Hỗ trợ doanh nghiệp

Khẳng định giá trị thương hiệu Việt giữa khó khăn

Dù dịch Covid-19 đã lấy hầu hết thời gian kinh doanh của doanh nghiệp (DN) như năm 2020 vừa qua, nhưng nhờ quá trình phát triển thương hiệu lâu năm và có chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng nên vẫn có những DN Việt khẳng định được giá trị của mình, dẫn đầu thị trường giữa khó khăn.

Lo thiếu doanh nghiệp cỡ vừa cung ứng cho khối ngoại / Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa: Cần xóa bỏ tư duy hành chính trong hoạt động Khoa học và Công nghệ

Cuối tuần trước, tại Tp.HCM có hai sự kiện liên quan đến hoạt động quảng bá thương hiệu trong môi trường trực tuyến và khẳng định giá trị của thương hiệu hàng Việt từ những DN dẫn đầu thị trường.

“Chọn mặt gửi vàng”

Sự kiện thứ nhất là việc ra mắt sàn thương mại điện tử (TMĐT) cho các DN hàng Việt Nam chất lượng cao. Và phiên “Chợ tết hàng Việt Nam chất lượng cao” là phiên đầu tiên của sàn được diễn ra từ ngày 23/1- 5/02/2021.

HINH-1828-1611310227.jpg

Để khẳng định giá trị thương hiệu đòi hỏi các DN Việt phải chuyển biến thành hành động.

Đây được xem là giải pháp xúc tiến và thúc đẩy mua bán trực tuyến (online) nhằm giúp các thương hiệu hàng Việt chất lượng cao tăng trưởng doanh số mạnh dịp cuối năm âm lịch, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người tiêu dùng trong giai đoạn chống dịch Covid-19, đồng thời đáp ứng định hướng chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ.

Và hơn thế nữa, sàn TMĐT này được kỳ vọng sẽ giúp các DN xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu. Theo đó, sàn được tổ chức dành cho các DN hàng Việt chất lượng cao có nguồn hàng hóa phù hợp cho việc bán hàng online, cũng như đẩy mạnh thương hiệu DN của mình và mở rộng thị trường ở môi trường kinh doanh trực tuyến.

Sự kiện thứ hai là việc UBND Tp.HCM lần đầu tiên trao giải thưởng Thương hiệu Vàng Tp.HCM năm 2020 cho 30 DN có kết quả xuất sắc trong xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, dịch vụ. Đây là những DN dẫn đầu trong ngành nghề sản xuất, kinh doanh của mình tại Tp.HCM.

Tổng doanh thu năm 2019 của 30 DN đạt giải lần này là 252.792 tỉ đồng, tương đương 21,8% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2019 trên địa bàn Tp.HCM, tổng lợi nhuận sau thuế của 30 DN đạt 32.670 tỉ đồng.

Theo đánh giá của Sở Công thương Tp.HCM, hầu hết thương hiệu sản phẩm, dịch vụ của DN đạt giải đã trải qua quá trình hình thành, phát triển khá dài và đã xác định được vị thế vững chắc trên thương trường, có độ nhận biết và có uy tín cao trong tâm trí khách hàng và những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của Thành phố.

 

Có thể nói, sự kiện này được ví như “chọn mặt gửi vàng” của chính quyền Tp.HCM đối với các DN dẫn đầu để vừa khẳng định vừa tiếp tục nâng cao giá trị thương hiệu Việt hơn nữa, nhất là trong bối cảnh đầy thử thách như hiện nay.

Trong việc nâng giá trị thương hiệu hàng Việt ở Tp.HCM thời gian tới, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương Tp.HCM cho biết đang đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển DN và sản phẩm công nghiệp chủ lực của Tp.HCM.

Theo đó, trong năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025 Tp.HCM sẽ triển khai xây dựng thực hiện chương trình phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm tiềm năng của Thành phố.

Chuyển biến thành hành động

Điều này, theo ông Vũ, nhằm giúp các DN nội địa nâng cao năng lực cạnh tranh, hình thành những thương hiệu mạnh, gia tăng vị thế của thương hiệu Việt, thương hiệu Tp.HCM trên thị trường quốc tế, góp phần gia tăng giá trị mặt hàng xuất khẩu.

 

Liên quan đến chính sách hỗ trợ phát triển thương hiệu cho DN nội địa, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng vai trò của chính sách Nhà nước trong việc phát triển thương hiệu của DN là rất quan trọng, nhất là trong môi trường kinh tế mở như hiện nay.

“Tuy nhiên, hỗ trợ như thế nào cũng không nên làm thui chột cạnh tranh, bởi đây là điều cơ bản của nền kinh tế thị trường”, ông Thành nói.

Ông Thành cũng nhấn mạnh là hiện nay nhận thức của DN Việt về vai trò của thương hiệu trong hoạt động kinh doanh đang được nâng cao, nhưng để chuyển biến thành hành động thì còn cả một câu chuyện dài.

Cần thấy là trong năm 2020 vừa qua, dịch Covid lấy hầu hết thời gian kinh doanh của DN, dẫn tới nhiều DN nội địa lao đao, chưa gượng dậy nổi.

Nhưng, trước những thách thức lớn như vậy, nhiều ý kiến cho rằng đã có những DN Việt nỗ lực phi thường nhờ có quá trình phát triển thương hiệu lâu năm và có chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng, cũng như biết cách thay đổi quản trị, mô hình kinh doanh, mạng lưới phân phối…nên đã giúp họ thành công ngoạn mục.

 

Theo giới chuyên gia, với những DN Việt đã tạo dựng được thương hiệu thì dù gặp tác động từ dịch Covid-19 nhưng họ vẫn có nhiều lợi thế về thị trường, về phân phối sản phẩm, lợi thế cạnh tranh. Và các DN Việt có sản phẩm đạt thương hiệu đều có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng cả về lợi nhuận và doanh thu.

Nói về việc xây dựng thương hiệu thời khủng hoảng, chuyên gia bán lẻ và nhượng quyền Nguyễn Phi Vân lưu ý một mắt xích đơn giản tạo nên thương hiệu chính là: Khách hàng, người tiêu dùng, người sử dụng.

Theo bà Vân, khi thương hiệu không còn liên quan, không còn chạm vào cảm xúc và điểm tựa nhu cầu của người dùng, thương hiệu không tồn tại. Nhất là khách hàng trong thời đại hiện nay là những người tiêu dùng số, họ kết nối, họ tạo ra ảnh hưởng, và sở hữu sức mạnh vô song.

Do đó, đối với các DN Việt, việc xây dựng thương hiệu không còn là trách nhiệm của bộ phận marketing và thương hiệu nữa, mà đã trở thành chiến lược chuyển đổi mô hình kinh doanh, phải chuyển biến thành hành động để giữ cho thương hiệu của DN gắn chặt hơn nữa với người tiêu dùng.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm