Hỗ trợ doanh nghiệp

Khởi nghiệp trên đất Lào, doanh nghiệp Việt thành công với sản phẩm bột và tấm trần thạch cao

DNVN - Trải qua những khó khăn ban đầu nơi vùng đất mới cách xa vùng dân cư và đặc biệt là việc xây dựng thương hiệu, nhưng chỉ sau 1 thời gian ngắn, sản phẩm bột, tấm trần thạch cao của Vilaco đã tìm được chỗ đứng trên thị trường.

Cần rút ra bài học phát triển tập đoàn kinh tế Nhà nước từ mô hình Viettel / Doanh nghiệp nông nghiệp Đan Mạch sẵn sàng chia sẻ công nghệ và hợp tác với Việt Nam

Lời giới thiệu chứa nhiều cảm xúc của Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Khăm Muộn Xay Phong Xa Vẳn dành cho Công ty TNHH Việt Lào (Vilaco) khi đoàn công tác Hà Tĩnh sang thăm và làm việc càng thôi thúc chúng tôi đến tận nơi tìm hiểu rõ hơn về hoạt động của doanh nghiệp này.

Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh

Trên quãng đường 40 km từ Thà Khẹt thủ phủ của Khăm Muộn về đại bản doanh Vilaco ở bản Bừng-hưa-na, huyện Xê băng phay, chúng tôi được Giám đốc Vilaco Nguyễn Mạnh Hùng thông tin nhanh lịch sử ra đời và hoạt động SXKD của công ty. Năm 2004, Vilaco được Chính phủ Lào cấp giấy phép đầu tư khai thác và chế biến sâu mỏ thạch cao, công suất 300.000 tấn/năm. Thực hiện đúng cam kết với Chính phủ Lào, vào thời điểm kinh tế Việt Nam và thế giới gặp khó khăn, nhưng Vilaco vẫn quyết tâm đầu tư dây chuyền sản xuất bột thạch cao cao cấp trị giá 2 triệu USD.

Trải qua những khó khăn ban đầu nơi vùng đất mới cách xa vùng dân cư và đặc biệt là việc xây dựng thương hiệu, nhưng chỉ sau 1 thời gian ngắn, sản phẩm bột, tấm trần thạch cao của Vilaco đã tìm được chỗ đứng trên thị trường. Hoạt động đầu tư sản xuất trên đất bạn Lào không ngừng được mở rộng. Năm 2007, Vilaco đầu tư nhà máy bột thạch cao, công suất 30.000 tấn/năm; năm 2011 đầu nhà máy tấm trần công suất 500.000m2/năm; năm 2013 đầu tư mở rộng nhà máy chế biến bột anpha cao cấp công suất 20.000 tấn/năm. Tổng vốn đầu tư các nhà máy đến nay gần 5 triệu USD.

Tấm trần thạch cao của nhà máy

Sản phẩm tấm trần thạch cao của nhà máy

“Sản phẩm của Vilaco chủ yếu bán tại Lào và xuất khẩu về Việt Nam, sang Thái Lan. Ngoài sản phẩm thạch cao truyền thống cung cấp cho các nhà máy xi-măng ở Việt Nam, sản phẩm bột thạch cao cao cấp đã có nhiều nhà máy gốm sứ của Việt Nam đặt mua với số lượng lớn. Riêng sản phẩm tấm trần thạch cao được khách hàng chấp nhận, tiêu thụ mạnh ở nhiều thị trường”, Giám đốc Vilaco Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Nhờ thành công trong đầu tư chế biến sâu nên doanh thu của Vilaco tăng nhanh. Năm 2021, Vilaco đã khai thác khoảng 650 nghìn tấn thạch cao thô, sản lượng bột thạch cao đạt khoảng 12 nghìn tấn và sản xuất khoảng 300 nghìn tấm trần thủ công; doanh thu đạt 480 tỷ đồng, lợi nhuận 12 tỷ đồng. Đặc biệt, công ty nộp ngân sách Lào 1,1 triệu USD – là một trong những doanh nghiệp đứng đầu tại tỉnh Khăm Muộn về thực hiện nghĩa vụ Nhà nước.

Công nhân người Lào sản xuất tấm trần thạch cao tại nhà máy

Công nhân người Lào sản xuất tấm trần thạch cao tại nhà máy

“Sự đóng góp của Vilaco hàng năm không chỉ mang lại nguồn ngân sách 1 triệu USD/năm, mà còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Hai tỉnh Khăm Muộn và Hà Tĩnh đã, đang tiếp tục phối hợp triển khai các dự án đầu tư vào Khăm Muộn như đất đai, khoáng sản, nông nghiệp, du lịch... Trước mắt, tỉnh ưu tiên tạo điều kiện cho Vilaco đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi...”, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Khăm Muộn Xay Phong Xa Vẳn cho biết.

 

Thể hiện trách nhiệm xã hội

Hai bên Quốc lộ 13 từ Thà Khẹt về Xê-bang-phai dân cư thưa thớt nhưng khi đến bản Bừng-hưa-na thì nhộn nhịp hẳn lên bởi khu Nhà máy chế biến thạch cao và vùng mỏ thạch cao Vilaco. Tại khu vực sản xuất tấm trần thạch cao, khá đông công nhân Lào đang tham gia sản xuất, mỗi ngày làm ra hàng nghìn m2 tấm thạch cao theo đơn đặt hàng.

Giám đốc Vilaco Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nhân sự người Lào đang dần thay thế các vị trí chủ chốt trong công ty; công nhân Lào làm việc với ý thức trách nhiệm cao, tuân thủ nguyên tắc kỹ thuật và kỷ luật lao động lại nhiệt tình, chăm chỉ. Vilaco tạo việc làm thường xuyên cho 150 lao động (70% là người Lào) với mức lương bình quân 8,5 triệu đồng/người/tháng. Hiện, nhà máy đang mở rộng dây chuyền sản xuất tấm trần thạch cao nên đang tiếp tục đào tạo nghề cho cả trăm công nhân.

Toàn cảnh mỏ khai thác thạch cao tại tỉnh Khăm Muộn

Mỏ khai thác thạch cao tại tỉnh Khăm Muộn.

 

Không chỉ chăm lo đời sống của người lao động, VILACO còn làm tốt công tác từ thiện xã hội với địa phương. Ông Thông Xay Mang Nô Mek - Chủ tịch huyện Xế Băng Phay cho biết: “Thời gian qua, VILACO không chỉ SX-KD và tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương mà còn quan tâm công tác an sinh xã hội, tài trợ xây dựng hạ tầng tại địa phương. Trong năm 2021, công ty hỗ trợ huyện Xế Băng Phay hơn 5.000 xe đất, hỗ trợ máy móc san gạt, lu đường giao thông, lắp đặt đèn chiếu sáng. Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ các hoạt động khắc phục thiên tai, xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết bị các trụ sở hành chính… Đặc biệt, trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, VILACO đã đóng góp nguồn kinh phí lớn và nhiều hiện vật hỗ trợ địa phương phòng, chống dịch.”

Song song với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, Vilaco luôn chú trọng và làm tốt quan hệ đối ngoại với địa phương, tạo mối đoàn kết hữu nghị tốt đẹp với chính quyền địa phương cũng như tỉnh Khăm Muộn và các bộ, ngành Trung ương của nước bạn. “Thành công của Vilaco trong suốt 18 năm là nhờ sự giúp đỡ, sẻ chia, hợp tác chí tình, chí nghĩa của chính quyền và nhân dân các bộ tộc Lào anh em. Vilaco luôn ghi nhớ và có nhiều hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội của mình đối với nhân dân địa phương”, Giám đốc Vilaco Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Những công trình, hoạt động an sinh xã hội được Vilaco tài trợ trên địa bàn tỉnh Khăm Muộn trong nhiều năm qua là những món quà cụ thể, thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương, góp phần tô thắm mối đoàn kết hữu nghị Việt - Lào “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.

Anh Bình - Bảo Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm