy xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn.
Đồng thời, Chính phủ tạo cơ chế thu hút các doanh nghiệp có công nghệ cao hỗ trợ ngành da giày. Bên cạnh đó, cũng cần có sự đồng bộ trong cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài, kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu; tăng chất lượng nguồn nhân lực trong nước...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
359 sản phẩm của 190 doanh nghiệp được vinh danh Thương hiệu quốc gia năm 2024
Xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam tiến vào kỷ nguyên xanh
Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần được kết nối với các quỹ ngoại
Vinamilk 16 năm liên tiếp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam
Ba thương hiệu thuộc DNP Holding được vinh danh Thương hiệu quốc gia Việt Nam
Đẩy mạnh phát triển giải pháp low-code tại thị trường Hàn Quốc