Khai mở tiềm năng đổi mới sáng tạo tại Đồng bằng sông Cửu Long
Hỗ trợ cơ chế chính sách để hộ kinh doanh 'chịu lớn' / Khởi công xây dựng đường cất hạ cánh số 2 sân bay Phù Cát trong tháng 8
Thiếu khung pháp lý về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Theo thống kê mới nhất của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giai đoạn 2019–2023, toàn vùng chỉ ghi nhận 93 doanh nghiệp khoa học công nghệ, tập trung chủ yếu tại một số địa phương như Sóc Trăng (19), Đồng Tháp và Cần Thơ (13 doanh nghiệp mỗi tỉnh), và Bến Tre (10). Con số này là khá thấp so với quy mô và tiềm năng của vùng.
Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup), hiện mới chỉ có 72 startup được thống kê tại 6/13 tỉnh, thành trong vùng. Long An dẫn đầu với 33 startup, tiếp theo là Vĩnh Long (14), Trà Vinh (13), Cà Mau (7), Đồng Tháp (5) và Sóc Trăng (3). Riêng Bến Tre là tỉnh duy nhất thống kê được số lượng doanh nghiệp thành lập mới có xuất phát điểm từ các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và phong trào khởi nghiệp địa phương.
"Hiện chưa có một khung pháp lý hoặc định nghĩa thống nhất về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, dẫn đến tình trạng ghi nhận và thống kê hoàn toàn phụ thuộc vào sự chủ động của từng địa phương. Điều này gây khó khăn trong việc đánh giá thực trạng, xây dựng chính sách và đo lường hiệu quả hỗ trợ", báo cáo của VCCI nhấn mạnh.
Phần lớn các doanh nghiệp được xem là startup tại ĐBSCL hiện nay vẫn là các doanh nghiệp khởi nghiệp theo hướng truyền thống, chỉ ứng dụng một phần yếu tố công nghệ hoặc đổi mới trong vận hành, sản phẩm. Nói cách khác, đây là các doanh nghiệp khởi nghiệp định hướng đổi mới sáng tạo (Innovation-Oriented Enterprises), chứ chưa thực sự đạt tiêu chuẩn quốc tế về startup.

Thực tiễn cho thấy các startup tại vùng thường khai thác lợi thế sẵn có về tài nguyên, nông nghiệp, thủy sản... nhưng lại thiếu sự đồng bộ từ các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp như quỹ đầu tư, vườn ươm, chuyên gia tư vấn, hay kết nối thị trường.
Các quỹ đầu tư – một nhân tố sống còn đối với sự phát triển startup – vẫn chưa mạnh dạn “rót vốn” vào khu vực ĐBSCL. Lý do là vì phần lớn mô hình kinh doanh của startup nơi đây còn mang tính truyền thống, khó mở rộng quy mô, hạn chế về công nghệ, chưa có sản phẩm mang tính đột phá chiến lược, và năng lực nhà sáng lập còn yếu về kiến thức chuyên môn, sở hữu trí tuệ, kỹ năng quản trị…
Bên cạnh đó, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong vùng chưa phát triển đúng tầm. Sự thiếu vắng kết nối liên vùng khiến các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp rời rạc và kém hiệu quả. Các trung tâm ươm tạo, không gian làm việc chung, tổ chức tư vấn chuyên nghiệp còn yếu và thiếu, vai trò của các viện, trường, doanh nghiệp lớn và mạng lưới cố vấn chưa rõ nét.
5 nhóm khuyến nghị chính sách
Trên cơ sở thực tiễn và đánh giá từ các chuyên gia, VCCI kiến nghị 5 nhóm giải pháp chính cho hoạt động đổi mới sáng tạo tại ĐBSCL.
Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý thống nhất cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cần ban hành định nghĩa rõ ràng, nguyên tắc và chính sách cụ thể hỗ trợ startup, trong đó có cả quy định về sandbox để các startup thử nghiệm sản phẩm và mô hình kinh doanh mới. Địa phương cần chủ động xây dựng chính sách riêng phù hợp với thực tế, lượng hóa được kết quả hỗ trợ và có cơ chế giám sát định kỳ.
Thứ 2, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thiết kế các chương trình đào tạo chuyên sâu, chính quy về khởi nghiệp sáng tạo, kết hợp với kiến thức quản trị, công nghệ và tư duy đổi mới. Đồng thời, cần có chính sách thu hút nhân tài và chuyên gia quốc tế về hỗ trợ startup tại địa phương.
Thứ 3, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo mạnh mẽ. Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng như trung tâm ươm tạo, không gian làm việc chung, trung tâm R&D; thúc đẩy liên kết nội vùng để hình thành mạng lưới khởi nghiệp – sáng tạo ĐBSCL.
Thứ 4, ưu tiên các lĩnh vực thế mạnh gắn với phát triển bền vững. Khuyến khích ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp thông minh, chế biến sâu, năng lượng tái tạo, các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu. Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp có định hướng phát triển xanh, như mô hình Sokfarm (Trà Vinh) – startup điển hình thành công với sản phẩm từ dừa hữu cơ.
Thứ 5, xây dựng văn hóa khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng. Đẩy mạnh truyền thông, tổ chức cuộc thi, chương trình thực tế để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, thúc đẩy tư duy sáng tạo trong giới trẻ. Phát triển nền tảng số chia sẻ tri thức, kết nối cộng đồng startup toàn vùng.
Có thể nói, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại ĐBSCL vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Tuy nhiên, để khai mở tiềm năng ấy, cần một hệ sinh thái được đầu tư bài bản, chính sách phù hợp với đặc thù địa phương và sự vào cuộc mạnh mẽ từ cả Nhà nước, doanh nghiệp, quỹ đầu tư và các tổ chức hỗ trợ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo